Thị trường tài chính 24h: Chọn lọc và chờ cơ hội ở cổ phiếu bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ lên trên 1.190 điểm; Ngân hàng “thất thu” kênh chứng khoán; Cổ phiếu địa ốc: "Chờ đợi là hạnh phúc"; Phát triển thị trường chứng khoán bền vững: Kỳ vọng gỡ nhiều nút thắt; IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chọn lọc và chờ cơ hội ở cổ phiếu bất động sản

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày đứng tại đã giảm thêm 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,10 – 66,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 2,7 USD xuống 1.717,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục và lên gần 1.725 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,95 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 đồng/USD, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.230 – 23.510 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua nhích nhẹ lên 21.300 USD, thì sang phiên hôm nay chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,21 USD (+0,22%), lên 95,19 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,01 USD (-0,01%), xuống 104,39 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

Sau phiên sáng giảm nhẹ, thị trường bật trở lại ngay sau giao dịch trở lại trong phiên chiều nhờ một số bluechip như BVH, VCB đứng vững.

Dù vậy, mức tăng của VN-Index chỉ khiêm tốn và giao dịch sau đó chủ yếu là giằng co quanh tham chiếu và chỉ số có nhịp nảy nhanh lên trên 1.190 điểm ở những phút cuối nhờ sắc xanh phủ rộng hơn tại rổ VN30.

Nhóm VN30, bất ngờ khởi sắc là BVH khi tăng 5,1% lên 57.200 đồng, mức cao nhất ngày.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ BSI tăng kịch trần +6,8%, sau khi có tin tiếp tục thực hiện phương án chào bán riêng lẻ hơn 65,7 triệu cổ phiếu cho HFI với giá 41.000 đồng/cổ phiếu.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 3,22 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 624,08 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/7: VN-Index tăng 5,97 điểm (+0,50%), lên 1.191,04 điểm; HNX-Index tăng 1,64 điểm (+0,58%), lên 284,52 điểm; UpCoM-Index tăng 0,46 điểm (+0,52%), lên 88,87 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall sụt giảm trong phiên ngày thứ Ba (26/7), khi tâm lý giới đầu tư bất an bởi chỉ số niềm tin người tiêu dùng suy yếu, cũng như ảnh hưởng mạnh từ việc Walmart cắt giảm triển vọng lợi nhuận.

Cổ phiếu của Walmart đã bốc hơi thêm 7,6% sau khi gã khổng lồ bán lẻ này cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm vào cuối ngày thứ Hai.

Mặt khác, dữ liệu từ cuộc khảo sát hàng tháng của Conference Board cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần trong một năm rưỡi trong tháng 7 tại 95,7 điểm và ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp, do tác động từ môi trường lạm phát cao và lãi suất tăng.

Kết thúc phiên 26/7, chỉ số Dow Jones giảm 228,50 điểm (-0,71%), xuống 31.761,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 45,79 điểm (-1,15%), xuống 3.921,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 220,09 điểm (-1,87%), xuống 11.562,57 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều tăng nhẹ, nhờ đà hồi phục của các cổ phiếu liên quan đến chip, nhưng nhà đầu tư vẫn thận trọng trước quyết định lãi suất của Fed vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 nhích 0,22% lên 27.715,75 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,13% lên 1.945,75 điểm.

Chỉ số chuẩn mở cửa với sự sụt giảm nhỏ sau khi Phố Wall kết thúc phiên giảm điểm mạnh đêm qua, do cảnh báo lợi nhuận của Walmart và dữ liệu niềm tin người tiêu dùng yếu đi.

Takatoshi Itoshima, chiến lược gia tại Pictet Asset Management Japan, cho biết: “Sẽ không có bất ngờ lớn nào từ FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ) nhưng các nhà đầu tư chỉ muốn xác nhận kết quả trước khi đặt cược. Sau sự kiện lớn này, các nhà đầu tư sẽ xem xét chi tiết triển vọng của từng công ty và mua cổ phiếu một cách có chọn lọc”.

Tại Nhật Bản, các cổ phiếu lớn liên quan đến chip là lực đẩy chính Tokyo Electron và Advantest, tăng 3,1% và 2,28%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm trước kết quả cuộc họp chính sách của Fed vào cuối ngày.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,05% xuống 3.275,76 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,49% xuống 4.225,04 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính giảm 0,55%, tiêu dùng mất 1,3% và chăm sóc sức khỏe giảm 1,6%.

Một trong những ngành giảm nhiều nhất là ngành rượu, sau khi Sichuan Swellfun Co Ltd cho biết lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Một chỉ số theo dõi lĩnh vực này đã kết thúc giảm 1,87%, với nhà sản xuất rượu hàng đầu Kweichow Moutai giảm 1,57%.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm, khi giới đầu tư đứng ngoài trước khi có kết quả cuộc họp của Fed và những lo lắng chưa dứt về ngành bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,13% xuống 20.670,04 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,3% xuống 7.091,47 điểm.

Chỉ số bất động sản giảm 0,44%, trong đó, các nhà phát triển đại lục niêm yết tại Hồng Kông giảm 6,22%.

Các nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về lĩnh vực bất động sản, sau khi Country Garden Holdings Co Ltd cho biết rằng họ có kế hoạch huy động 2,83 tỷ đô la Hồng Kông từ việc bán cổ phần, để trả nợ nước ngoài, tăng vốn lưu động nói chung và các mục đích phát triển trong tương lai.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, khi giới đầu tư đứng ngoài chờ đợi cuộc họp của Fed.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 2,57 điểm, tương đương 0,11% lên 2.415,53 điểm, đảo ngược mức mất 0,69% ban đầu.

Trừ khi kết quả cuộc họp của Fed trở nên quá bất ngờ hoặc các công ty công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua yếu, thị trường chứng khoán sẽ ổn, nhà phân tích của Mirae Asset Securities Seo Sang-young nói.

Kết thúc phiên 27/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 60,54 điểm (+0,22%), lên 27.715,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,65 điểm (-0,05%), xuống 3.275,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 235,84 điểm (-1,13%), xuống 20.670,04 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 2,57 điểm (+0,11%), lên 2.415,53 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng “thất thu” kênh chứng khoán

Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022, một số ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở mảng đầu tư, kinh doanh chứng khoán làm ảnh hưởng tới lợi nhuận..>> Chi tiết

- Cổ phiếu địa ốc: "Chờ đợi là hạnh phúc"

Nhóm cổ phiếu bất động sản hiện có mức giảm giá sâu, nhưng nhà đầu tư được khuyến nghị không nên vội vàng giải ngân, mà kiên nhẫn chờ đợi để có được giá mua tốt hơn, thành quả sẽ cao hơn..>> Chi tiết

- Phát triển thị trường chứng khoán bền vững: Kỳ vọng gỡ nhiều nút thắt

Dõi theo cả chặng đường phát triển từ cột mốc kỷ niệm 22 năm ngày giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán, có lẽ những nút thắt cho sự phát triển của thị trường được nhìn nhận rõ nét hơn..>> Chi tiết

- IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu

Hôm thứ Ba (26/7), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 và 2023 vì triển vọng kinh tế thế giới là “u ám và không chắc chắn hơn”..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 -3.94 -0.32% 162,835 tỷ
HNX 235.68 1.1 0.47% 1,903 tỷ
UPCOM 91.71 -0.2 -0.22% 824 tỷ