Thị trường tài chính 24h: Chờ hiệu ứng tháng Giêng

(ĐTCK) VN-Index thoát hiểm phiên cuối tuần; Dự báo sớm diễn biến ngoại tệ năm 2019; Chứng khoán đón hiệu ứng tháng Giêng; “Đãi” cổ tức đầu năm;Tiền sinh ra từ tư duy đúng đắn; Chứng khoán châu Á trái chiếu, biến động mạnh; Chứng khoán Nhật Bản là nơi trú ẩn cho nhà đầu tư...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chờ hiệu ứng tháng Giêng

VN-Index lấy lại mốc 880 điểm

Thị trường bước vào phiên 4/1 đỏ lửa bởi ảnh hưởng của đà bán tháo trên thị trường quốc tế. Lực cầu bắt đáy nhập cuộc về cuối phiên đã hãm đà rơi của thị trường.

Trong đó, nhóm ngân hàng và dầu khí là lực đỡ chính giúp VN-Index thu hẹp khoảng cách và chỉ còn giảm nhẹ hơn 5 điểm khi chốt phiên sáng.

Lực cầu gia tăng mạnh trong phiên chiều đã giúp các mã lớn bé đua nhau đảo chiều. Mặc dù có chút rung lắc nhẹ về cuối phiên VN-Index vẫn dành lại mốc 880 điểm.

Một số trụ cột tăng khá tốt như VNM tăng 1,7% lên 125.000 đồng, VHM tăng 1,1% lên 74.000 đồng, VIC tăng 0,3% lên 100.600 đồng, PLX tăng 2,4% lên 54.900 đồng.

Sự trở lại của nhóm cổ phiếu vua cũng đóng vai trò chính trong việc nâng đỡ thị trường với VCB tăng 1,5% lên 54.400 đồng, CTG tăng 1,4% lên 18.350 đồng, MBB tăng 0,5% lên 18.600 đồng, STB tăng 0,5% lên 11.150 đồng, HDB tăng 3% lên 29.000 đồng.

Trái lại, MSN chưa thoát khỏi sắc đỏ và giảm 2,3% xuống 76.200 đồng; GAS giảm nhẹ 0,2% xuống 84.500 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, QCG QCG đảo ngược tình thế, tăng mạnh 5,3% lên 4.200 đồng. KBC cũng tăng mạnh sau nhịp rung lắc trong phiên sáng, tăng 5% lên 13.750 đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 3,54 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 87,89 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 217.068 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 6,75 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 2.010 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 4,47 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/1: VN-Index tăng 2,68 điểm (+0,31%), lên 880,9 điểm; HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,32%), lên 100,85 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,03%), lên 52,19 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Trong phiên giao dịch đầu năm mới, việc Apple cắt giảm dự báo doanh thu do doanh số tiêu thụ chậm ở Trung Quốc, cùng với việc chính quyền Tổng thống Trump chưa tìm được tiếng nói chung với phe Dân chủ để mở cửa trở lại Chính phủ khiến phố Wall lao dốc ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã thoát hiểm để có phiên tăng nhẹ khi đóng cửa phiên đầu năm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiện ích, tiêu dùng và bất động sản, cùng nhóm năng lượng tăng theo giá dầu thô.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm thứ Năm, đã không có điều tương tự xảy ra khi liên tiếp các tin không tích cực đến với nhà đầu tư.

Theo đó, doanh thu sụt giảm của Apple trong quý nghỉ lễ đã tạo “sóng xung kích” nhấn chìm nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong phiên này, chỉ số S&P công nghệ giảm 5,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011.

Cụ thể, cuối ngày thứ Tư, CEO Apple, Tim Cook đã viết trong một lá thư gửi các nhà đầu tư rằng, Công ty đã không lường trước được mức độ giảm tốc kinh tế của Trung Quốc, vốn đã bị làm trầm trọng thêm bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trong phiên thứ Năm, cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã giảm 10%.

Không chỉ ảnh hưởng bởi “sóng xung kích” Apple, phố Wall còn nhận thông tin tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ.

Theo đó, dữ liệu từ Viên Quản lý nguồn cung cho thấy, hoạt động sản xuất nhà máy của Mỹ trong tháng 12 đã sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008, năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Chỉ số PMI vẫn trên mức 50, nghĩa là vẫn có sự mở rộng trong sản xuất, nhưng ở mức thấp nhất hơn 2 năm.

Với những gì diễn ra, nhà đầu tư lo lắng, những gì xảy ra với Apple chỉ là phần nổi của tảng băng và kinh tế thế giới đang đứng trước muôn vàn khó khăn.

Kết thúc phiên 3/1, chỉ số Dow Jones giảm 660,02 điểm (-2,83%), xuống 22.686,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 62,14 điểm (-2,48%), xuống 2.447,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 202,43 điểm (-3,04%), xuống 6.463,50 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2019, do nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo sau ảnh hưởng từ việc Apple dự báo cắt giảm doanh thu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 2,26% xuống 19,561,96 điểm, trong phiên có thời điểm chỉ số này mất 3,86%.

Topix giảm 1,53% xuống còn 1.471,16 điểm, với 27 trên 33 phân ngành giảm điểm.

Phiên hôm nay, cổ phiếu công nghệ Nhật Bản theo chân các đồng nghiệp trên phố Wall lao dốc với Murata mất 9,8%, Nitto Denko Corp giảm 4,3%, TDK Corporation giảm 4,4% và Alps Alps giảm 6,1%.

Các công ty có phần lớn doanh số bán hàng ở Trung Quốc cũng trượt dốc với Nhà sản xuất máy móc công nghiệp Komatsu Ltd giảm 3,2%, nhà sản xuất robot Fanuc Ltd giảm 4,4% và công ty mỹ phẩm Shiseido Co giảm 5,4%.

Các nhà xuất khẩu bị bán sau khi đồng Yên tăng lên mức trên 110 Yên/USD với Toyota Motor Corp mất 0,9%, Bridgestone Corp giảm 1,7% và Subaru giảm 4,9%.

Đồng Yên tăng giá gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, đồng thời khiến lợi nhuận của các công ty Nhật chuyển từ nước ngoài về nước suy giảm.

Một trong 6 phân ngành giao dịch trong sắc xanh là là điện và khí đốt, với đồng yên mạnh hơn thường thấy có lợi cho các nhà nhập khẩu nhiên liệu.

Chứng khoán Trung Quốc đã bật mạnh trở lại, sau khi chính phủ cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng và sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đã xoa dịu tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,05% lên 2.514,87 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 2,4% lên 3.035,87 điểm. Trong tuần, CSI300 và SSEC cùng tăng 0,8%.

Thông tin mới nhất giúp thị trường khởi sắc là việc Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), cùng các loại thuế và phí, Thủ tướng Li Keqiang cho biết hôm thứ Sáu, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao tại Bắc Kinh vào ngày 7-8/1 cũng khiến giới đầu tư hồ hởi.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất phiên hôm nay là Pengqi Technology Development tăng 10,11%, và Southwest Securities Co Ltd,  tăng 10,11%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất là Nanjing Panda Electronics Co Ltd giảm 8,82%, tiếp theo là Ninh Ba Joyson Electronic Corp, mất 6,89% và GuangDong Super Telecom Co Ltd, giảm 4,94%.

Chứng khoán Hồng Kông theo chân thị trường đại lục tăng mạnh, cũng nhờ thông tin tích cực từ việc Bắc Kinh tuyên bố các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,2% lên 25.626,03 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprise tăng 2% lên 10.029,65 điểm.

Trong tuần đầu tiên giao dịch của năm mới, Hang Seng tăng 0,5%, còn HSCE tăng 0,4%.

Nhóm cổ phiếu H tăng cao nhất hôm nay là CSPC Pharmaceutical Group Ltd, tăng 10,14%, CITIC Securities Co Ltd tăng 6,3% và Haitong Securities Co Ltd, tăng 5,28%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm Air China Ltd, giảm 2,35%, Anhui Conch Cement Co Ltd, giảm 0,1% và Dongfeng Motor Group Co Ltd, giảm 0,14%.

Kết thúc phiên 4/1: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 452,81 điểm (-2,26%), xuống 19.561,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 50,51 điểm (+2,05%), lên 2.514,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 561,67 điểm (+2,24%), lên 25.626,03 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.245 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 70.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,59 - 36,81 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.829 đồng/USD, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.145 - 23.245 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Dự báo sớm diễn biến ngoại tệ năm 2019

Chính sách lãi suất có vai trò rất quan trọng để giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng mọi việc đều có giới hạn..>> Chi tiết

Chứng khoán đón hiệu ứng tháng Giêng

Yếu tố lịch sử đang ủng hộ cho kịch bản tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK) trong tháng đầu năm 2019, khi 7/8 năm gần đây, VN-Index tăng điểm trong tháng đầu năm..>> Chi tiết

“Đãi” cổ tức đầu năm

Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn sẽ thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong tháng 1/2019, trong đó có nhiều doanh nghiệp chi trả ở mức cao..>> Chi tiết

Tiền sinh ra từ tư duy đúng đắn

Không có nhà đầu cơ thành công nào thiếu đi những hệ thống riêng và không ngừng cải tiến nó, vì thị trường sẽ học được “công thức” của bạn rất nhanh. Đồng thời, không có nhà đầu tư nào không trải qua hàng giờ nghiên cứu, đọc báo cáo thường niên, tài chính và các thông tin phi tài chính khác..>> Chi tiết

Thị trường rộng mở với doanh nghiệp dệt may

CPTPP và EVFTA đang trở thành động lực mới hứa hẹn tạo cú huých đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực dệt may..>> Chi tiết

Chứng khoán Nhật Bản là nơi trú ẩn cho nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Nhật Bản, nhưng cũng như nhiều thị trường khác, chứng khoán tại xứ sở hoa anh đào không phản ánh chính xác những lực đỡ này..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục