Thị trường tài chính 24h: Chờ ETF Review

(ĐTCK) VN-Index chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp; Vàng có đáng lựa chọn mua?; ETF tái cơ cấu: VJC, PHR có thể là tâm điểm; Sức hấp dẫn của doanh nghiệp ngành nước; Vụ thao túng cổ phiếu KSA (kỳ 2); Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng nhẹ; Được kêu gọi trở lại G7, liệu Nga có mặn mà?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chờ ETF Review

VN-Index giảm nhẹ

Thị trường chỉ có sắc xanh nhạt trong ít phút khi mở cửa, và nhanh chóng bị dập tắt bởi áp lực bán gia tăng, VN-Index theo đó lình xình dưới 995 điểm trong phiên sáng.

Sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn khiến thị trường cắm đầu đi xuống. Tuy nhiên, ngay khi đe dọa mốc 990 điểm, lực cầu bát đáy được kích hoạt đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm điểm.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, không có mã nào khởi sắc. với VNM -0,81%, VIC -0,87%, VHM -1,02%, VRE -1,96%, VCB -1%, MSN -1,28%, GAS -0,57%, SAB, CTG cũng giảm nhẹ cùng BID.

Một số mã trong nhóm VN30 khởi sắc như FPT +2,64%, ROS + 2,5%

Nhóm ngành thép tích cực với POM, TLH, HSG tăng nhẹ, VIS +2,46%, HPG +1,52%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 5,96 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 209,35 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/8: VN-Index giảm 4,81 điểm (-0,48%), xuống 992,45 điểm; HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,24%), xuống 103,25 điểm; UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 57,95 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Dữ liệu trợ cấp thất nghiệp giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động vẫn ổn định, mặc dù sản xuất chậm lại và lo ngại nền kinh tế đang trên đường suy thoái.

Tuy nhiên, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của IHS Markit cho thấy, hợp đồng hoạt động sản xuất tăng chậm trong tháng 8 lần đầu tiên sau gần một thập kỷ.

Các dữ liệu trái chiều trên, cùng tâm lý thận trọng chờ đợi bài phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thứ Sáu trong Hội nghị thường niên của các Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại Jackson Hole khiến phố Wall giằng co và biến động nhẹ trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Dow Jones tăng 49,51 điểm (+0,19%), lên 26.252,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,48 điểm (-0,05%), xuống 2.922,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 28,82 điểm (-0,36%), xuống 7.991,39 điểm.

Thị trường châu Á 

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ sự hỗ trợ từ đồng yên yếu, và sự tăng vọt của cổ phiếu quốc phòng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,4% lên 20.710,91 điểm và tăng 1,4% trong tuần. Topix tăng 0,28% lên 1.502,25 điểm.

Sự mất giá của đồng yên đã củng cố nhóm cổ phiếu xuất khẩu với Tokyo Electron tăng 1%, Subaru Corp tăng 1,6% và Honda Motor Co tăng 0,5%.

Cổ phiếu liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng đã tăng, một ngày sau khi căng thẳng ngoại giao Nhật Bản với Hàn Quốc leo thang với việc Hàn Quốc hủy bỏ hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản.

Theo đó, Ishikawa Seisakusho Ltd tăng 3,5% và Howa Machinery Ltd, công ty sản xuất súng, tăng 4,3%. Nhà sản xuất thiết bị liên lạc quốc phòng Tokyo Keiki Inc tăng1,7%.

Cổ phiếu đáng chú ý khác có Mitsubishi Pencil Co, tăng 6,8% sau khi công bố mua lại 1,68% cổ phần đang lưu hành cho đến ngày 24/3/2020.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, do các nhà đầu tư có hy vọng mới về tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại, khi Mỹ vẫn có kế hoạch đàm phán trực tiếp vào tháng tới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,49% lên 2.897,43 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,72% lên 3.820,86 điểm.

Trong tuần, CSI300 tăng 3%, trong khi SSEC tăng 2,6%, mức tăng hàng tuần tốt nhất của cả 2 chỉ số kể từ cuối tháng 6.

Phiên hôm nay, các công ty chăm sóc sức khỏe đã dẫn đầu mức tăng, với chỉ số phụ theo dõi tăng 3,3%.

Hai cổ phiếu đáng chú ý là Jiangsu Hengrui Medicine tăng 6,8% lên mức cao kỷ lục, và công ty rượu khổng lồ Kweichow Moutai Co Ltd tăng 2,36%, cũng lên mức đỉnh cao mới.

Chứng khoán Hồng Kông tăng cũng bởi hy vọng của giới đầu tư vào một vòng đàm phán thương mại với giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được tái khởi động vào tháng tới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,5% lên 26.173,59 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,71% lên 10.185,45 điểm.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,14% xuống 1.948,30 điểm, khi giới đầu tư tỏ ra lo ngại về động thái mới gia tăng căng thẳng với Nhật Bản.

“Hàn Quốc bất ngờ quyết định chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản, và giờ đây, phản ứng của Nhật Bản sẽ là điểm mấu chốt về cách thị trường sẽ phản ứng vào tuần tới”, Lee Won, nhà phân tích của Bookook Securities cho biết.

Tuy nhiên, Hàn Quốc thông báo vẫn sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản thông qua kênh ba chiều liên quan đến Mỹ, một quan chức cấp cao của Nhà Xanh cho biết trong hôm nay.

Kết thúc phiên 23/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 82,90 điểm (+0,40%), lên 20.710,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,99 điểm (+0,49%), lên 2.897,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 130,61 điểm (+0,50%), lên 26.179,33 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Giá vàn hồi phục về cuối ngày. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.260 đồng/USD.

Giá vàng thế giới sau phiên đêm qua tại Mỹ giảm 4,7 USD xuống 1.497,5 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay đã cố gắng hồi phục, nhưng về cuối ngày vẫn chỉ đi ngang quanh ngưỡng 1.496 USD/ounce.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 30.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 41,45 - 41,77 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.127 đồng, tăng 11 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.140 - 23.260 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Vàng có đáng lựa chọn mua?

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, thương chiến Mỹ - Trung, lãi suất USD giảm và các sự kiện địa chính trị khác đang đẩy giá vàng lên cao. Tuy nhiên, rót vốn vào vàng với mục đích “lướt sóng” lúc này sẽ rất rủi ro..>> Chi tiết

ETF tái cơ cấu: VJC, PHR có thể là tâm điểm

Với giá trị danh mục của Quỹ VNM ETF hơn 456 triệu USD, Quỹ FTSE Vietnam ETF hơn 287 triệu USD (tính đến này 21/8), hoạt động cơ cấu danh mục sắp tới của hai quỹ ETF này đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là trong bối cảnh khối ngoại gần đây có động thái bán ròng..>> Chi tiết

Sức hấp dẫn của doanh nghiệp ngành nước

Các thông tin về ngành cấp thoát nước cho thấy triển vọng tiếp tục phát triển của ngành này, giúp nhiều cổ phiếu nhận được sự quan tâm hơn của nhà đầu tư sau giai đoạn “hờ hững” trước đó..>> Chi tiết

Vụ thao túng cổ phiếu KSA (kỳ 2): 1.496 nhà đầu tư thiệt hại 8,1 tỷ đồng

 Có 1.496 nhà đầu tư bị thiệt hại số tiền 8,1 tỷ đồng. 124 bị hại yêu cầu bồi thường hơn 3 tỷ đồng. 3 công ty chứng khoán bị thiệt hại do cho vay margin..>> Chi tiết

Thương chiến Mỹ - Trung: Khó khăn đã ngấm tới doanh nghiệp nội

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động sâu rộng đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngay cả những ngành được hưởng lợi như dệt may, thủy sản cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong sự dịch chuyển của đơn đặt hàng, dòng vốn đầu tư..>> Chi tiết

Được kêu gọi trở lại G7, liệu Nga có mặn mà?

Năm năm trước, Nga đã bị loại khỏi “câu lạc bộ chính trị ưu tú” và G8 trở thành G7. Năm năm sau, phương Tây lại muốn mọi chuyện trở về như cũ, bởi vì thực tế đã cho thấy, việc giải quyết các vấn đề thế giới sẽ khó khăn hơn nhiều nếu Moscow không hợp tác. Tuy nhiên, liệu Nga có muốn trở lại G8?..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục