Thị trường tài chính 24h: Các phiên giảm điểm tạo cơ hội tích lũy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất hơn 20 điểm; Làm thế nào để tránh nợ xấu khi xài thẻ tín dụng?; Cơ hội tái cấu trúc danh mục; Cẩn trọng và quản trị rủi ro; Giải mã nỗi lo tín phiếu; Mỹ: Lãi suất khó quay lại mức thấp…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Các phiên giảm điểm tạo cơ hội tích lũy

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 18/3 tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 79,40 – 81,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 6,1 USD xuống 2.156 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 2.170 USD nhưng đã giảm về 2.145 USD trước khi bật lên 2.155 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,40 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.994 đồng/USD, tăng 15 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.560 – 24.880 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm xuống 68.000 USD thì sang phiên hôm nay đã nhích nhẹ và giằng co quanh ngưỡng 68.500 USD/BTC cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,67 USD (+0,83%), lên 81,73 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,66 USD (+0,77%), lên 86,00 USD/thùng.

VN-Index lao dốc, thanh khoản bùng nổ

Thị trường nhanh chóng quay đầu lao dốc sau ít phút mở cửa khi lực bán đột ngột gia tăng, chỉ số VN-Index có lúc rơi về sát vùng 1.220 điểm trước khi bật hồi nhẹ sau đó.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu vẫn tham gia mạnh mẽ nhưng áp lực bán thường trực khiến thị trường luôn trong trạng thái tràn ngập sắc đỏ. Tuy vậy, sự hồi phục của một số mã lớn và mã nhỏ cũng giúp VN-Index từng bước thu hẹp biên độ giảm và đóng cửa còn giảm hơn 20 điểm về 1.243 điểm.

Đáng chú ý là thanh khoản bùng nổ, đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm với mức trên 43.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên sàn HOSE.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 24,77 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 986,88 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/3: VN-Index giảm 20,22 điểm (-1,6%), xuống 1.243,56 điểm; HNX-Index giảm 2,86 điểm (-1,19%), xuống 236,68 điểm; UPCoM-Index giảm 1,03 điểm (-1,13%), xuống 90,32 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Sáu (15/3) khi nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục giảm và sự thận trọng của giới đầu tư trước họp chính sách của Fed vào tuần tới.

Các cổ phiếu công nghệ đa số chìm trong sắc đỏ, với Amazon và Microsoft đều giảm hơn 2%. Cổ phiếu Apple và Alphabet cũng đóng cửa giảm điểm.

Trong tuần, trong tuần này. Dow Jones giảm nhẹ 0,02%, S&P 500 giảm 0,13% và Nasdaq Composite mất 0,7%.

Kết thúc phiên 15/3: Chỉ số Dow Jones giảm 190,89 điểm (-0,49%), xuống 38.714,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 33,39 điểm (-0,65%), xuống 5.117,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 155,36 điểm (-0,96%), xuống 15.973,17 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản phục hồi mạnh, khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về những thay đổi có thể xảy ra đối với chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Đóng cửa, chỉ số Nikkei tăng 2,67% lên 39.740,44 điểm, Chỉ số Topix tăng 1,92% lên 2.721,99 điểm.

BOJ nhiều khả năng sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm sau khi cuộc họp vào thứ Ba. Được củng cố sau khi Liên đoàn Công đoàn công bố kết quả vòng đầu tiên của các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm với kết quả vượt xa mong đợi.

Sau khi từ bỏ chính sách lãi suất âm, BOJ dự kiến cũng sẽ từ bỏ việc kiểm soát lợi suất trái phiếu và ngừng mua các tài sản như quỹ hoán đổi danh mục.

Phiên này, cổ phiếu Fast Retailing, tăng 4,73%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trên Nikkei 225, tiếp theo là nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron, tăng 3,76%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, được thúc đẩy bởi dữ liệu cho thấy đất nước sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tốt hơn dự báo trong hai tháng đầu năm.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,99% lên 3.084,93 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,94% lên 3.603,53 điểm.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp nước này tăng 7% trong hai tháng đầu năm, vượt kỳ vọng về mức tăng 5% và nhanh hơn mức tăng trưởng 6,8% vào tháng 12 năm ngoái.

Trong cùng giai đoạn, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng, một chỉ số quan trọng phản ánh sức mạnh tiêu dùng, đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng bất động sản vẫn là nỗi lo khi đầu tư vào ngành này giảm 9%.

"Chúng tôi tin tưởng đà tăng trưởng của Trung Quốc vẫn sẽ vững chắc trong quý I, bất chấp sự phân hóa cao giữa các ngành chính. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 'khoảng 5%' đầy tham vọng trong năm nay, nhiều chính sách nới lỏng vẫn là cần thiết, đặc biệt là về phía cầu", Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý.

Thông tin đáng chú ý khác là vào cuối tuần trước, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã công bố một bộ quy tắc nhằm thắt chặt giám sát đối với cổ phiếu niêm yết, công ty đại chúng và các hoạt động bảo lãnh phát hành, một trong những nỗ lực vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi các nhà đầu tư trông chờ nhiều hơn vào việc nới lỏng chính sách, sau khi một loạt dữ liệu cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn chưa chắc chắn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,09% lên 16.737,12 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,48% lên 5.848,15 điểm.

Chỉ số công nghệ tăng 1,3%, với gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com tăng 3,3% và Tencent tăng 2,2%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, được hỗ trợ bởi đà tăng của các nhà sản xuất pin.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 19 điểm, tương đương 0,71% lên 2.685,84 điểm.

Các nhà sản xuất pin như LG Energy Solution tăng 2,26%, trong khi Samsung SDI và SK Innovation tăng lần lượt 4,47% và 4,67%.

Kết thúc phiên 18/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1.032,80 điểm (+2,67%), lên 29.740,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 30,29 điểm (+0,99%), lên 3.084,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 16,23 điểm (+0,09%), lên 16.737,12 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 19,00 điểm (+0,71%), lên 2.685,84 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Làm thế nào để tránh nợ xấu khi xài thẻ tín dụng?

Có không ít người sử dụng thẻ tín dụng vẫn quên trả nợ, không trả hết nợ dẫn đến nợ xấu mà không hề hay biết. Trong khi đó, theo quy định, nợ xấu là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán trên 90 ngày..>> Chi tiết

- Cơ hội tái cấu trúc danh mục

VN-Index khó tránh khỏi rung lắc khi không ít nhà đầu tư tiếp tục chốt lời, nhưng các phiên giảm điểm tạo cơ hội tích lũy cổ phiếu ở các ngưỡng hỗ trợ..>> Chi tiết'

- Cẩn trọng và quản trị rủi ro

Tâm lý giằng co giữa bên mua và bán giúp VN-Index tuần qua giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, với thanh khoản gia tăng..>> Chi tiết

- Giải mã nỗi lo tín phiếu

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 5 phiên liên tục phát hành tín phiếu, hút ròng khoảng 75.000 tỷ đồng. Con số tuyệt đối không lớn, nhưng sự bất ngờ khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu đó có phải là động thái mở đầu cho sự đảo chiều chính sách tiền tệ?..>> Chi tiết

- Mỹ: Lãi suất khó quay lại mức thấp

Nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là lãi suất khó có khả năng quay trở lại mức phổ biến trước đại dịch Covid-19, phù hợp với dự báo của thị trường..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục