Thị trường tài chính 24h: Các ngân hàng ra sức thu hút các khoản tiền gửi lớn

(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Ngân hàng mạnh tay tăng lãi suất tiền gửi: Không phải do thanh khoản căng; Nhìn nhận về áp lực tỷ giá dịp cuối năm; Thời điểm chọn hàng cho năm 2025; Trung Quốc báo hiệu sẽ đưa ra chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 10/12 tăng 900.000 đồng/lượng chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 83,60 – 85,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 27 USD lên 2.660,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng lên 2.670 USD, trước khi hạ nhiệt nhẹ về gần 2.660 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,37 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.258 đồng/USD, tăng 10 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.170 – 25.470 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 99.800 USD xuống 97.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm mạnh và có thời điểm về dưới mốc 96.000 USD, trước khi bật trở lại vùng97.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,09 USD (-0,13%), xuống 68,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,06 USD (-0,08%), xuống 72,08 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau phiên sáng giao dịch trở lại trạng thái ảm đạm, thị trường tiếp diễn trạng thái này trong phiên chiều, thậm chí dòng tiền vẫn suy giảm và dưới mức trung bình và thiếu nhóm các cổ phiếu đủ mạnh tạo xu hướng. Trong khi điểm nhấn vẫn chỉ xuất hiện lác đác vài mã cổ phiếu vừa và nhỏ.

Kết thúc phiên giao dịch 10/12: VN-Index giảm 1,77 điểm (-0,14%), xuống 1.272,07 điểm; HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,01%), lên 229,24 điểm; UpCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,22%), xuống 92,7 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của Phố Wall giảm trong phiên thứ Hai (9/12), ảnh hưởng bởi đà sụt giảm của Nvidia, trong khi giới đầu tư cũng thận trọng trước báo cáo lạm phát quan trọng sẽ được thông báo vào những ngày tới.

Cổ phiếu Nvidia giảm 2,6%, sau khi có thông tin việc cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc mở cuộc điều tra đối với nhà sản xuất chip này do nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền.

Hiện sự tập trung của các nhà đầu tư đang hướng về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 sẽ được công bố vào thứ Tư, cùng với chỉ số giá sản xuất (PPI) vào thứ Năm, cũng như cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong hai ngày 17 và 18 tháng 12.

Kết thúc phiên 9/12: Chỉ số Dow Jones giảm 240,59 điểm (-0,54%), xuống 44.401,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 37,42 điểm (-0,61%), xuống 6.052,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 123,08 điểm (-0,62%), xuống 19.736,69 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi đồng yên yếu hơn đã nâng đỡ cổ phiếu xuất khẩu, trong khi cổ phiếu có tiếp xúc với thị trường Trung Quốc tăng vọt nhờ những lời hứa mới của Bắc Kinh về một chính sách tiền tệ "nới lỏng thích hợp" vào năm tới.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,43% lên 39.327,35 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,27% lên 2.742,08 điểm.

Các nhà sản xuất ô tô nằm trong số cổ phiếu xuất khẩu tăng khi đồng yên giảm so với USD, với Toyota Motor tăng 1,338%, Suzuki Motor tăng 3,1% và Honda Motor tăng 1,4%.

Trong khi đó, hai cổ phiếu Fanuc và Yaskawa Electric, tăng lần lượt 3,22% và 2,7%, và nhiều các cổ phiếu khác có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường Trung Quốc đã tăng giá, sau thông báo bất ngờ của Bắc Kinh vào thứ Hai rằng họ có kế hoạch thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn và chính sách tài khóa chủ động hơn.

Tuy nhiên, mức tăng của Nikkei 225 đã bị chặn lại khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần tới để đưa ra quyết định về chính sách lãi suất.

Chứng khoán Trung Quốc hạ độ cao về cuối phiên, nhưng ghi nhận tâm lý giới đầu tư đang tích cực hơn.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,59% lên 3.422,66 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,73% lên 3.995,64 điểm.

Tâm lý thị trường đột ngột trở nên tốt hơn sau khi Tổng thống Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị vào hôm thứ Hai cho biết, Trung Quốc sẽ áp dụng các chính sách tài khóa chủ động hơn và các chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải" vào năm tới để thúc đẩy nền kinh tế.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị sử dụng cụm từ "chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải" kể từ năm 2010, khi Trung Quốc đang đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

"Giọng điệu từ cuộc họp Bộ Chính trị đã thúc đẩy kỳ vọng lạc quan của các nhà đầu tư và cho thấy rằng bộ công cụ chính sách sẽ đa dạng trong tương lai. Chúng tôi hy vọng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ tăng lên sau khi thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước”, Chen Li, một nhà phân tích tại Soochow Securities ở Thượng Hải cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi lực bán chốt lời ngắn hạn gia tăng, sau khi tăng vọt trong phiên trước đó - được thúc đẩy bởi động thái của Trung Quốc tuyên bố áp dụng các chính sách kích thích mạnh mẽ hơn để phục hồi tăng trưởng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,5% xuống 20.311,28 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,74% xuống 7.306,16 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng vọt sau bốn phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 53,84 điểm, tương đương 2,28%, lên 2.414,42 điểm.

Tình hình chính trị vẫn là tâm điểm theo dõi của thị trường. Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc đã phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự liên quan đến tội phản quốc và các cáo buộc khác liên quan đến lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của ông vào tuần trước.

Kết thúc phiên 10/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 207,08 điểm (+0,53%), lên 39.367,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,13 điểm (+0,59%), lên 3.422,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 102,81 điểm (-0,50%), xuống 20.311,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 57,26 điểm (+2,43%), lên 2.417,84 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nhìn nhận về áp lực tỷ giá dịp cuối năm

Tỷ giá được nhận định khó áp lực cao trong dịp cuối năm, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất một lần nữa. Song chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed được cho là sẽ chậm lại và có áp lực lên tỷ giá..>> Chi tiết

- Ngân hàng mạnh tay tăng lãi suất tiền gửi: Không phải do thanh khoản căng

Các ngân hàng đang ra sức cạnh tranh thu hút các khoản tiền gửi lớn, với lãi suất có thể tăng tới 1% so với lãi suất niêm yết..>> Chi tiết

- Thời điểm chọn hàng cho năm 2025

Bước sang tháng cuối cùng của năm 2024, các nhà đầu tư dường như chờ đợi thông tin tích cực hơn từ vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh năm 2024 của doanh nghiệp niêm yết. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, không còn quá sớm để tính đến việc chọn danh mục cho năm mới..>> Chi tiết

- Trung Quốc báo hiệu sẽ đưa ra chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ

Hôm thứ Hai (9/12), các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã đưa ra tín hiệu ủng hộ kinh tế mạnh mẽ hơn vào năm tới, và cho biết sẽ áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng phù hợp như một phần trong các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục