Thị trường tài chính 24h: Các ngân hàng đặt tham vọng năm 2020

(ĐTCK) VCB tăng tốc giúp VN-Index tăng điểm; Lợi nhuận 2020, những căn cứ để các nhà băng đặt tham vọng; Hiểu đúng về dòng tiền trong định giá doanh nghiệp; Cổ phiếu POW giá giảm dần đều, vì đâu?; Tỉnh táo trước cơ hội từ chiến tranh thương mại; Chứng khoán châu Á nhìn chung tích cực với tình hình tăng trưởng toàn cầu 2020; Trung Quốc ký thoả thuận với Mỹ, tìm bệ đỡ an toàn...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Các ngân hàng đặt tham vọng năm 2020

Thị trường vàng, ngoại tệ và dầu thô

Thị trường vàng thế giới, giá vàng thế giới giao đêm qua 16/1 tại Mỹ giảm 4,1 USD xuống 1.551,9 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay 17/1 đã chững lại và dao động quanh biên độ hẹp gần 1.555 USD/ounce.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi  so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 43,10 – 43,47 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,05% xuống 97,37 điểm vào cuối phiên châu Á.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/1 được công bố là 23.157 đồng, tăng 1 đồng với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.105 - 23.245 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,28 USD (+0,48%), lên 58,84 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,36 USD (+0,56%), lên 65,04 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VCB khởi sắc VN-Index đi lên

Ngay sau khi chạm 980 điểm, áp lực bán đã xuất hiện khiến thị trường phân hóa. VN-Index lình xình giằng co trên 975 điểm.

Bước sang phiên chiều, lực bán giá thấp tiếp tục dâng cao đã đẩy VN-Index về tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ gia tăng đã giúp thị trường lấy lại đà tăng điểm.

VCB trở thành điểm sáng +5,6%. Trong khi đó, các mã lớn như VHM, VIC, VRE, GAS, BVH, BID đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%, ngoại trừ MSN -2,1%. ROS vẫn chưa thoát khỏi đà giảm -5% xuống 10.000 đồng.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,72 triệu đơn vị, tổng giá trị là mua ròng 29,63 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/1: VN-Index tăng 4,65 điểm (+0,48%), lên 978,96 điểm; HNX-Index giảm 0,43 điểm (-0,42%), xuống 103,88 điểm; UpCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%), xuống 55,41 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đã bứt lên mạnh mẽ trong phiên thứ Năm (16/1) khi nhận hàng loạt tin kinh tế tích cực.

Cụ thể, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2019 bắt đầu bằng kết quả tích cực của Morgan Stanley khi lợi nhuận vượt kỳ vọng và tập đoàn nâng cao các mục tiêu hiệu quả của mình. Kết quả này giúp cổ phiếu Morgan Stanley tăng 6,6% góp phần đẩy S&P 500 lên mức cao lịch sử và lần đầu tiên vượt mốc 3.300 đồng.

Ngoài ra, thị trường còn nhận dữ liệu bán lẻ tháng 12 của Mỹ tăng 0,3%, đúng như dự báo, cho thấy nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng vừa phải năm 2019 và làm giảm bớt lo ngại về sức khỏe của ngành bán lẻ.

Kết thúc phiên 16/1, chỉ số Dow Jones tăng 267,42 điểm (+0,92%), lên 29.297,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 27,52 điểm (+0,84%), lên 3.316,81 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 98,44 điểm (+1,06%), lên 9.357,13 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ kỳ vọng cho sự phục hồi thương mại của toàn cầu, cùng với việc đồng yên yếu đi đã thúc đẩy tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,45% lên 24.041,26. Topix tăng 0,39% lên 1.735,44 điểm.

Việc ký kết chính thức thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ và căng thẳng gần đây ở Trung Đông hạ nhiệt đã khiến giới đầu tư lạc quan hơn cho sự hồi sinh trong tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu.

Sự lạc quan cũng đã đẩy đồng yên Nhật xuống mức thấp gần 8 tháng so với đồng USD đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu cổ phiếu xuất khẩu với Mazda Motor Corp tăng 5,77%, Fuji Electric Co Ltd tăng 5,61%.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ, trong bối cảnh dữ liệu cho thấy có nhiều khả năng phục hồi hơn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,05% lên 3.075,50 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,14% lên 4.154,85 điểm.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại xuống mức thấp trong gần 30 năm vào năm 2019 với mức tăng chỉ  6,1%, điều này đã khiến giới đầu tư hy vọng nhiều hơn vào các biện pháp kích thích lớn trong năm tới.

Theo đó, Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Ninh Cát Triết cho biết, Trung Quốc sẽ duy trì một chính sách tài chính chủ động và một chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2020, cũng như đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ hơn trong bối cảnh nền kinh tế nước này đối mặt với sức ép giảm tốc.

Chứng khoán Hồng Kông tăng và ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp, khi giới nhà đầu tư lạc quan với các dấu hiệu phục hồi kinh tế Đại lục cũng như thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ giai đoạn 1 đã được ký kết.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,6% lên 29.056,42 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,81% lên 11.419,91 điểm.

Trong tuần, HSI tăng 1,5%, còn HSCE tăng 1,4%, cả hai đều tăng trong tuần thứ 7 liên tiếp.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu mới sau một đợt tăng mạnh gần đây do sự lạc quan thương mại Mỹ-Trung.

Kết thúc phiên 17/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 108,13 điểm (+0,45%), lên 24.041,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,41 điểm (+0,05%), lên 3.075,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 173,38 điểm (+0,60%), lên 28.056,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,52 điểm (+0,11%), lên 2.250,57 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Lợi nhuận 2020, những căn cứ để các nhà băng đặt tham vọng

Mặc dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2020 không tăng cao hơn so với 2019 ở mức 14%, song theo các nhà băng, mục tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay tăng ít nhất 10%..>> Chi tiết

Hiểu đúng về dòng tiền trong định giá doanh nghiệp

Với mọi doanh nghiệp, dòng tiền được ví như “mạnh máu” nuôi doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng cấu thành giá trị nội tại của doanh nghiệp, nhưng để hiểu một cách thấu đáo yếu tố này lại không hề đơn giản..>> Chi tiết

Cổ phiếu POW (Điện lực Dầu khí Việt Nam) giá giảm dần đều, vì đâu?

Giá cổ phiếu POW giảm dần đều, hiện còn 11.000 đồng/cổ phiếu và một số quỹ đầu tư liên tục thoái vốn..>> Chi tiết

Tỉnh táo trước cơ hội từ chiến tranh thương mại

Dưới góc nhìn của ông Stephen Olson, cựu chuyên gia đàm phán thương mại Mỹ và giáo sư thỉnh giảng của Ðại học RMIT, Việt Nam nên tỉnh táo với cơ hội đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra..>> Chi tiết

Trung Quốc ký thoả thuận với Mỹ, tìm bệ đỡ an toàn

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 tạo nên bất ngờ khi các hàng rào thuế quan không hề bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang cho thấy sự ứng biến linh hoạt..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục