Theo quy định tại khoản 2, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải đem theo: Giấy đăng ký xe; Bằng lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới..
Thế nhưng, có một thực tế sau hơn 10 năm thực hiện quy định này, việc mua bảo hiểm xe mô tô, thậm chí cả ô tô của người dân vẫn chỉ mang tính chất đối phó với cơ quan công an khi bị kiểm tra và với ô tô là lúc xe phải đi đăng kiểm.
Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, về chủ quan thì rất ít chủ xe sử dụng loại bảo hiểm này lúc gây tai nạn, dù mức bồi thường rất cao, lên đến 100 triệu đồng/người/vụ và thiệt hại về tài sản sẽ được bồi thường lên đến 50 triệu đồng/tài sản/vụ, giải pháp được chọn thường là tự thương lượng.
Dù mức bồi thường như vậy, nhưng không phải người mua bảo hiểm nào cũng chú ý, ngoài ra có một tâm lý phổ biến rằng đòi được tiền bảo hiểm rất khó và thủ tục nhiêu khê…
Thiếu thông tin và định kiến không rõ ràng đã khiến việc mua bảo hiểm xe máy trở thành một hình thức chống đối của người dân.
Về khách quan thì mức xử phạt khi không có bảo hiểm còn rất thấp.
Điều này đang có hy vọng cải thiện khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có mức phạt tăng cao hơn so với trước.
Nghị định 100, được người dân gần đây rất nhớ vì mức phạt rất nặng với hành vi uống rượu bia khi lái xe, nhưng ít ai chú ý rằng, đây là quy định về xử phạt rất rộng với hàng loạt hành vi vi phạm trong giao thông, từ vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, xe chở rơi vật liệu ra đường…
Trong đó, có cả mức phạt mới với hành vi không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Cụ thể, tại điểm a, khoản 2, mục 4 của Nghị định 100, mức phạt đối với hành vi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không có hoặc không mang theo sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (trước đây bị phạt từ 80.000 - 120.000 đồng).
Mức xử phạt tăng lên không lớn, nhưng sự quyết liệt xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, có thể tác động ít nhiều tới hành vi của các chủ xe.
Ngoài ra, còn một cơ sở khác khiến các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng sản phẩm bảo hiểm này sẽ được bán tốt hơn là nhờ sự tiện lợi khi dịch vụ bảo hiểm đang được cải thiện tốt, khiến việc mua bảo hiểm và yêu cầu bồi thường đơn giản hơn trước.
Ghi nhận tại Bảo hiểm PTI, đơn vị có thị phần số 2 về bảo hiểm xe cơ giới với doanh thu năm 2019 khoảng 300 tỷ đồng (cả bảo hiểm vật chất và bảo hiểm trách nhiệm dân sự), đang có những cải tiến rất lớn để thay đổi khâu bán và bồi thường, nhằm tạo tiện lợi và góp phần thay đổi nhận thức người tham gia bảo hiểm.
Cụ thể, ngoài việc tận dụng mạng lưới bưu điện rộng khắp, PTI đã phải cải tiến quy trình, đơn giản hóa các khâu và giấy tờ, ứng dụng công nghệ thông tin để giúp cho khách hàng thuận lợi hơn khi mua bảo hiểm cũng như đòi bồi thường. Với việc áp dụng công nghệ vào quy trình xử lý bồi thường, thời gian được giảm xuống rất nhiều so với phương pháp hồ sơ truyền thống.
Được biết, Bộ Tài chính cũng đang lên dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định số 103/2008/NĐ-CP với các giải pháp đưa ra là cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được phép bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự thông qua các phương tiện điện tử để người mua có thể dễ dàng tiếp cận.
Bên cạnh đó, cũng sẽ linh hoạt về thời hạn bảo hiểm, theo hướng cho phép giao kết hợp đồng bảo hiểm có thời hạn dài hơn 1 năm đối với các loại xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy nhằm mục tiêu thúc đẩy việc triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe mô tô - xe máy, thay vì hợp đồng 1 năm hoặc dưới 1 năm như hiện tại.
Số tiền bồi thường (đối với thiệt hại về tính mạng, thân thể) cũng sẽ được xem xét tăng lên đến 70% mức bồi thường theo quy định hiện hành.
Việc xem xét dự thảo này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới xã hội, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của chế độ bảo hiểm bắt buộc, tăng hiệu quả triển khai cho các doanh nghiệp.