Thị trường tài chính 24h: Bluechip sẽ trở lại?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Lãi suất huy động không còn “bình yên”; Cổ phiếu bất động sản vẫn nóng; Nhiều động lực cho VN-Index vượt 1.500; Điều gì khiến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mạnh “chưa từng thấy”?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Bluechip sẽ trở lại?

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 20/12 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 61,00 – 61,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 0,6 USD xuống 1.798,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên trên 1.800 USD/ounce và gần như không đổi cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.184 đồng/USD, giảm 33 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.790 – 23.070 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,79 USD (-3,94%), xuống 68,07 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,36 USD (-3,21%), xuống 71,16 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 46.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã rơi dần và giảm về dưới 46.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm nhẹ

VN-Index tiếp tục giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong suốt cả phiên sáng. Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán dâng cao khiến sắc đỏ lan rộng có thời điểm VN-Index đã để mất hơn 10 điểm.

Tuy nhiên, mốc 1.470 điểm vẫn đóng vai trò là vùng hỗ trợ tốt, khi lực cầu đã nhập cuộc khá tích cực giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, với áp lực bán khá lớn luôn trực chờ, VN-Index đã kết phiên trong trạng thái điều chỉnh nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý nhất là ROS, khi đã tăng lên mức giá trần, khớp lệnh lên tới 51,47 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần lên tới hơn 21,66 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, hàng loạt mã nóng khác cũng tăng mạnh như HAG +4,9%, HQC +3,3%, FLC +5,6%, LDG +6,1%, các mã khác như HAI, AMD, SCR, DLG, ITA… cũng có được sắc xanh khi kết phiên.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,15 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị vẫn là bán ròng 13,76 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/12: VN-Index giảm 2,46 điểm (-0,17%) xuống 1.477,33 điểm; HNX-Index giảm 1,61 điểm (-0,35%) xuống 454,59 điểm; UPCoM-Index giảm 0,58 điểm (-0,52%) xuống 111,02 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall thêm một phiên giao dịch cuối tuần (17/12) giảm điểm, do nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt chặt và đại dịch lây lan nhanh. Giá dầu cũng sụt giảm vì nguy cơ nguồn cung có thể vượt nhu cầu tiêu thụ của thế giới trong năm 2022.

Lĩnh vực tài chính thuộc S&P 500 giảm mạnh nhất với cổ phiếu Goldman Sachs sụt gần 4%, còn cổ phiếu Bank of America và JPMorgan đều giảm hơn 2%.

Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, chia sẻ: “Giao dịch vẫn sẽ rất biến động trong thời gian còn lại của năm khi nhà đầu tư đối mặt với khối lượng giao dịch sụt giảm trong những phiên tới”.

Kết thúc phiên 17/12, chỉ số Dow Jones giảm 532,20 điểm (-1,48%), xuống 35.365,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 48,03 điểm (-1,03%), xuống 4.620,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 10,75 điểm (-0,07%), xuống 15.169,68 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm do ảnh hưởng từ phiên lao dốc của phố Wall cuối tuần trước, bởi sự lây lan của biến thể cOmicron làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, vốn đã bị suy yếu bởi các bước đi diều hâu của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 mất 1,3% xuống 28.162,59 vào lúc 02:00 GMT, trong khi Topix rộng hơn giảm 1,46% xuống 1.955,50.

Jun Morita, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Chibagin Asset Management cho biết: “Tác động của biến thể Omicron dường như lớn hơn chúng tôi dự kiến ​​ban đầu, với việc một số quốc gia đã thắt chặt các hạn chế”.

Phiên này, tất cả 33 chỉ số phụ ngành của thị trường Tokyo đều giảm, trong đó, nhóm cổ phiếu môi giới chứng khoán giảm sâu nhất với Nomura Holdings mất 5,96% và Daiwa Securities mất 4,49%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, do việc cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn của Trung Quốc không thể nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,07% xuống 3.593,60 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,5% xuống 4.880,42 điểm.

Trung Quốc thông báo cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay (LPR) lần đầu tiên sau 20 tháng, phù hợp với kỳ vọng của thị trường nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.

LPR một năm đã giảm 5 điểm cơ bản, trong khi LPR 5 năm không đổi. Các nhà phân tích cho rằng, quyết định giữ nguyên LPR 5 năm cho thấy Bắc Kinh không thích sử dụng lĩnh vực bất động sản để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Phiên này, nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất là năng lượng mới giảm 4,4%, trong đó xe năng lượng mới và ngành quang điện lần lượt giảm 3,9% và 4,6%.

Cổ phiếu ngành khai thác than và kim loại màu giảm lần lượt 3,3% và 2,8%, trong khi chỉ số phụ về máy móc giảm 3,7%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng, do ảnh hưởng từ đà lao dốc của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,93% xuống 22,858,50 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,13% xuống 8.042,74 điểm.

Chỉ số công nghệ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi thành lập vào tháng 7 năm 2020, mất 3,2%, do đà sụt giảm 4,9% của NetEase, trong khi JD.com giảm 4%, còn Alibaba và Tencent giảm 2,1% và 1,8%.

Trong khi đó, ngoài China Evergrande Group sau khi bị S&P Global hạ bậc xếp hạng xuống "vỡ nợ có chọn lọc" trong ngày cuối tuần trước, thì đến lượt một nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc là Shimao Group đã bị Moody's hạ bậc xếp hạng từ Ba1 xuống Ba3.

Cổ phiếu Evergrande group theo đó giảm 9,9%, Shimao mất 8,6% và Country Garden mất 4,1%.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tuần, do những lo ngại dâng cao về biến thể Omicron khiến các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán cổ phiếu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,81% xuống 2.963,00 điểm, phiên tệ nhất kể từ ngày 30/11.

Cổ phiếu các công ty công nghệ lớn dẫn đầu sự sụt giảm, với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1,15% và 1,23%, trong khi Naver giảm 2,99%.

Kết thúc phiên 20/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 607,87 điểm (-2,13%), xuống 27.937,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,76 điểm (-1,07%), xuống 3.593,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 447,77 điểm (-1,93%), xuống 22.744,86 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 54,73 điểm (-1,81%), xuống 2.963,00 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất huy động không còn “bình yên”

Thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm, khiến thanh khoản trên hệ thống ngân hàng phần nào căng thẳng tạm thời và lãi suất huy động rục rịch tăng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu bất động sản vẫn nóng

Sau khi dòng tiền miệt mài đổ vào các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, trong tuần qua, giới đầu tư lại tìm đến nhóm cổ phiếu bất động sản nhà ở và thương mại..>> Chi tiết

- Nhiều động lực cho VN-Index vượt 1.500

Tuần qua, dòng tiền tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhưng theo giới phân tích, sẽ sớm chảy vào nhóm bluechips và khi đó, VN-Index dễ dàng băng qua mốc 1.500 điểm..>> Chi tiết

- Điều gì khiến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mạnh “chưa từng thấy”?

Tại thời điểm hiện tại, đồng nhân dân tệ đang tăng giá tốt hơn so với đồng USD ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị tăng lãi suất. Vậy lý do dẫn đến hiện tượng này là gì?..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,201.32 -4.29 -0.36% 71,864 tỷ
HNX 225.92 -1.95 -0.86% 563 tỷ
UPCOM 88.03 -0.34 -0.39% 272 tỷ