Thị trường tài chính 24h: Bitcoin tìm đường về lại mốc cao 100.000 USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tiếp tục giảm; Tỷ giá chưa hết áp lực; Nhiệm vụ khó cho 2025; Cú đấm bất ngờ; Cơ hội tái cơ cấu danh mục…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Bitcoin tìm đường về lại mốc cao 100.000 USD

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 6/1 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 500.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 83,50 – 85,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 18,5 USD xuống 2.639,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về 2.625 USD/ounce trước khi bật lên 2.635 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,52 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.337 đồng/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với ngày cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.253 – 25.553 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 97.700 USD lên 98.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và tiến gần tới 100.000 USD, trước khi lùi về 99.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,22 USD (-0,30%), xuống 73,74 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,22 USD (-0,29%), xuống 76,29 USD/thùng.

VN-Index tiếp tục giảm

Nỗ lực hồi phục của các cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index sớm tăng điểm lên 1.260 điểm.

Tuy nhiên, giao dịch nhìn chung vẫn ảm đạm, lực cầu khá yếu trong khi bên bán luôn thường trực khiến thị trường chuyển qua trạng thái xấu vào cuối phiên. Theo đó, chỉ số VN-Index đảo chiều giảm và đã xuyên thủng mốc hỗ trợ mạnh 1.250 điểm, tổng cộng giảm hơn 8 điểm khi đóng cửa.

Kết thúc phiên giao dịch 6/1: VN-Index giảm 8,24 điểm (-0,66%) xuống 1.246,35 điểm; HNX-Index giảm 2,71 điểm (-1,2%) xuống 222,95 điểm; UPCoM-Index giảm 0,73 điểm (-0,77%), xuống 93,62 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (3/1), khi vẫn là những cổ phiếu chip dẫn dắt.

Các cổ phiếu nổi bật là gã khổng lồ sản xuất chip Nvidia tăng 4,7% và Super Micro Computer tăng gần 11%.

Trong tuần, Dow Jones mất 0,6%, S&P 500 giảm 0,48% và Nasdaq Composite giảm 0,51%.

Kết thúc phiên 3/1: Chỉ số Dow Jones tăng 339,86 điểm (+0,80%), lên 42.732,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 73,92 điểm (+1,26%), lên 5.942,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 340,88 điểm (+1,77%), lên 19.621,68 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2025, khi các nhà đầu tư bán chốt lời sau đợt phục hồi cuối năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,47% xuống 39.307,05 điểm.

Chỉ số này đã tăng 19% vào năm 2024 nhưng kết thúc năm vào phiên 31/12 ở mức 39.894,54 điểm, không duy trì được mức 40.000 đã chạm được vào đầu phiên.

Chỉ số Topix giảm 1,02% xuống 2.756,38 điểm.

Phiên hôm nay, cổ phiếu lớn Fast Retailing giảm 4,2% và là lực cản lớn nhất đối với thị trường, cùng với đó là Toyota Motor giảm 4,3%.

Nippon Steel giảm 0,75% sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chặn đề xuất mua lại US Steel trị giá 14,9 tỷ USD.

Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, bất chấp các cuộc họp của các nhà quản lý với các nhà đầu tư nước ngoài, khi lo ngại về sự phục hồi kinh tế và căng thẳng địa chính trị đè nặng lên tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,14% xuống 3.206,92 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,16% xuống 3.769,97 điểm.

Tâm lý đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn mong manh trong năm mới, khi các nhà đầu tư vẫn lo ngại về đà phục hồi kinh tế, khi việc triển khai các hỗ trợ chính sách trong nước chưa mang lại nhiều kết quả và căng thẳng địa chính trị leo thang khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Để trấn an thị trường, các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến đã gặp gỡ các tổ chức nước ngoài vào cuối tuần qua và cam kết tiếp tục mở cửa thị trường vốn của Trung Quốc.

"Tâm lý giới đầu tư đang suy giảm vì các chính sách kích thích cụ thể vẫn chưa được đưa ra, mặc dù các nhà chức trách cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để nâng cao lĩnh vực tiêu dùng. Trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại tiếp tục đe dọa nỗ lực chống lại mối đe dọa thuế quan tiềm tàng từ Mỹ”, Ka Liu, người đứng đầu bộ phận hỗ trợ tư vấn tại Citibank Hồng Kông cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khi các báo cáo cho thấy tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc đã trượt dốc vào tháng trước.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,42% xuống 19.677,37 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,34% xuống 7.135,27 điểm.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi dự kiến trong quý IV/2024, nhưng triển vọng tương lai vẫn chưa rõ ràng, khi các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa tìm ra biện pháp kích thích chi tiêu tiêu dùng nào đủ mạnh.

Trong khi đó, các lệnh cấm xuất khẩu đối với một số nguyên liệu cũng đã làm suy yếu triển vọng thương mại, hai tuần trước khi tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng dẫn đầu bởi mức tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 46,72 điểm, tương đương 1,91%, lên 2.488,64 điểm.

Các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics tăng 2,8% và SK hynix tăng vọt gần 10%.

Kết thúc phiên 6/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 587,49 điểm (-1,47%), xuống 39.307,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,51 điểm (-0,14%), xuống 3.206,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 71,98 điểm (-0,36%), xuống 19.688,29 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 46,72 điểm (+1,91%), lên 2.488,64 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá chưa hết áp lực

Chỉ số sức mạnh USD (DXY) được dự báo có thể duy trì ở ngưỡng cao và kéo dài hơn dự kiến trong năm 2025, từ đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng..>> Chi tiết

- Nhiệm vụ khó cho 2025

Hai từ khóa trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Lễ khai trương phiên giao dịch đầu năm ngày 2/1/2025 được giới đầu tư chú ý. Đó là thu hút nhà đầu tư quốc tế và thị trường chứng khoán sẽ bứt phá cả về chất và lượng..>> Chi tiết

- Cú đấm bất ngờ

Tưởng chừng thị trường chứng khoán sẽ bước vào giai đoạn “lừ đừ” với tâm lý nghỉ Tết đang cận kề thì phiên cuối tuần qua lại đem đến một sự bất ngờ không mấy vui vẻ. Thị trường đảo chiều giảm và nhà đầu tư phải đón nhận phiên giảm điểm mạnh nhất trong 4 tháng qua..>> Chi tiết

- Cơ hội tái cơ cấu danh mục

Đà giảm của VN-Index có thể còn kéo sang đầu tuần này và đây là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục