Thị trường tài chính 24h: Áp lực bán tháo ở nhiều loại tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm gần 50 điểm; Thúc tín dụng nửa cuối năm vẫn khó; Nhận định cơ hội phục hồi của nhóm cổ phiếu thép; Dự cảm về chứng khoán tháng 8; Chứng khoán châu Á mở đầu tuần với ngày thứ Hai đen tối…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Áp lực bán tháo ở nhiều loại tài sản

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 5/8 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 78,30 – 79,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 3 USD xuống 2.443,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lao dốc và giảm về 2.420 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,22 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.241 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.950 – 25.290 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 61.100 xuống 58.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục lao dốc và về gần 50.000 USD, trước khi có nhịp hồi phục lên gần 53.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,60 USD (-2,18%), xuống 71,92 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,54 USD (-2,00%), xuống 75,27 USD/thùng.

VN-Index lao dốc mạnh

Thị trường từ sớm chung đà lao dốc với các thị trường lớn khác trên khu vực và điều khiến nhà đầu tư quan ngại nhất là mốc hỗ trợ cứng 1.200 điểm đã bị xuyên thủng vào giữa phiên.

Thậm chí đà bán tháo còn diễn ra mạnh hơn sau đó, khi VN-Index liên tục giảm và đóng cửa ghi nhận mất gần 50 điểm về dưới 1.190 điểm khi đóng cửa với hàng trăm mã nằm sàn.

Kết thúc phiên giao dịch 5/8: VN-Index giảm 48,53 điểm (-3,92%), xuống 1.188,07 điểm; HNX-Index giảm 8,85 điểm (-3,82%), xuống 222,71 điểm; UPCoM-Index giảm 2,99 điểm (-3,18%), xuống mức 90,79 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Sáu (2/8), khi báo cáo việc làm tháng 7 yếu hơn nhiều so với dự báo làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.

Bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 cho thấy số việc làm tăng thêm chỉ ở 114.000, thấp hơn nhiều so với dự báo là 185.000 việc làm. Đây là mức việc làm tăng thêm thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Thu nhập bình quân theo giờ (một trong những chỉ báo lạm phát ưa thích của Fed) chỉ tăng 0,2% so với tháng trước và 3,6% so với cùng kỳ năm trước, đều thấp hơn dự báo.

Kết thúc phiên 2/8: Chỉ số Dow Jones giảm 610,71 điểm (-1,51%), xuống 39.737,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 100,12 điểm (-1,84%), xuống 5.346,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 417,98 điểm (-2,43%), xuống 16.776,16 điểm.

Chứng khoán châu Á thêm một phiên giảm sốc

Chứng khoán Nhật Bản giảm tới hơn 12%, quy mô tổn thất một phiên lớn chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2011.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 12,4% xuống 31.458,42 điểm. Chỉ số Topix giảm 12,23% xuống 2.227,15 điểm.

Áp lực bán tháo diễn ra sau khi dữ liệu việc làm yếu kém ở Mỹ và việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất vào thứ Bảy.

Đồng yên đã tăng 10% so với đồng USD chỉ trong hơn ba tuần, một phần do BOJ tăng lãi suất vào tuần trước và việc nới lỏng các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên.

"Câu hỏi bây giờ là liệu chúng ta có tiếp tục bán tháo hay mua lại. Tôi nghĩ rằng thị trường sẽ không ổn định cho đến khoảng tháng 10, nhưng tôi sẽ mua lại ngay bây giờ, vì các yếu tố cơ bản, vốn đã nâng đỡ chỉ số thiết lập mức đỉnh mới gần đây không thay đổi", Seiichi Suzuki, nhà phân tích thị trường chứng khoán tại Tokai Tokyo cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, theo chân nhiều thị trường trên toàn cầu, nhưng mức độ giảm được hạn chế nhờ một số dữ liệu kinh tế vẫn cho thấy điểm sáng.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,54% xuống 2.860,70 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,21% xuống 3.343,32 điểm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ toàn cầu do Caixin/S&P khảo sát tại Trung Quốc đã tăng lên 52,1 điểm trong tháng 7 từ mức 51,2 điểm trong tháng 6, cho thấy sự mở rộng trong tháng thứ 19 liên tiếp.

Tuy nhiên, PMI dịch vụ chính thức cho thấy lĩnh vực này đã đình trệ vào tháng 7 so với mức tăng trưởng vào tháng 6, với doanh số bán lẻ, dịch vụ thị trường vốn và các ngành dịch vụ bất động sản đều suy giảm.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự kiến ​​trong quý II và phải đối mặt với áp lực giảm phát và sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 6chạm mức yếu nhất kể từ đầu năm 2023.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, ảnh hưởng bởi đợt bán tháo toàn cầu, sau khi lo ngại gia tăng về việc Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,74% xuống 16.650,67 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,90% xuống 5.861,55 điểm.

Stephen Innes, Giám đốc điều hành tại SPI Asset Management ở Bangkok cho biết: Câu chuyện từng được ấp ủ về một cuộc 'hạ cánh mềm' của nền kinh tế Mỹ đã biến mất nhanh hơn và được thay thế bằng viễn cảnh nghiệt ngã của một cuộc 'hạ cánh cứng’.

Chứng khoán Hàn Quốc bị bán tháo theo chân các thị trường lớn khác và có thời điểm đã phải chủ động ngắt giao dịch tạm thời.

Đóng cửa, chỉ số Kospi giảm 234,64 điểm, tương đương 8,77% xuống 2.441,55 điểm.

Kết thúc phiên 5/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 4.451,28 điểm (-12,4%), xuống 31.458,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 44,64 điểm (-1,54%), xuống 2.860,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 247,15 điểm (-1,46%), xuống 16.698,36 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 234,64 điểm (-8,77%), xuống 2.441,55 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thúc tín dụng nửa cuối năm vẫn khó

Tín dụng tăng trưởng nửa đầu năm đã đạt kế hoạch, nhưng các biện pháp “kỹ thuật” có thể ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng nửa còn lại của năm..>> Chi tiết

- Nhận định cơ hội phục hồi của nhóm cổ phiếu thép

Mặc dù kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận nhóm ngành tăng trưởng hơn 90%, nhưng các cổ phiếu thép vẫn không nằm ngoài đà giảm của thị trường. Các chuyên gia sẽ đánh giá về cơ hội phục hồi của nhóm cổ phiếu này..>> Chi tiết

- Dự cảm về chứng khoán tháng 8

Nhà đầu tư vừa trải qua tháng 7 khá khó khăn khi nhiều tài khoản bị hao hụt. Với kỳ vọng vĩ mô khởi sắc hơn, thị trường được nhìn nhận có nhiều “cửa sáng” trong tháng 8 này..>> Chi tiết

- Chứng khoán châu Á mở đầu tuần với ngày thứ Hai đen tối

Chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc đã dẫn đầu đà lao dốc trên khắp các thị trường chứng khoán châu Á vào thứ Hai (5/8), sau khi dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế ở nền kinh tế hàng đầu thế giới..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục