BoE “ném đá dò đường”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương lớn có lẽ đã hoặc đang khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ, dù còn không ít ý kiến lo ngại “lợi bất cập hại”.
BoE “ném đá dò đường”

Sau nhiều tháng giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%/năm, mức cao nhất trong 16 năm qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 5%/năm. Quyết định này được đưa ra bởi Ủy ban hoạch định chính sách của Ngân hàng với tỷ lệ 5-4, cho thấy sự chia rẽ về cách đối phó với các áp lực kinh tế hiện nay.

Lý do chính đằng sau quyết định này là sự giảm bớt của áp lực lạm phát trong nền kinh tế. Hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Vương quốc Anh đã trở về mức mục tiêu 2%, cho phép BoE có đủ không gian để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các ngân hàng trung ương, bao gồm BoE, đã giảm lãi suất xuống mức gần bằng 0% để kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi các vấn đề về chuỗi cung ứng bắt đầu tác động đến giá cả và cuộc chiến Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao, lạm phát đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng. Trong phản ứng với tình hình này, các ngân hàng trung ương, trong đó có Vương quốc Anh, đã tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng đặt ra những thách thức mới, đặc biệt là khi nền kinh tế Anh hầu như không tăng trưởng sau khi phục hồi từ đại dịch.

Thời điểm hiện tại, nền kinh tế của nước này đang trong tình trạng khá yếu, với mức tăng trưởng chậm chạp và những dấu hiệu của sự bất ổn trong một số lĩnh vực quan trọng. Mặc dù lạm phát đã giảm xuống, nhưng các vấn đề như chi phí sinh hoạt cao, bất ổn trong ngành dịch vụ và những rủi ro toàn cầu vẫn còn hiện hữu. Quyết định cắt giảm lãi suất của BoE được xem như một động thái để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cũng là một biện pháp thận trọng để tránh gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến sự ổn định tài chính.

Quyết định cắt giảm lãi suất nói trên đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau từ các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích. Một số người cho rằng, đây là một bước đi hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát đang giảm. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, BoE đã giữ lãi suất cao quá lâu, ngay cả khi lạm phát đang trên đà giảm và nền kinh tế gặp khó khăn.

Tại Mỹ cũng có không ít ý kiến kêu gọi các nhà hoạch định chính sách nên giảm lãi suất ngay lập tức, thay vì chờ đến cuộc họp vào tháng 9 tới. Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ để cố ý làm chậm một phần của nền kinh tế và đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022. Lạm phát đã tiến gần đến mục tiêu, vì vậy, việc giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn nữa với hy vọng có thể làm giảm lạm phát thêm một chút có nguy cơ làm tổn hại nền kinh tế nhiều hơn là có lợi.

Trong lĩnh vực lao động, số lượng việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và một số ngành công nghiệp đang sa thải nhiều nhân viên hơn là tuyển dụng. Trong khi đó, người tiêu dùng cho thấy nhu cầu chi tiêu yếu hơn (nhưng vẫn chấp nhận được) trong những tháng gần đây. Nếu tất cả những điều đó tiếp tục, nền kinh tế có thể suy yếu hơn nữa.

Nhưng nền kinh tế đã tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm là 2,8% trong quý II năm nay, vượt qua dự đoán của các nhà kinh tế, trong khi lạm phát tiếp tục giảm về gần mục tiêu 2% - những kết quả kép hiếm thấy trong lịch sử. Và mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang tăng, các nhà tuyển dụng tiếp tục thuê thêm hơn 100.000 nhân viên mỗi tháng. Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cho thấy, lạm phát hàng năm bất ngờ tăng lên 3,5%. Đó là lý do tại sao Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo Global, duy trì dự đoán trước đây rằng, Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm nay.

“Còn hai lần công bố CPI nữa trước cuộc họp gần nhất của Fed vào ngày 18/9 tới, vì vậy, chúng ta phải chờ xem liệu xu hướng giảm lạm phát có tiếp tục hay không... Với sự tăng trưởng việc làm vững chắc và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, chúng tôi nghĩ rằng, dự đoán hiện tại của thị trường về 3 lần giảm lãi suất trong năm nay là sai”, ông Torsten Slok nói.

“Nếu Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 và Iran trực tiếp chiến tranh với Israel, làm giá năng lượng tăng vọt, các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếc nuối vì đã nới lỏng kiểm soát nền kinh tế”, thành viên Fed Christopher Waller bày tỏ quan điểm.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục