Thị trường sẽ bước vào trạng thái giằng co

(ĐTCK-online) Các CTCK đều có chung nhận định, thị trường sẽ bước vào giai đoạn giằng co đi ngang trong biên độ hẹp. NĐT được khuyến nghị nên thận trọng, đặc biệt là nên quan sát động thái của khối ngoại vì giao dịch của khối này vẫn là rủi ro lớn cho NĐT cá nhân ngắn hạn.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 29/9.

 

Giao dịch của khối ngoại vẫn là một rủi ro lớn cho những NĐT cá nhân

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường trong nước mở cửa phiên giao dịch ngày 28/9 với tâm lý khá tích cực một phần do tác động từ những tín hiệu tạm bình ổn hơn của kinh tế thế giới. Rất nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại giải ngân hoặc ít nhất là tạm dừng việc giảm tỷ trọng danh mục đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm xu hướng, chúng tôi cho rằng hoạt động tái cơ cấu tỷ trọng diễn ra theo một quá trình và cần nhiều thời gian, đặc biệt là với những nhà đầu tư tổ chức. Rất khó để kỳ vọng diễn biến ngắn hạn có thể thay đổi một chiến lược trung và dài hạn. Vì vậy trong thời gian tới, giao dịch của khối ngoại vẫn là một rủi ro lớn cho những nhà đầu tư cá nhân theo đuổi chiến lược mua ngắn hạn. Giá cổ phiếu nhìn chung vẫn trong chiều hướng đi xuống ngoại trừ một số mã cổ phiếu thu hút được dòng tiền đầu cơ và đi ngược thị trường trong ngắn hạn.

 

Thị trường đang đứng trước các thử thách lớn

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Thật không dễ dàng để tăng điểm trong thời điểm hiện tại khi khối ngoại liên tục bán ròng bluechips như CTG, DPM, HAG, HPG, PVD, REE, VIC… trong khi tín hiệu sell đang xuất hiện trên nhiều bluechips của HNX như BVS, PVX, VCG,… Ngày 28/9, HNX-Index đã tăng điểm trở lại nhưng suy yếu vào cuối ngày trong khi VN-Index giảm 3,5 điểm khi kết thúc phiên.

Thanh khoản xuống thấp khi các nhà đầu tư giảm giao dịch và chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường, có lẽ ngày 29/9, thêm một lần nữa VN-Index và HNX-Index sẽ lại được kiểm chứng các mức hỗ trợ quan trọng ở 430 và 73 điểm. Mặc dù vậy, chúng tôi lưu ý rằng: BVH và MSN có dấu hiệu đang có dấu hiệu tạo đáy. Nhóm CTG, HAG, HPG, PVD, VIC… đang dao động ở vùng hỗ trợ rất gần mức đáy trước khi tăng giữa tháng 8/2011. Đây đều là những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến VN-Index. Nhiều bluechips trên HNX như BVS, KLS, VND, PVX, VCG,… có vẻ như đang muốn giảm mạnh khi áp lực bán tăng lên trong những phiên gần đây. Thế nhưng, một cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến các cổ phiếu đầu cơ 2 sàn là SSI đang được đỡ giá ở mức 20 rất tốt, đồng thời làn sóng đầu cơ đang lên ở nhiều penny như IJC, HQC, PXL,…

Dường như đang có sự ngược chiều nhau về 2 làn sóng của thị trường mà nếu tình trạng này kéo dài đến hết tuần thì nhiều khả năng sẽ phải có sự thoái lui của một trong 2 làn sóng để tìm kiếm sự đồng thuận trở lại và quyết định xu hướng của thị trường.

Thị trường đang đứng trước các thử thách lớn với nhiều mâu thuẫn mà nếu vượt qua được tuần này thì diễn biến nhiều khả năng sẽ tích cực hơn.

 

Nhiều khả năng thị trường sẽ lại tái diễn kịch bản giằng co

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục cho ra kết quả trái chiều trong phiên giao dịch ngày 28/9, nhưng lần này sàn Hà Nội đã hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp, còn ở tình thế ngược lại sàn HOSE đảo chiều giảm nhẹ do sự suy yếu của một số cổ phiếu vốn hóa lớn mang tính trụ cột.

Nhìn chung bầu không khí và diễn biến giao dịch của cả hai sàn không có nhiều thay đổi so với phiên giao dịch liền trước đó, vẫn là sự giằng co và lình xinh khá ảm đạm với tốc độ khớp lệnh chậm chạp. Nguyên nhân của điều này phần nhiều là do các nhà đầu tư chưa tìm được điểm tựa cũng như lý do hỗ trợ hợp lý để có thể phá vỡ trạng thái tâm lý thận trọng của mình, tính thanh khoản theo đó cũng suy giảm, dòng tiền tiếp tục tỏ thái độ hờ hững đứng ngoài thị trường.

Chúng tôi cho rằng, cục diện nãy sẽ khó bị phá vỡ trong một vài phiên giao dịch sắp tới khi mà thông tin hỗ trợ cho thị trường còn thiếu vắng. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ lại tái diễn kịch bản giằng co và đi ngang trong biên độ hẹp trong phiên giao dịch ngày mai.

 

Thị trường sẽ đi ngang trong mấy phiên tới

(CTCK ACB - ACBS)

Thị trường chứng khoán tiếp tục có một phiên giao dịch trái chiều trên cả hai sàn. Việc giảm điểm của một số cổ phiếu chủ chốt như là MSN, VIC, VPL và BVH đã làm cho chỉ số VN-Index đóng cửa dưới giá tham chiếu, mặc dù chỉ số này mở cửa giao dịch trong sắc xanh. Trong một diễn biến ngược lại, trên sàn phía Bắc, chỉ số HNX-Index đã có một phiên tăng nhẹ, kết thúc chuỗi ngày giảm điểm của chỉ số này với 0,24 điểm tăng, tương đương 0,32%, và chốt phiên tại mức 73,58. Thanh khoản trên sàn này tiếp tục giảm, cho thấy tăng trưởng không bền vững của chỉ số HNX-Index.

Đáng chú ý, VCB đã có một phiên tăng trần kể từ đầu giờ giao dịch. Cổ phiếu này nhanh chóng tăng lên 5% ngay sau khi có tin Vietcombank sẽ bán 15% cổ phần cho ngân hàng Mizuho, một ngân hàng đầu tư lớn của Nhật.

Mặc dù cổ phiếu VCB có một phiên tăng trần, cổ phiếu nhóm tài chính vẫn ghi nhận một phiên giảm điểm, mất 1,87% và trở thành ngành giảm điểm mạnh nhất trong phiên ngày hôm qua. Vị trí thứ 2 và thứ 3 thuộc về ngành Dịch vụ và Dầu khí, giảm 1,83% và 0,78% tương ứng. Trên sàn HNX, ba ngành giảm điểm duy nhất là ngành Tiện ích (-1,53%), Tiêu dùng (-1,29%) và Dịch vụ (-0,1%).

Về mặt phân tích kỹ thuật, cả hai chỉ số được dự báo là sẽ đi ngang trong mấy phiên tới. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng.  

 

Thị trường sẽ bước vào trạng thái giằng co

(CTCK FPT - FPTS)

Như đã nhận định, đà phục hồi của VN-Index đã sớm kết thúc trong phiên giao dịch ngày 28/09.

Thiếu vắng sự hỗ trợ của dòng tiền cùng tâm lý thận trọng thăm dò của nhà đầu tư đã khiến cho giao dịch trở nên trầm lắng và tẻ nhạt. Thanh khoản sụt giảm so với phiên trước, cùng với việc mất đi lực đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến chỉ số không thể duy trì sức tăng bắt đầu từ phiên trước. Thị trường nhanh chóng đảo chiều trở lại trạng thái giảm điểm.

Tuy nhiên, phiên này vẫn có điểm tích cực là nỗ lực tăng điểm của cổ phiếu ngân hàng và dầu khí giúp cho thị trường tránh khỏi một phiên giảm sâu, ngưỡng hỗ trợ tại 430 điểm tiếp tục được giữ vững.

Ngoài những thông tin về lạm phát và lãi suất trong thời gian qua, thị trường đang chuẩn bị đón nhận những thông tin mới về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III. Nhưng dự báo cho những thông tin này vẫn không hứa hẹn mang đến sự hỗ trợ cần thiết cho thị trường do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đình trệ bởi lãi suất cao. Điều này có thể sẽ không tác động nhiều đến thị trường vì đa số nhà đầu tư đã lường trước được thực trạng bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn. Mặt khác, tâm lý nhà đầu tư hiện vẫn giữ được sự ổn định cần thiết. Cả bên bán lẫn bên mua đều tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi.

Ngoài diễn biến sôi động ở những mã cổ phiếu mang tính đầu cơ và nhóm vốn hóa lớn, nhìn chung mặt bằng giá các cổ phiếu trên thịt trường đều đã trở lại trạng thái cân bằng sau xu thế tăng điểm. Theo đó, nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào trạng thái giằng co và đi ngang trong biên độ hẹp trước khi có sự xuất hiện của yếu tố mới đủ khả năng tác động đến xu hướng thị trường. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục đứng ngoài thị trường do rủi ro xuất hiện các phiên “bulltrap” là cao ở thời điểm hiện tại.

 

Xu hướng giảm điểm vẫn chưa được cải thiện

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Sau phiên hồi phục ngày 27/9, VN-Index tiếp tục trở lại quỹ đạo giảm điểm trước đó. Khối lượng khớp lệnh có giảm xuống nhưng vẫn ở mức bình thường. Nhóm bluechips trở nên yếu thế hơn. Khối ngoại tiếp tục bán ròng  mạnh trên sàn HOSE, lực bán tăng 67% so với phiên trước.

Áp lực lạm phát tiến sát so với kế hoạch đặt ra, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp tăng cường thắt chắt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát. Trước thông tin này đã khiến tâm lý các NĐT càng  thêm bi quan, điều này được thể hiện khá rõ khi lực bán được xả mạnh ở nhóm dẫn dắt.

Hệ lụy từ chính sách vĩ mô, kết quả kinh doanh của một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng điển hình là bất động sản và xây dựng, chứng khoán, thép, xi măng, vận tải biển…Hầu hết các doanh nghiệp trong những ngành này đều thua lỗ, một phần nguyên nhân khiến cho thị trường kém sôi động. Nếu như thời gian tới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt sẽ khiến cho các ngành này càng thêm khó khăn.

Xu hướng giảm điểm vẫn chưa được cải thiện, tình hình vĩ mô tiếp tục diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi cho thị trường chứng khoán.  Chúng tôi khuyến nghị NĐT nên theo dõi quan sát, việc lướt sóng nên thực hiện hạn chế (chỉ lướt những cổ phiếu sẵn có trong danh mục)

 

Sự thận trọng vẫn là cần thiết cho NĐT

(CTCK Mirae Asset)

Diễn biến giao dịch trên sàn HOSE không quá tiêu cực như các dự báo trước đây, nhưng lạc quan để mua vào vẫn mang tính rủi ro cao. NĐT ngắn hạn chưa vội bán ở vùng hiện tại nếu đang nắm giữ cổ phiếu; khả năng có thể bán được ở vùng giá cao hơn trong 1-2 phiên tới.

Trên sàn HNX, sự tích cực, lạc quan đã trở lại. Tuy vậy, NĐT ngắn hạn chưa vội giải ngân. Chờ đợi tín hiệu xác nhận của “cầu giá cao” sẵn sàng gia nhập trong phiên ngày 29/9. Trong mọi trường hợp, sự thận trọng vẫn là cần thiết cho NĐT ở thời điểm hiện tại.

 

Xu hướng lình xình giảm điểm sẽ tiếp diễn

(CTCK VNDirect - VND)

Dù điểm số HNX-Index tăng nhẹ, chúng tôi đánh giá thị trường không có biến chuyển tích cực trong phiên ngày 28/9. Các mã cầm cờ thị trường vẫn tiếp tục lình xình, đặc biệt một số mã còn bị bán mạnh vào cuối phiên. Nhiều mã penny tăng trần, nhưng với giao dịch ít và sự tăng điểm chỉ diễn ra cục bộ ở một số nhóm cổ phiếu như vậy không phải là dấu hiệu thuyết phục cho khả năng hồi phục của thị trường.
Ngưỡng hỗ trợ 50% của Fibonacci có thể giúp đà giảm của thị trường trong 2 phiên gần đây không lớn, nhưng với thanh khoản tiếp tục suy yếu và các cổ phiếu dẫn dắt thị trường biến động lình xình như vậy thì khả năng ngưỡng hỗ trợ này cũng sẽ bị phá vỡ, thị trường sẽ tìm điểm cân bằng tại mức giá thấp hơn, rồi mới tính đến khả năng phục hồi.

Việc giải ngân giai đoạn này sẽ đối mặt với rủi ro bào mòn tài khoản rất cao. Nhà đầu tư nên thận trọng qua sát thị trường và tham khảo các bản tin tiếp theo để có các quyết định đầu tư hợp lý.

Tin cùng chuyên mục