Trong bản báo cáo “chốt sổ” năm 2020 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 12 đạt mức kỷ lục là 47.865 xe bán ra, tăng 31,6% so với tháng trước và tăng đến 45% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tổng số xe được bán ra nói trên có 36.856 xe du lịch, tăng 28%; 10.673 xe thương mại, tăng 50%; và 336 xe chuyên dụng, giảm 30% so với tháng trước.
Tính theo nguồn gốc của xe, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 29.382 xe, tăng 25% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 18.483 xe, tăng 44% so với tháng trước.
Tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong VAMA trong năm 2020 đạt 296.634 xe, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái (doanh số bán hàng năm 2019 đạt 321.811 xe). Trong đó, xe ôtô du lịch giảm 7%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán hàng năm 2020 của xe lắp ráp trong nước chỉ giảm 1% trong khi xe nhập khẩu giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, doanh số trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ôtô Việt Nam bởi còn có sự góp mặt của các thương hiệu khác như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo, TC MOTOR,…
Bảng thống kê số lượng xe bán ra trong tháng và cả năm từ VAMA. |
Cùng thời điểm này, nhà sản xuất xe TC MOTOR công bố kết quả bán hàng tháng 12/2020. Theo đó, số xe bán ra của Hyundai tháng 12 đạt 13.306 xe, tăng trưởng 20,7% so với tháng trước đó.
Tổng doanh số ôtô mang thương hiệu Hyundai năm 2020 đạt 81.368 xe, tăng trưởng 2,26% so với năm 2019 và đứng đầu doanh số các hãng xe thị trường Việt Nam.
Đứng thứ hai là thương hiệu xe Toyota Việt Nam với doanh số bán ra cả năm là 72.136 xe (bao gồm Lexus), giảm khoảng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những vị trí tiếp theo là các thương hiệu Kia đạt doanh số 39.180 xe, Mazda với 32.224 xe, VinFast 29.485 xe, Mitsubishi 28.954 xe, Ford 24.663 xe, Honda 24.418 xe... được bàn giao tới khách hàng trong cả nước.
Hãng xe VinFast vừa công bố báo cáo thu hút được sự quan tâm của dư luận. Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2020, VinFast đã bán tổng cộng 29.485 xe ôtô, bao gồm 18.016 xe Fadil, 6.013 xe Lux A2.0 và 5.456 xe Lux SA2.0.
Đây là kết quả bán hàng khiến những tên tuổi lâu năm trên thị trường ôtô Việt Nam không khỏi “sửng sốt”. So với thương hiệu Toyota Việt Nam cả năm bán 72.136 xe, hãng VinFast chỉ kém doanh số khoảng hơn 2 lần, trong khi mẫu mã ít và có tuổi đời chỉ hơn 2 năm.
Cộng dồn 3 bảng báo cáo bán hàng trên, thị trường ôtô Việt Nam đã tiêu thụ 407.487 xe, vượt con số 401.809 của năm 2019.
Đây là bức tranh sáng lạn mà ít ai ngờ đến do trong những tháng đầu năm 2020, tình trạng bán hàng sụt giảm vì dịch COVID-19. Trước đó theo dự báo của VAMA, doanh số bán hàng của thị trường ôtô Việt Nam năm 2020 có thể giảm 15% do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng thần kỳ từ nửa cuối năm 2020 phần lớn đến từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước do Chính phủ ban hành, kèm theo nhiều chương trình kích cầu ưu đãi từ các hãng xe đã tạo động lực cho người dân nhân nhu cầu mua sắm nhộn nhịp hơn.
Theo đó, những khách hàng mua xe lắp ráp trong nước năm nay đều được hưởng ưu đãi từ 20-300 triệu đồng tuỳ vào từng loại xe và địa phương khác nhau.
Đơn cử, nếu khách hàng mua xe Honda CR-V bản L có giá 1,11 tỷ đồng, với ưu đãi trước bạ thì thay vì phải đóng 111 triệu tiền lệ phí (tương ứng với 12%) thì nay khách chỉ phải đóng với mức giá khoảng 56 triệu đồng, rẻ hơn một nửa.
Bên cạnh đó, chính vì sự ưu ái bởi các chính sách đối với các dòng xe lắp ráp trong nước mà hãng xe nhập khẩu và ngay trong các liên doanh vào tình thế buộc phải "móc túi" trợ giá.
Trong giai đoạn từ tháng 9/2020 đến nay, hầu hết các loại xe ôtô nhập khẩu trên thị trường đều được các liên doanh hỗ trợ trước bạ, giảm giá hoặc quà tặng có giá trị tương đương từ 50-100% số tiền người tiêu dùng lẽ ra phải nộp lệ phí trước bạ.
Ví dụ như Ford giảm giá các mẫu xe Everest Titanium từ 175-200 triệu đồng; Honda Accord đời 2019 được nhiều đại lý ở Hà Nội giảm 100-130 triệu đồng; Nissan Terra 2019 giảm gần 80 triệu đồng...
Bắt đầu từ năm 2021, các mẫu xe nhập khẩu từ châu Âu sẽ có chi phí rẻ hơn do được miễn thuế từ hiệu định EVFTA. (Ảnh minh họa: Subaru Việt Nam). |
Những động thái kích cầu này giữa xe “nội” và xe “ngoại” đã tạo nên cuộc chạy đua giảm giá, khuyến mại lớn nhất chưa từng có tại thị trường ôtô Việt Nam từ trước đến nay.
Tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực, doanh số tháng 1/2021 của thị trường ôtô nhiều khả năng sẽ bị giảm rõ rệt so với tháng 12/2020 khi chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước kết thúc. Do vậy, việc cạnh tranh giữa hai dòng xe lắp ráp và xuất khẩu sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Cũng theo đó, chuyên gia Trí Đức từ TD Motor dự đoán rằng thời gian tới các hãng xe nhập khẩu không có đại lý phân phối chính thức, độc quyền sẽ tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam.
Vì vậy, để giữ vững được thị phần, cạnh tranh được với xe nhập có ưu thế về thương hiệu, các hãng xe tại Việt Nam sẽ phải cắt giảm chi phí để giảm giá giá đồng thời nâng chất lượng xe để tạo lợi thế cạnh tranh.