Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 2/7/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, NHNN đã mua ròng trên 11 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 63,5 tỷ USD.
Tại Hội nghị ngành ngân hàng ngày 9/1/2019, ông Hưng chia sẻ, tính đến cuối năm 2018, NHNN đã mua ròng hơn 6 tỷ USD, nhưng không thông tin về dự trữ ngoại hối của Việt Nam là bao nhiêu. Được biết, cuối năm 2018, NHNN đã bán ra khoảng 6 - 7 tỷ USD để can thiệp thị trường.
NHNN mua vào 4 tỷ USD trong tháng 1/2019
Sau diễn biến căng thẳng của thị trường ngoại hối cuối năm 2018, thị trường ngoại hối tháng 1/2019 diễn ra ổn định. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đi ngang, hầu như bám sát tỷ giá mua vào của NHNN và đóng cửa ở mức 23.195 USD/VND, tương đương với mức cuối năm 2018. Hầu hết các yếu tố tác động đều hỗ trợ xu hướng ổn định của tỷ giá, nhất là khi NHNN chủ động điều chỉnh chính sách ngay từ đầu năm.
Kể từ năm 2016, khi chính thức áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, NHNN thường có xu hướng điều chỉnh tỷ giá mua nhằm tăng cường dự trữ ngoại hối và định hướng mặt bằng tỷ giá trong giai đoạn đầu năm mới. Nhưng ngay trong phiên giao dịch đầu năm 2019, NHNN đã nâng giá mua vào 500 điểm, lên 23.200 VND/USD.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tiền tệ một ngân hàng nước ngoài cho biết, động thái này đã giúp NHNN mua được hơn 4 tỷ USD trong tháng 1, bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại hối quốc gia (ước đạt trên 60 tỷ USD).
“Với việc tỷ giá duy trì ổn định, các ngân hàng thương mại cũng đã tiến hành hủy giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn thực hiện trước đó (tháng 11/2018), ước tính khối lượng hủy ngang vào khoảng 1 tỷ USD”, một lãnh đạo cao cấp của BIDV nhận định.
Bên cạnh sự chủ động của NHNN là cân đối cung - cầu ngoại tệ được duy trì thuận lợi. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào và lớn hơn nhiều so với nhu cầu ngoại tệ, cân đối này thể hiện rõ qua lượng lớn ngoại tệ được hút về NHNN.
Ngoài ra, các cấu phần cơ bản của cán cân thanh toán đều khả quan. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2019 thặng dư 0,82 tỷ USD, tăng 4,5 lần; giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,55 tỷ USD, tăng 48%; kiều hối gia tăng mạnh mẽ theo chu kỳ mùa vụ trước Tết, ước đạt 1,5 - 2,0 tỷ USD, tăng 50 - 60% so với cùng kỳ năm 2018.
“Trong khi đó, hoạt động đầu tư gián tiếp ghi nhận một thương vụ đáng chú ý từ Vietcombank, với giá trị ước tính gần 300 triệu USD. Trên thị trường chứng khoán, tâm lý đầu tư lạc quan hơn khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 50 - 100 triệu USD. Qua đó, ước tính chênh lệch cung - cầu cơ bản của nền kinh tế lên đến 3,8 - 4,0 tỷ USD, nghiêng về phía cung ngoại tệ”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Mặt khác, môi trường quốc tế đã hỗ trợ tỷ giá ổn định trong tháng 1/2019. Một phân tích của Nhóm Nghiên cứu, Ban kinh doanh vốn và tiền tệ, BIDV cho biết, trái với xu hướng tăng trong năm 2018, chỉ số đô la Mỹ (DXY) đã giảm 0,6% trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất và thể hiện thái độ “kiên nhẫn” hơn khi ra quyết định thắt chặt tiền tệ trong năm 2019. Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa trong thời gian dài kỷ lục do những mâu thuẫn về vấn đề ngân sách giữa hai Đảng cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về sức mạnh của đồng USD.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực hơn khi cả hai bên đều bày tỏ thiện chí giải quyết mâu thuẫn thông qua các cuộc đàm phán thương mại cấp cao. Mặc dù chưa có một thỏa thuận cụ thể nào được đưa ra, song những tín hiệu khả quan đã dần xuất hiện, góp phần giúp đồng nhân dân tệ (CNY) hồi phục 2,6% so với USD, đưa tỷ giá USD/CNY về mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Có thể tiếp tục mua vào USD trong tháng 2
4 tỷ USD được NHNN mua vào trong tháng đầu tiên của năm 2019 cho thấy, tỷ giá USD/VND trong tháng 1 duy trì ổn định với các yếu tố hỗ trợ đến từ chính sách điều hành của NHNN và cung - cầu ngoại tệ cơ bản của nền kinh tế trở nên dồi dào. Đà ổn định tỷ giá USD/VND được duy trì trong tháng 2, dao động trong biên độ 23.200 - 23.230VND/USD.
Về mặt chính sách điều hành, NHNN dự kiến chưa có thay đổi lớn. Theo đó, NHNN được kỳ vọng tiếp tục định hướng điều hành ổn định thị trường ngoại hối với mức biến động hợp lý, phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và diễn biến thị trường quốc tế.
Thị trường ngoại hối quốc tế dự kiến chưa có thay đổi đột biến với hai sự kiện nổi bật trong tháng 2 bao gồm: diễn biến tiếp theo của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đàm phán Brexit. Trong khi khả năng không đạt được thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU đang ngày càng lớn dần, thì kết quả của chiến tranh thương mại vẫn là ẩn số. Cả Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tiến hành đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận trước thời hạn Mỹ nâng mức áp thuế (dự kiến ngày 1/3/2019). Tuy nhiên, khả năng đạt được kết quả thay đổi đáng kể là không cao, khi những khác biệt giữa hai bên vẫn còn lớn.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, nhiều khả năng Mỹ sẽ dời thời hạn áp thuế với Trung Quốc thêm 2 - 3 tháng để hai bên tiến tới một thỏa thuận bền vững. Ngoài ra, việc trì hoãn áp thuế sẽ giúp Mỹ có thêm thời gian đánh giá nội tại của nền kinh tế, trong bối cảnh những rủi ro về tăng trưởng giảm tốc dần xuất hiện. Nếu điều này xảy ra, chỉ số DXY có thể dao động đi ngang quanh mức 95 - 97, tỷ giá USD/CNY dao động quanh mức 6,7 - 6,8.
Điểm đáng chú ý đó là cung - cầu ngoại tệ cơ bản của nền kinh tế khá cân bằng. Nhìn lại các năm trước, tháng 2 không phải là tháng ghi nhận nguồn cung ngoại tệ dồi dào và nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh. Về nguồn cung ngoại tệ, dự kiến trong năm nay, cán cân thương mại thâm hụt 300 - 400 triệu USD trong bối cảnh xuất khẩu điện thoại linh kiện đang có dấu hiệu giảm tốc.
Giải ngân FDI dự kiến ở mức 0,8 - 1 tỷ USD, trong khi chưa thấy các tín hiệu của các giao dịch M&A và thoái vốn lớn xuất hiện. Về cầu ngoại tệ, nhu cầu ngoại tệ mua kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá chưa tăng đột biến thời điểm sau Tết, trong bối cảnh tỷ giá diễn biến khá ổn định.
“Chênh lệch cung - cầu ngoại tệ khá cân bằng trong tháng 2 sẽ là một trong những cơ sở để NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối”, một lãnh đạo cao cấp NHNN nhận xét.