Huy động vốn tăng trưởng thấp hơn so với cho vay
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc phụ trách tiền tệ một ngân hàng cho biết, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi tăng mạnh vào cuối tháng 10 đã duy trì mặt bằng cao trong suốt tháng 11.
Kỳ hạn qua đêm dao động trong vùng 4,7-4,9%/năm, có lúc đạt tới 4,96%/năm - mức đỉnh trong vòng 5 năm gần đây; kỳ hạn 3 tháng đã vượt và duy trì ở mức trên 5%/năm trong suốt tháng 11, hiện ở mức 5,2%/năm - chỉ còn cách lãi suất trần huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng 30 điểm phần trăm.
Bình quân cả tháng, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 4,84%/năm, tăng 1,17 điểm phần trăm so với tháng trước và cao hơn 3,56 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2017, trong khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 4,99%/năm, tăng 0,45 điểm phần trăm so với tháng trước và cao hơn 0,82 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
“Khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 11 tăng mạnh 40% so với giá trị giao dịch của tháng trước, đạt mức 37.100 tỷ đồng và cao hơn 41,6% so với cùng kỳ năm trước”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhấn mạnh.
Các lãnh đạo ngân hàng đều chung nhận định, các yếu tố tạo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất vẫn chiếm ưu thế chủ đạo trong tháng 11/2018. Ví dụ, khối lượng OMO lưu hành duy trì ở mức cao gấp 1,6 - 2 lần khối lượng tín phiếu.
Nhiều yếu tố cùng xuất hiện khiến thanh khoản của các ngân hàng thương mại sụt giảm như yếu tố mùa vụ (tín dụng tăng trong khi huy động thường giảm vào những tháng cuối năm), mua ngoại tệ phục vụ nhu cầu thị trường và giải ngân vốn ngân sách tăng làm giảm lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước.
Trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 1.885 tỷ đồng. Trong đó, kênh tín phiếu có 2.100 tỷ đồng đáo hạn trong khi không có bất kỳ đợt phát hành nào. Trái lại, kênh mua bán kỳ hạn hoạt động mạnh với bình quân gần 11.000 tỷ đồng/ngày cho mỗi chiều bơm/hút. Tính chung lại, NHNN hút ròng qua kênh này 215 tỷ đồng.
Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại cũng cần chuẩn bị cho yêu cầu giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% hiện nay xuống còn 40% từ ngày 1/1/2019. Vì vậy, mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn sẽ đứng ở mức cao. Nhìn dài hơn, có một số yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định lãi suất.
Chẳng hạn, chỉ số CPI tháng 11 của Việt Nam đã giảm 0,29% so với tháng trước, nhưng tăng 3,46% so với tháng 11/2017 - thấp hơn khá nhiều mức mục tiêu là 4%; giá dầu sụt giảm mạnh trong suốt 2 tháng qua cũng giải tỏa bớt áp lực với lạm phát; Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có những phát biểu mềm dịu hơn đối với kế hoạch tăng lãi suất…
Một câu chuyện thường xuyên tiếp diễn vào giai đoạn cuối năm là thanh khoản trên thị trường tiền tệ tiếp tục dịch chuyển theo hướng tiêu cực khi mà chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND đã thu hẹp mạnh 60.000 - 70.000 tỷ đồng trong tháng 11, do huy động vốn VND tăng trưởng ở mức thấp hơn khoảng 1-1,2% % so với tốc độ tăng trưởng tín dụng VND.
Chưa kể, tâm lý thị trường duy trì trạng thái lo ngại, thận trọng với độ nhạy cảm cao trong bối cảnh rủi ro quốc tế vẫn có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, khi NHNN đã phải áp dụng biện pháp bán can thiệp có hủy ngang trong tháng 11 để ổn định tỷ giá.
Lãi suất VND vẫn “nóng”
Diễn biến thị trường cho thấy, lãi suất trên thị trường 1 (thị trường cho vay, cung cấp dịch vụ giữa ngân hàng với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…) tăng ở tất cả các kỳ hạn, mạnh nhất là ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, mức độ tăng lãi suất ở từng ngân hàng khác nhau nên chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại là khá lớn.
Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng hầu hết đã đẩy lên mức trần 5,5%/năm, trong khi kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng dao động trong khoảng 5,7-7,6%/năm, kỳ hạn 12-13 tháng dao động từ 6,8-8%/năm tùy vào từng ngân hàng.
Theo khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán, khoản tiền gửi từ 24 tháng trở lên và không có điều kiện về số tiền gửi tại Viet Capital Bank hiện đang có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,6%/năm. Tương tự với kỳ hạn 24 tháng trở lên tại TPBank có kèm điều kiện về mức tiền gửi, lãi suất bắt đầu từ mức 8%/năm trở lên.
Trong khi đó, VPBank vừa công bố nâng mức lãi suất tiết kiệm VND lên tới 8,5%/năm (với kỳ hạn từ 13 tháng) và 8,6%/năm (với kỳ hạn từ 18 tháng) thuộc sản phẩm Phát Lộc Thịnh Vượng áp dụng cho mọi khách hàng gửi tiết kiệm tại VPBank từ 7/12 đến hết ngày 26/12/2018.
Cùng trong nhóm ngân hàng có mức lãi suất từ 8%/năm trở lên, không yêu cầu về số tiền có BacA Bank, Eximbank, Viet Bank và Viet A Bank…, còn các ngân hàng như PVcomBank, SeABank… yêu cầu số tiền gửi lớn. Đặc biệt, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng tiến hành điều chỉnh tăng lãi suất gần đây như Vietcombank nâng mức lãi suất cao nhất từ 6,6%/năm lên 6,8%/năm.
Hay mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại BIDV là 6,9%/năm với tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng; 24 tháng và 36 tháng, trong đó đối với kỳ hạn 12 tháng chỉ áp dụng đối với số tiền lớn. Còn lãi suất cao nhất tại VietinBank là 7%/năm áp dụng cho kỳ hạn dài trên 36 tháng.
Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV dự báo, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng VND trong tháng 12/2018 về cơ bản vẫn khá căng thẳng, mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động quanh mức 4,5-4,8%/năm.
Chính sách điều hành của NHNN vẫn nhất quán với định hướng điều tiết cung tiền chặt chẽ, thận trọng, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm để thực hiện hai mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền.
Chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND có thể tiếp tục co hẹp khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng trong tháng 12 do tín dụng trong các tháng cuối năm thường có xu hướng tăng nhanh hơn huy động vốn, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn gia tăng theo chu kỳ và lượng tiền mặt ngoài lưu thông cũng có xu hướng tăng mạnh khiến cho huy động vốn sụt giảm.
Đặc biệt, một ẩn số khó lường trong diễn biến của câu chuyện thanh khoản đó là số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại và dự kiến sẽ biến động nhiều hơn trong các tháng cuối năm do nhu cầu chi tiêu ngân sách có xu hướng gia tăng. Nhất là trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư phát triển 11 tháng đầu năm mới chỉ đạt gần 60% kế hoạch. Trong khi đó, nguồn thu từ các giao dịch thoái vốn cổ phần không như kỳ vọng.
Giám đốc tài chính một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại miền Nam nhận định: “Vào dịp cuối năm, chỉ cần một số ngân hàng tăng lãi suất huy động lên cũng sẽ khiến các nhà băng khác phải nhập cuộc nhằm giữ chân khách hàng. Hiện nay, mức tăng xê dịch trong khoảng 0,2-0,3%/năm tùy mỗi ngân hàng và tình hình này dù không quá căng thẳng nhưng sẽ còn tiếp diễn qua Tết Nguyên đán”.