Số liệu tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 9/2018 được LienVietPostBank báo cáo đã đạt trên 13,5% (trên chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước giao là 14%). Tuy nhiên, LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng vẫn còn dư địa cho vay cuối năm do một số khoản vay lớn đến hạn thu hồi.
Nhà băng này đang lên kế hoạch cơ cấu lại cấu trúc tín dụng theo hướng giảm dần cho vay khách hàng lớn và tập trung vào đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là phân khúc khách hàng có lãi suất cho vay cao hơn, giúp cải thiện phần nào biên lợi nhuận (NIM) cho Ngân hàng.
Cuối năm là dịp doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần “tiếp sức” để đạt các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của cả năm, nhiều ngân hàng đã và đang “tung” ra nhiều gói vốn ưu đãi. Chẳng hạn, VPBank SME dành ưu đãi cho 30 khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên thực hiện combo giải ngân khoản vay tín chấp từ 250 triệu đồng trở lên.
Sacombank dành 10.000 tỷ đồng vốn cho doanh nghiệp dịp cuối năm nay. Lãi suất chỉ từ 6 - 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 8,5%/năm đối với khoản vay mua xe ô tô trung dài hạn... VIB tăng hạn mức vay mua xe lên tới 80%, với lãi suất từ 7,99%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Bảo Việt đang triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cá nhân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. BacA Bank ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động, lãi suất cho vay từ 8,3%/năm. MB công bố giải ngân gói 2.500 tỷ đồng từ nay đến hết năm 2018, với lãi suất hấp dẫn chỉ từ 7%/năm…
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính đến hết tháng 9/2018, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhiều ngân hàng đã sắp chạm trần Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tín dụng của Vietcombank đã tăng 15%, Vietinbank tăng 12%, HDBank tăng 14%; MB tăng 10%; LienVietPostBank tăng 13,5%, Kienlongbank tăng 11%, TPBank tăng 16,5%...
Tuy nhiên, trên bình diện toàn ngành, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 10/2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.
Với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ngay từ đầu năm 2018, Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cả năm nay ở mức 17%.
Tháng 8/2018, tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước khóa chặt room tín dụng đối với hầu hết các nhà băng, mà sẽ xem xét năng lực của từng ngân hàng để nới thêm room.
Mới đây, Techcombank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nới room tín dụng từ 14% lên 20%. Techcombank cho rằng, cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đó là lý do để Ngân hàng dành nguồn vốn lớn đáp ứng nhu cầu tăng mạnh vào dịp này. Với quyết định nới room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước, Techcombank sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp cuối năm tăng cao hơn so với các tháng trong năm và trước động thái tăng nhẹ lãi suất tiền đồng của các ngân hàng khiến nhiều người liên tưởng đến áp lực nguồn cung vốn.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động của các nhà băng tăng được nhiều chuyên gia lý giải một phần là theo chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD; một phần xuất phát từ việc các ngân hàng gia tăng huy động để giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 40% từ đầu năm 2019 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính, kinh tế nhận định, không chỉ cạnh tranh về lãi suất cho vay trong cuộc đua giành thị phần tín dụng, mà các ngân hàng thương mại đang ra sức huy động vốn, đặc biệt là thời điểm sau khi Fed quyết định nâng lãi suất đồng USD thêm 0,25%/năm trong tháng 9/2018.
Lãi suất huy động của ngân hàng nhỏ luôn được áp dụng ở mức cao hơn nhà băng lớn và còn có chính sách ưu đãi, khuyến mãi cộng thêm để hút vốn.
TS. Lịch cảnh báo, việc ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động có thể tiềm ẩn rủi ro lớn. Vốn huy động nếu không cho vay ra được sẽ làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng, nếu cho vay ra thì lãi suất đầu ra cũng không dễ tăng theo lãi suất huy động.