Chi phí sản xuất xe cao
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, hiện tại, chi phí sản xuất xe ô tô trong nước cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Từ năm 2018 thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ về 0%, tuy nhiên thuế linh kiện vẫn còn lớn hơn 0%, nên ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ rất khó khăn để cạnh tranh và tồn tại.
Đơn cử mẫu xe Toyota Vios, sản lượng sản xuất tại Việt Nam bằng 1/8 lần tại Thái Lan cũng khiến chi phí khấu hao thiết bị, máy móc như khuôn, đồ gá tại Việt Nam cao gấp nhiều lần, dù chi phí khả biến (vật liệu, gia công, nhân công) không có sự chênh lệch đáng kể.
Năm 2015, số xe bán tại thị trường Thái Lan gấp 4 lần tại Việt Nam, còn tại Indonesia là 5 lần. Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA cũng cho hay, so với Thái Lan hay Indonesia, quy mô thị trường và sản lượng sản xuất của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều. Đó là lý do chưa thể nội địa hóa được nhiều và khiến cho linh kiện nhập khẩu từ nước khác rẻ hơn linh kiện sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi sản lượng ô tô được đảm bảo, sản xuất linh kiện trong nước sẽ rẻ hơn linh kiện nhập khẩu.
“Chúng tôi đang hi vọng việc này sẽ sớm trở thành hiện thực”, ông Kinoshita nói.
Chi phí sản xuất xe tại Việt Nam cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Trong ngắn hạn, VAMA cũng kiến nghị giảm, bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập CKD từ năm 2018 cho tất cả các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện ô tô mà không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hoá. Đồng thời, cần có ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn.
Không đồng ý với quan điểm giảm thuế không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hóa, bà Nguyễn Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) nhận xét, trong 20 năm phát triển công nghiệp ô tô, chính sách thuế đã hỗ trợ ngành ô tô rất cao, thuế với linh kiện luôn thấp hơn so với nhập khẩu ô tô nguyên chiếc có khi tới 70%.
Cho rằng, “nếu không có điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp lắp ráp lại tháo các linh kiện để nhập rời và hưởng thuế ưu đãi linh kiện”, bà Hằng cũng đặt câu hỏi, các doanh nghiệp có thực sự muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa , muốn làm công nghiệp hỗ trợ hay không?
Vẫn đợi chính sách
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô về 0%, nhằm giúp các hãng sản xuất ô tô trong nước giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu khi thời điểm 2018 đã cận kề.
Tuy nhiên, điểm ràng để được hưởng ưu đãi này là phải đảm bảo đủ nhóm ba điều kiện khác gồm tỷ lệ tăng trưởng; sản lượng của hãng trong năm; sản lượng của mẫu xe đăng ký và tỷ lệ giá trị nội địa. Trong đó, sản lượng chung tối thiểu phải từ 34.000 xe trở lên từ năm 2018.
Theo bà Hằng, mục tiêu là phải giảm thuế có điều kiện và đến nay chính sách thuế với cả ngành ô tô đều đã có, nên cần tập trung tạo ra sự liên kết, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có chính sách hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp phụ trợ cung cấp linh kiện cho mình.
Dẫu vậy, chưa rõ khi nào chính sách thuế linh kiện mà Bộ Tài chính dự thảo sẽ được thông qua và có hiệu lực.
Cũng với quyết tâm phát triển thị trường ô tô bền vững, minh bạch, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và an toàn môi trường, ngày 31/5/2017, Bộ Công thương đã có tờ trình về Dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô.
Nhưng tại thời điểm giữa tháng 10 này, Dự thảo vẫn chưa được thông qua, dù hiệu lực thi hành được đặt ra là từ ngày 1/7/2017.
Dĩ nhiên, các doanh nghiệp không chỉ ngồi chờ mà đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm gia tăng sản lượng cũng như tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam.
Mạnh mẽ nhất phải kể tới ba doanh nghiệp là Công ty Ô tô Trường Hải, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Hyundai - Thành Công với những con số đạt được rất chi tiết. Công ty Ô tô Vinfast, tuy mới tham gia ngành ô tô cũng đã đặt mục tiêu có tỷ lệ nội địa hóa ngay khi ra sản phẩm là 40% và doanh số 100.000 ô tô ngay trong năm đầu tiên.
Nói về kiến nghị để công nghiệp ô tô Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn, đại diện Công ty Ô tô Trường Hải và Công ty Toyota Việt Nam đều thẳng thắn cho rằng, các chính sách cho ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ cần ổn định và động bộ trong thời gian tối thiểu 10 năm để thu hút các nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.