Thị trường ô tô “ồn ào” trước Nghị định 116

(ĐTCK) Trước thời điểm Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực, thị trường lại nóng lên với 2 luồng quan điểm trái chiều.

Ô tô nhập khẩu sẽ hẹp cửa vào Việt Nam?

Nghị định 116 quy định rõ điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô phải đảm bảo 2 yêu cầu. Thứ nhất, doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định 116.

Thứ hai, doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Cả hai điều kiện này đang “bó” nhà nhập khẩu tư nhân, bởi rất nhiều doanh nghiệp hiện không có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) cho biết, “cửa” của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân sẽ “hẹp” hơn, bởi Nghị định quy định nhiều yếu tố lớn với quy mô chặt chẽ.

“Là nhà phân phối ủy quyền đầu tiên của Mercedes-Benz tại Việt Nam, hiện chúng tôi đang làm thủ tục xin làm xưởng bảo hành, bảo dưỡng xe nhập khẩu tại Việt Nam”, ông Dũng cho hay.

Cùng chung nỗi niềm, lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Hà Nội cho rằng, quy định tại Nghị định 116 đang làm khó cho doanh nghiệp.

“Việc yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu đang làm lãng phí thời gian và làm tăng thêm chí phí cho doanh nghiệp”, vị này nói.

Thị trường ô tô “ồn ào” trước Nghị định 116 ảnh 1

Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) cho biết, với mỗi lô xe nhập khẩu có quy định phải kiểm tra về an toàn, khí thải, trong khi xe sản xuất trong nước chỉ quy định về an toàn, khí thải khi sản xuất loại xe mới…

“Tần suất phải kiểm tra an toàn, khí thải của xe nhập khẩu cao hơn nhiều so với xe trong nước. Điều này tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi nhập khẩu xe, bởi phải mất 2 tháng và khoảng 10.000 USD cho phí kiểm tra cho mỗi lô xe nhập khẩu”, ông Kinoshita nói.

Để tránh làm mất thời gian, cũng như tăng chí phí của các doanh nghiệp nhập khẩu, Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI) kiến nghị, Chính phủ Việt Nam chỉ nên áp dụng việc thử nghiệm cho mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe của lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành. 

Quy định chặt cho xe nhập khẩu là cần thiết?

Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất như Trường Hải, Thành Công lại có quan điểm khác. Đại diện Tập đoàn Thành Công cho rằng, các quy định nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, cũng như minh bạch hóa xuất xứ, nguồn gốc của các sản phẩm ô tô (bất kể là nhập khẩu hay sản xuất, lắp ráp trong nước).

Điều này là cần thiết để người tiêu dùng có cơ sở đối chiếu, kiểm tra nếu cần thiết, cũng như để các cơ quan chức năng, các bộ, ban ngành có thể quản lý hoạt động của doanh nghiệp một cách chặt chẽ.

Đơn cử, các quy định về yêu cầu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng và chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe tại Việt Nam là những yêu cầu tối thiểu để khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ bán hàng và sau bán hàng của các nhà phân phối xe nhập khẩu.

Nếu không có ràng buộc, khi xảy ra các vấn đề liên quan đến lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu có thể không cam kết thực hiện trách nhiệm triệu hồi của mình một cách trọn vẹn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Trường Hải thì cho rằng, hiện có sự bất cân xứng trong kiểm định chất lượng của xe trong nước và xe nhập khẩu. Cụ thể, sau khi kiểu loại ô tô sản xuất, láp ráp trong nước đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng, mỗi chiếc ô tô trước khi xuất xưởng phải được kiểm tra sự phù hợp các linh kiện (gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính an toàn, lốp, thùng nhiên liệu, vật liệu nội thất xe khách, vành hợp kim nhẹ) so với sản phẩm mẫu, kiểm tra từng ô tô trên dây chuyền thiết bị.

Nếu mỗi ô tô đó không có chứng nhận an toàn về linh kiện và đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định thì sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu xuất xưởng.

Trong khi đó, đối với ô tô nhập khẩu, khi tiến hành thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không cần phải thử nghiệm, chứng nhận về linh kiện... nghiêm ngặt như đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Xe nhập khẩu cũng chỉ thử nghiệm khí thải lần đầu tiên, điều này dẫn đến không thể kiểm soát được chất lượng linh kiện trên xe của lô xe tiếp theo so với lô xe đầu tiên. Đồng thời, tạo sự không bình đẳng giữa xe sản xuất lắp ráp và xe nhập khẩu. Do đó, Nghị định 116 quy định từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật là cần thiết.

Theo Trường Hải, việc chạy thử xe sau khi được sản xuất, láp ráp là một việc rất quan trọng, đảm bảo cho xe chất lượng ổn định trước khi xuất xưởng, nếu đường thử xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, không bố trí được các địa hình thử theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng.

Chẳng hạn, đường thử xe có chiều dài tối thiểu là 800m, bao gồm: Đường bằng phẳng 400m (200m để kiểm tra tăng tốc theo quy định, 200m còn lại thử các tính năng khác như kiểm tra số, ổn định lái…

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức mới đây, đại diện Bộ Công thương cho rằng, thực tế, nhiều loại xe nhập khẩu vào Việt Nam có chất lượng thấp hơn xe tiêu thụ nội địa, nên tại Nghị định 116 yêu cầu xe nhập khẩu bảo đảm chất lượng, an toàn vận hành bằng quy định có thêm chứng nhận của chính phủ nước ngoài, hoặc cơ quan chức năng nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, giới kinh doanh ô tô cho rằng, Nghị định 116 nhiều khả năng không có đường lùi. Nếu như vậy, thời hạn thi hành Nghị định quá gấp và doanh nghiệp đề nghị được giãn thời gian thi hành.

Ví dụ, với xe nhập khẩu từ châu Âu sang Việt Nam sẽ xem xét áp dụng khí thải euro 6. Châu Âu không có chứng nhận kiểu loại, chất lượng để nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu tính toán về thời gian sản xuất, vận chuyển, khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1, thì doanh nghiệp phải đặt hàng từ tháng 9 hoặc tháng 10, nên thời gian 45 ngày từ khi ban hành đến khi Nghị định có hiệu lực không phù hợp với ngành sản xuất ô tô. Theo quy định này, có những đơn hàng đã đặt hàng nhà máy ở nước ngoài thì nay không nhập khẩu được nữa. 

"Nghị định 116 tác động tới các doanh nghiệp trong ngành theo hướng tốt hơn về dài hạn, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng"

Đại diện Tập đoàn Hoàng Huy 

Tinh thần chung của Nghị định 116 là nâng cao tiêu chuẩn hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Các quy định đòi hỏi doanh nghiệp trong ngành ô tô cần có sự đầu tư thực sự về cơ ở vật chất, có năng lực tài chính. Điều này đương nhiên tác động tới các doanh nghiệp trong ngành theo hướng tốt hơn về dài hạn, làm cho thị trường minh bạch và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam.

Hoàng Huy là đơn vị kinh doanh xe ô tô từ xe du lịch tới xe tải 20 năm qua. Công ty đã thiết lập được quy trình căn bản trong hoạt động kinh doanh xe ô tô nói chung. Do vậy, khi Nghị định 116 ra đời, Hoàng Huy đã tập trung để hoàn thiện các quy định liên quan và sẵn sàng thực hiện theo các quy định từ ngày 1/1/2018 tới.

Để không xảy ra tình trạng xe hơi bị "mông má " khi về Việt Nam, đòi hỏi ý thức của phía doanh nghiệp cũng như các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Đối với các xe cao cấp, ví dụ với xe đầu kéo Mỹ International mà Hoàng Huy đang kinh doanh và khai thác, tôi khẳng định, không thể có hiện tương này.

Lý do là bởi phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng như hãng xe International quản lý vô cùng khắt khe mọi điều kiện, tiêu chuẩn về xe từ quá trình sản xuất cho tới tận tay người tiêu dùng. Hai bên cũng thiết lập các phương thức kiểm soát để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại nước sở tại, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Hải MInh – Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục