Thị trường nhà ở Hà Nội chưa thể đột phá nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường nhà ở Hà Nội sẽ chưa thể đột phá về nguồn cung trong tương lai gần.
Thị trường nhà ở Hà Nội đang trong giai đoạn giảm cung mạnh. Ảnh: Bình Minh. Thị trường nhà ở Hà Nội đang trong giai đoạn giảm cung mạnh. Ảnh: Bình Minh.

Với phân khúc căn hộ, theo Cushman & Wakefield Việt Nam, năm 2023, thị trường Hà Nội chứng kiến sự sụt giảm trong nguồn cung căn hộ, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu và tâm lý chờ đợi của khách mua. Trong quý IV/2023, thị trường căn hộ chào đón trên 2.900 căn mở bán, tăng 60% theo quý và tăng 50% theo năm. Nguồn cung mới đến từ các dự án trung cấp và cao cấp, phát triển bởi chủ đầu tư nước ngoài, Newlife (GIC), và chủ đầu tư lớn trong nước, Tập đoàn Masterise Homes. Các dự án Trung cấp tiếp tục chiếm ưu thế về nguồn cung mới trong năm 2023 với thị phần hơn 90%.

Tương tự với nguồn cung mới, lượng bán mới căn hộ Hà Nội giảm đáng kể, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước do biến động thị trường gây nên từ nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tác động của việc kiểm soát tín dụng đối với ngành bất động sản 2022. Tuy nhiên, quý IV/2023 chứng kiến sự cải thiện trong cả nguồn cung mới và lượng bán mới nhờ vào chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng của Nhà nước.

Đến quý IV/2023, giá sơ cấp trung bình đạt trên 2.300 USD/m2, tăng 9% theo quý và 27% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình tăng được ghi nhận một phần nhờ nguồn cung mới đến từ hai dự án mở bán mới Lumiere Evergreen và The Canopy Residence.

Trong thời gian tới, giá bán sơ cấp trung bình được dự báo sẽ tiếp tục tăng do thiếu vắng nguồn cung tương lai ở phân khúc bình dân và chi phí phát triển dự án liên tục tăng.

Trong năm 2024, nguồn cung mới được dự báo sẽ cải thiện với trên 9.300 căn được mở bán và tiếp tục tăng dần trong năm 2025 và 2026. Giai đoạn từ 2024 – 2026, Hà Nội có thể có thêm 36.000 căn hộ mới. Phần lớn nguồn cung tương lai dự kiến đến từ khu vực Ngoại ô (Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông, Hoài Đức, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì) được hưởng lợi từ các cơ sở hạ tầng mới.

Với phân khúc nhà liền thổ, năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong nguồn cung nhà liền thổ mới của Hà Nội với chỉ 310 căn được mở bán, giảm 89% so cùng kỳ năm trước do sự thận trọng của người mua về suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là năm ghi nhận số lượng nguồn cung bất động sản liền thổ thấp nhất trong giai đoạn 5 năm kể từ năm 2018. Trong đó quý IV/2023 chào đón 125 căn mở bán, tăng 50% theo quý và 17% theo năm. Hầu hết đều tập trung ở các khu vực ngoại thành như quận Hà Đông, huyện Thường Tín, và huyện Hoài Đức.

Về thanh khoản, tương tự nguồn cung mới, trong năm 2023, Hà Nội chỉ ghi nhận 261 căn nhà liền thổ được bán, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số thấp nhất về lượng bán nhà liền thổ của Hà Nội trong vòng 5 năm qua.

Giá sơ cấp bất động sản liền thổ của Hà Nội ghi nhận khá biến động trong năm qua do tình trạng khóa bảng hàng tại một số dự án do bị vướng mắc về vấn đề pháp lý hoặc một số dự án vẫn đang chờ tâm lý thị trường tốt hơn. Đến quý IV/2023, giá nhà liền thổ trung bình đạt 5.935 USD/m2, tăng 9% theo quý nhưng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sự thay đổi nhỏ theo quý trong giá sơ cấp nhà liền thổ là nhờ nguồn cung mới của các dự án đến từ khu vực ngoại thành.

Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, nguồn cung nhà liền thổ của Hà Nội dự kiến sẽ tăng trong năm 2024 nhưng sẽ không tương đương mức của năm 2022. Giai đoạn từ 2024 – 2026, Hà Nội sẽ có thêm 6.300 căn nhà liền thổ bổ sung vào nguồn cung mới. Các khu vực ngoại thành sẽ chiếm ưu thế về nguồn cung trong tương lai nhờ quỹ đất lớn và sự cải thiện trong cơ sở hạ tầng kết nối với khu vực nội đô. Một lượng nguồn cung đáng chú ý đến từ các khu đô thị tích hợp được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục