Thị trường năng lượng đã bước vào một kỷ nguyên mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các nhà phân tích, thông báo của Nga về lệnh cấm xuất khẩu dầu đối với các quốc gia tuân thủ trần giá của G7 là dấu hiệu mới nhất cho thấy, thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới cho thị trường năng lượng toàn cầu.
Thị trường năng lượng đã bước vào một kỷ nguyên mới

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, lệnh cấm này sẽ không có tác động ngắn hạn đến giá dầu, thị trường sẽ lấy tín hiệu từ dữ liệu và hành động cụ thể hơn là lời nói.

Cơ chế trần giá được đưa ra vào ngày 5/12/2022 yêu cầu các công ty kinh doanh hàng hóa sử dụng các dịch vụ của phương Tây như tuyến hàng hải, bảo hiểm và tài chính phải trả không quá 60 USD/thùng cho dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Theo công ty lọc dầu Neste của Phần Lan, dầu thô Ural hiện đang giao dịch quanh mức 50 USD/thùng.

Hôm thứ Ba (27/12), sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin cho biết rằng, từ ngày 1/2/2023, Nga sẽ ngừng cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu trong 5 tháng đối với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ mức trần. Một lệnh cấm riêng đối với các sản phẩm dầu tinh chế sẽ được công bố trong thời gian sắp tới.

Dan Yergin, Phó chủ tịch của S&P Global cho biết, bất chấp sự hoài nghi về việc liệu cơ chế trần giá có hiệu quả hay không, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tìm ra cách để giữ dầu lưu thông trên thị trường trong khi làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, kết quả là chúng ta có một “thị trường dầu mỏ bị chia rẽ, mang tính chính trị hơn”.

“Trong 30 năm qua, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã có một thị trường toàn cầu, trong đó dầu mỏ thay đổi khá nhiều dựa trên nền kinh tế, ngoại trừ Iran và Venezuela. Nhưng bây giờ, chúng ta có cái mà tôi gọi là thị trường dầu mỏ được phân chia, trong đó dầu của Nga không còn có thể đến thị trường lớn nhất của họ là châu Âu, mà đang chảy về phía Đông”, ông cho biết.

Các nước châu Âu đã chuyển hướng để tìm các nguồn cung cấp thay thế và các giải pháp an ninh năng lượng mới. EU đã nhập khẩu 14,4% dầu mỏ từ Nga trong quý III/2022, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 do EU tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, Na Uy, Ả Rập Xê Út và Iraq.

Hôm thứ Tư (28/12), phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết, lệnh cấm của Nga sẽ “không có ý nghĩa thực tế” đối với nền kinh tế của nước này.

Sophie Lund-Yates, nhà phân tích vốn cổ phần hàng đầu tại Hargreaves Lansdown cho biết, lệnh cấm sẽ càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nguồn cung. Ngoài ra, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu dầu mỏ, giá dầu thô có thể sẽ tiếp tục tăng.

“Ở một mức độ nào đó, lệnh cấm xuất khẩu đã được phản ánh trước, việc Nga sẵn sàng gây áp lực lên các quốc gia thực thi các chính sách không có lợi không phải là một chiến thuật mới hay bất ngờ. Cú sốc về giá dầu mà chúng ta chứng kiến hôm nay không tệ như nó có thể xảy ra và có khả năng sẽ dịu xuống, ít nhất là một phần trong những tuần tới”.

Bill Weatherburn, chuyên gia kinh tế hàng hóa tại Capital econom đồng ý rằng, tác động thị trường ngay lập tức sẽ bị hạn chế do động thái này đã được Nga nhắc tới trong thời gian trước đó.

Ông cũng cho biết, điều này sẽ xảy ra vì Mỹ và châu Âu đã cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga, và dầu thô Urals vẫn giao dịch dưới 60 USD/thùng, vì vậy Ấn Độ và Trung Quốc có thể tiếp tục nhập khẩu mà không vi phạm trần giá.

Giai đoạn biến động

Nhà phân tích Bob McNally của Rapidan Energy Group nhận định rằng, những vấn đề xung quanh lệnh cấm vận của EU đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, cơ chế trần giá và lệnh cấm xuất khẩu của Nga sẽ là những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến nguồn cung trong năm tới và đưa ra một kịch bản “hoàn toàn mới”.

Ông dự kiến thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục biến động vào năm 2023 và những năm tiếp theo. Hợp đồng tương lai giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 84 USD/thùng, gần với mức bắt đầu của năm nay, nhưng đã đi trên một chuyến tàu lượn siêu tốc trong năm khi đạt gần 140 USD/thùng vào tháng 3 và quay lại mức tăng trên 120 USD/thùng vào tháng 6.

Ông tin rằng, thị trường đang kết thúc giai đoạn suy thoái kéo dài khoảng 7 năm được đặc trưng bởi tình trạng cung vượt cầu và đang ở giai đoạn bùng nổ kéo dài nhiều năm mới với nhu cầu mạnh hơn dự kiến. Điều đó sẽ diễn ra trong bối cảnh những bất ổn lớn về địa chính trị và kinh tế vĩ mô, và OPEC+ sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng thị trường.

Với việc Nga vẫn là nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế lớn nhất thế giới, tác động của lệnh cấm vận mới có thể rất lớn.

Nhưng hiện tại, thị trường có tâm lý như “cậu bé chăn cừu” sau những cảnh báo rằng nguồn cung của Nga sẽ bị cắt vào tháng 3/2022 khiến giá tăng vọt nhưng không thành hiện thực.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục