Thị trường mới nổi: Điểm hút dòng tiền năm 2017

(ĐTCK) Harding Loevner Frontier Emerging Markets Fund là một trong những quỹ nổi tiếng chuyên đầu tư vào các nền kinh tế nhỏ, có tốc độ phát triển nhanh như Philippines và Colombia. Giám đốc quỹ này ưa chuộng các công ty có tiềm năng nhưng hiện bị đánh giá thấp, với tài chính lành mạnh và được hưởng lợi từ sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu.
Thị trường mới nổi: Điểm hút dòng tiền năm 2017

“Chúng tôi tin vào đà tăng trưởng trong dài hạn của các thị trường mới nổi nhờ các giá trị hấp dẫn, quá trình cải cách, giá cả hàng hóa phục hồi và dòng tiền đầu tư lành mạnh”, Luca Paolini, chiến lược gia trưởng tại Pictet Asset Management cho biết.

Đây không chỉ là nhận định riêng của Luca Paolini, thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, các thị trường mới nổi sẽ trở thành điểm hút dòng tiền năm 2017.

Những cơn gió thuận chiều

Trong năm nay, các thị trường mới nổi trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trên toàn cầu, bởi khu vực này đang được hỗ trợ tích cực bởi những “cơn gió” thuận.

Nơi duy nhất tăng trưởng

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của mình, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,1% năm 2016 và 3,4% năm 2017.

Nguyên nhân chính là các nền kinh tế phát triển tiếp tục trong tình trạng ảm đạm, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự báo, châu Âu vật lộn vì quá trình xử lý các bất ổn chính trị, bao gồm nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit và việc bầu cử tại một số quốc gia trong khối. Nhật Bản vẫn trong cảnh giảm phát.

Do đó, nếu muốn tìm kiếm sự tăng trưởng, nơi duy nhất nhìn thấy là các thị trường mới nổi.

Giá cả hàng hóa phục hồi

Rất nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế đã đưa ra nhận định, giá dầu thô, kim loại và các loại nguyên liệu khác đã chạm đáy. Trong số đó có huyền thoại giao dịch hàng hóa Jim Rogers, người tin rằng, giá dầu và các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Nga đều đã chạm đến mức đáy.

Bên cạnh đó còn có Moody’s với báo cáo cho rằng, dù nhiều cổ phiếu liên quan tới thị trường hàng hóa vẫn trong đà giảm, nhưng nhìn chung giá cả các loại hàng hóa đã cao hơn. Đối với các nền kinh tế phát triển, nơi động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào thị trường này, đây rõ ràng là một tin tốt.

“Áp lực giảm mạnh nhất đối với giá cả hàng hóa đã chấm dứt”, Thomas Clarke, nhà quản lý quỹ William Blair Macro Allocation Fund cho biết. Đa phần các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới dự báo giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng 50 – 59 USD/thùng trong năm 2017, so với mức dưới 47 USD/thùng năm 2016, theo khảo sát của Blue Chip Economic Indicators. Yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho các nhà sản xuất dầu mỏ như Nga, quốc gia được kỳ vọng sẽ trỗi dậy sau cơn khủng hoảng trong năm tới.

Thị trường mới nổi: Điểm hút dòng tiền năm 2017 ảnh 1

Tin tốt cho nước Nga cũng sẽ là tin tốt cho Sberbank. Ngân hàng thương mại lớn nhất nước Nga này đang sở hữu 40% các khoản nợ thẻ tín dụng, 50% khoản thế chấp bất động sản và 1/3 các khoản nợ doanh nghiệp, theo Jonas Krumplys, Giám đốc Ivy Emerging Markets Equity Funds.

Nói cách khác, Sberbank “quá lớn để sụp đổ”, chưa kể, cổ đông chính của nhà băng này là Ngân hàng Trung ương Nga. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà băng này khá rẻ, hiện đang giao dịch ở mức 6,6 lần lợi nhuận dự kiến năm 2017.

Giá dầu lao dốc cũng khiến United Overseas Bank (UOB) bị tổn thương trong những năm gần đây. Các khoản nợ thuộc lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt đã đè nặng lên giá cổ phiếu của nhà băng Singapore này, với giá cổ phiếu giảm 32% so với năm 2014. Tuy nhiên, Thomas Shrager, người quản lý quỹ Tweedy, Browne Global Value Fund cho rằng, mối lo ngại về tác động của việc phá sản ở lĩnh vực dầu mỏ đã qua.

UOB hiện đang có bảng tài chính lành mạnh và tăng trưởng dư nợ khoảng 5% trong năm 2016. Bên cạnh đó, dù là ngân hàng đa quốc gia, UOB vẫn tập trung chủ yếu vào thị trường Đông Nam Á, nơi nhà băng này đang giữ vị trí thứ 3 về doanh thu.

“Lý do chính chúng tôi quan tâm tới UOB là bởi châu Á đang tiếp tục phát triển nhanh hơn so với phương Tây”, Shrager cho biết.

Dòng tiền đổ vào

Một báo cáo gần đây của Thomson Reuters Lipper cho thấy, thị trường chứng khoán tại các nền kinh tế mới nổi là điểm đến thông dụng nhất của các nhà đầu tư châu Âu trong tháng 9/2016, với khoảng 4,5 tỷ USD đổ vào các thị trường này. Bên cạnh đó, hơn 2,6 tỷ USD cũng đã đổ vào thị trường trái phiếu tại khu vực này.

Cùng lúc, báo cáo dòng tiền quỹ đầu tư của Mỹ cho thấy, các quỹ ETF thị trường mới nổi duy trì là nhà vô địch trong số các quỹ ETF trên toàn cầu về dòng tiền mới thu hút được, với 1,8 tỷ USD trong tháng 9. Rõ ràng, nhà đầu tư đánh giá cao các thị trường mới nổi hơn so với những khu vực khác.

Tổng thống mới của nước Mỹ không “gây hại”

Mới nhìn, việc tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ dường như là một tin xấu đối với chứng khoán tại các thị trường mới nổi. Lãi suất tăng lên và đồng USD mạnh hơn sau chiến thắng của ông Trump khiến dòng tiền nhanh chóng rút ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển. Và nếu vị tổng thống mới này kiên quyết mạnh tay với các thỏa thuận thương mại như những phát ngôn trong chiến dịch tranh cử của mình, các nền kinh tế có mối quan hệ xuất nhập khẩu trực tiếp với nước Mỹ sẽ bị tổn thương.

Thị trường mới nổi: Điểm hút dòng tiền năm 2017 ảnh 2

Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn, mối lo sợ xuất phát từ Tổng thống Trump có thể “tạo cơ hội đối với chứng khoán tại các thị trường mới nổi”, Scott Klimo, giám đốc đầu tư tại Saturna Capital cho biết. Ngay sau khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ được công bố, cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đã giảm 5%. Vào cuối tháng 11/2016, P/E tương lai của các cổ phiếu này, dựa vào mức thu nhập trung bình 5 năm thấp hơn 30% so với mức trung bình trong dài hạn.

David Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu của JPMorgan Funds cho rằng, đối với các mối liên kết thương mại, ông Trump sẽ không thể làm “mạnh” như những phát ngôn của mình. Và nếu vị tổng thống này có thể tiếp tục nới lỏng, thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn, thông qua việc giảm thuế và tăng chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, điều này sẽ tạo ra lợi ích tích cực cho các nền kinh tế mới nổi có hoạt động xuất khẩu sang phương Tây.

2 ngôi sao châu Á

Nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại các thị trường chưa được đánh giá đúng mực nên để ý tới Việt Nam và Ấn Độ. Đây là cách gia tăng khả năng thu lợi lớn, đồng thời bước sâu hơn vào thị trường mới nổi và cận biên nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Việt Nam chưa được đánh giá đúng

Rob Lutts, Chủ tịch và Giám đốc đầu tư Cabot Wealth Management, hiện quản lý 546 triệu USD tài sản, cho biết: “Bạn sẽ muốn nhắm tới các khu vực có sự tăng trưởng mạnh của tầng lớp trung lưu. Nếu tôi cần phải đầu tư vào thứ gì đó với mục tiêu gia tăng gấp đôi số vốn hiện tại trong 3, 4 năm tới, các thị trường mới nổi và cận biên sẽ là khu vực tôi muốn bỏ tiền vào, bởi tốc độ tăng trưởng vững chắc tại đây”.

“Việt Nam có thị trường vốn đang trở thành tâm điểm và quốc gia này được hưởng lợi nhờ những vấn đề mà Trung Quốc đang gặp phải. Có rất nhiều công ty nước ngoài hiện không muốn kinh doanh tại Trung Quốc hoặc bị chính phủ quốc gia này gây khó khi hoạt động tại đây”, Lutts cho biết.

Gần đây, CEO Netflix Reed Hastings cho biết, hãng dịch vụ streaming này sẽ chưa sớm bước chân vào thị trường đông dân nhất thế giới.

“Thị trường này trông không tốt lắm. Chúng tôi không bị Trung Quốc thu hút, thay vào đó, chúng tôi thực sự tập trung vào phần còn lại của thế giới. Có rất nhiều cơ hội cho chúng tôi tại Ấn Độ, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Mỹ Latinh và Việt Nam”, Hastings cho biết.

Thị trường mới nổi: Điểm hút dòng tiền năm 2017 ảnh 3

Các công ty toàn cầu khác như công ty mẹ của Google là Alphabet, Apple đều đang gặp những rắc rối tại Trung Quốc hoặc một số khác đang tìm cách thu nhỏ bớt hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường này.

Trong khi đó, Việt Nam là thị trường ngày càng bộc lộ sức hấp dẫn, với khoảng 95 triệu người, phần lớn là dân số trẻ khi gần 95% dân số dưới độ tuổi 65. Năm 2015, GDP Việt Nam đạt gần 195 tỷ USD, mức tăng trưởng hàng năm vào khoảng 6,7%, theo GSO, tương đương với Trung Quốc.

Hiện tại, một số quỹ ETF tại Mỹ đã cho phép nhà đầu tư được bỏ thêm các cổ phiếu Việt Nam vào danh mục đầu tư của mình. Trong số đó, có VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM), quản lý 332,6 triệu USD; Gugggenheim Frontier Markets ETF (FRM), với 7% danh mục đầu tư vào Việt Nam và iShares MSCI Frontier 100 Index Fund (FM), cho phép nhà đầu tư đầu tư khoảng 4% vào Việt Nam.

Sức mạnh Ấn Độ

Tại Ấn Độ, quốc gia với dân số hơn 1 tỷ người, sự thay đổi ở cấp lãnh đạo cao nhất đã tạo nên sức hút lớn hơn đối với nhà đầu tư quốc tế.

Kể từ khi giữ chức Tổng thống Ấn Độ năm 2014, ông Narendra Modi đã thực hiện nhiều chính sách cải cách, cả về kinh tế và chính trị, khiến môi trường kinh doanh trở nên thân thiện hơn. Cho tới nay, các biện pháp này đã phần nào phát huy tác dụng.

Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với GDP danh nghĩa khoảng 2,29 nghìn tỷ USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đạt 7,5%, vượt qua Trung Quốc. Năm 2016 và 2017, con số này dự báo vào khoảng 7,6% và 7,7%. Kết quả này có được phần lớn nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và các cải cách mà ông Modi đã thực hiện.

Ông Modi từng tuyên bố rằng, mục tiêu của ông là đưa Ấn Độ vào Top 25 thị trường thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, bước nhảy vọt so với thứ hạng 142 năm 2014, theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB).

“Ông Modi chưa thể đưa Ấn Độ tiến tới mức độ này, nhưng ông ấy đang tạo đà và chúng tôi sẽ đổ nhiều tiền hơn nữa nếu quốc gia này có thể lọt vào Top 50”, Lutts cho biết.

Một trong những quỹ ETF nổi tiếng tại Ấn Độ là iShares MSCI India ETF, đang quản lý 4,1 tỷ USD tài sản.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục