
Thận trọng
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long mới đây, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT cho biết, Mỹ là thị trường chiến lược, đóng góp 9% doanh số và 16% cho tổng lợi nhuận của Tập đoàn. Vậy nên, trước thông tin Mỹ hoãn mức thuế quan 46% đối với Việt Nam, ông Thọ có cái nhìn tích cực, nhưng thận trọng.
Theo ông Thọ, chắc chắn thuế quan sẽ khiến tình hình kinh doanh khó khăn hơn. Những biến động chuỗi cung ứng liên quan đến các mức thuế quan của chính quyền Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Thiên Long.
Giữa bối cảnh thương chiến nóng lên, lãnh đạo Thiên Long đánh giá, môi trường kinh doanh quốc tế hiện nay rất thách thức, nhưng mục tiêu đến năm 2030, Công ty đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng vẫn khả thi. Riêng với thị trường xuất khẩu, Thiên Long vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng 22% trong năm nay.
Cũng tại ĐHĐCĐ, Tổng giám đốc Thiên Long tiết lộ, Công ty đang tiến rất gần đến việc chốt một thương vụ M&A. Dù vậy, vị này khẳng định, Thiên Long sẽ không tăng trưởng bằng mọi giá trong bối cảnh thế giới biến chuyển phức tạp, mà sẽ xem xét rất kỹ tính phù hợp của từng thương vụ.
Còn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhiều thông tin đồn đoán trong giới cũng đang ngóng chờ các thương vụ M&A tỷ đô đình đám trong mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới. Điển hình, Vietcombank dự kiến bán 6,5% vốn cho tối đa 55 nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tối đa 5.431 tỷ đồng. Việc chào bán có thể thực hiện theo một hoặc nhiều đợt chào bán trong năm 2025 - 2026. Thời điểm và số lượng cổ phiếu chào bán cụ thể của từng đợt chào bán sẽ căn cứ theo thực tế nhu cầu mua của nhà đầu tư. Thông tin cụ thể về thương vụ sẽ được ngân hàng công bố vào Đại hội cổ đông thường niên, dự kiến diễn ra vào sáng ngày 26/4.
Hay như tại VIB, sau khi cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) rút vốn, room ngoại còn trống khoảng 25%. VIB đang tìm kiếm đối tác mới. HĐQT VIB đang trao đổi với các ngân hàng, quỹ đầu tư, đơn vị tư vấn để tìm kiếm một hoặc một số đối tác thích hợp, đảm bảo được giá tốt nhất, có thể hỗ trợ thêm về huy động vốn, công nghệ…
Tại MB, sau khi ngân hàng này nhận chuyển giao OceanBank và đổi tên thành Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam hiện đại (viết tắt là MBV), cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng, không loại trừ bán 100% cho nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia dự báo, giai đoạn 2025-2026, M&A lĩnh vực bất động sản sẽ chứng kiến sự đổ bộ của nhà đầu tư đến từ châu Á |
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, khi nội lực còn đang “hụt hơi”, thị trường M&A giai đoạn 2025-2026 được Cushman & Wakefield dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến sự đổ bộ của những “tay chơi” chủ chốt đến từ châu Á như Singapore, Malaysia. Nhiều khả năng các tay chơi đó sẽ tiếp tục “chiếm sóng” thị trường, họ ráo riết săn quỹ đất sạch, chất lượng và pháp lý hoàn chỉnh, nhằm khai thác tiềm năng sinh lời dài hạn, gây áp lực cạnh tranh không nhỏ lên doanh nghiệp nội.
Đáng chú ý, sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư đã tạo được niềm tin mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế. Một làn sóng M&A tiềm năng đang hình thành khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực thăm dò thị trường.
Đồng thời, bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng gia tăng sức hấp dẫn của bất động sản văn phòng và công nghiệp Việt Nam, tạo động lực lan tỏa đến phân khúc thương mại. Đây chính là lực đẩy quan trọng, được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng chảy của thị trường.
Thị trường toàn cầu chật vật
Tại cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, năm 2025, trọng tâm là tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án để hút vốn đầu tư và tạo đột phá cho thị trường M&A. Bộ tài chính đang tham mưu Chính phủ và đề xuất Quốc hội thông qua các luật sửa đổi quan trọng như Luật Đầu tư công (sửa đổi); các luật về đầu tư, quy hoạch, đấu thầu, PPP. Sự đồng bộ giữa các luật này và các luật liên quan đến bất động sản được kỳ vọng sẽ hồi sinh các dự án, tăng tính thanh khoản và hiệu quả cho toàn thị trường M&A, nhất là lĩnh vực bất động sản.
Chưa biết kết quả và thời điểm các thương vụ nói trên sẽ ra sao, nhưng đó là tín hiệu vui cho thị trường M&A Việt Nam. Bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu đã làm chao đảo thị trường M&A và chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vốn đang chật vật để phát triển trong năm nay. Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng với tất cả đối tác thương mại (hôm 2/4, giờ địa phương), hàng tỷ USD giá trị các thương vụ đã bị hoãn lại.
Điển hình, công ty công nghệ tài chính Klarna Bank (Thụy Điển) và nền tảng giao dịch tài chính eToro (Israel) đều dừng kế hoạch IPO tại Mỹ. Ngoài ra, ngân hàng số Chime, nền tảng bán vé trực tuyến StubHub, công ty công nghệ quảng cáo MNTN, hãng bảo hiểm Ategrity Specialty, công ty thiết bị y tế Medline Industries cũng hành động tương tự.
Trước đó, Klarna Bank đã chuẩn bị thủ tục IPO để huy động 1 tỷ USD dựa trên mức định giá 15 tỷ USD. Trong khi đó, Medline Industries dự kiến huy động 5 tỷ USD dựa trên mức định giá 50 tỷ USD.
Tại Pháp, nhà sản xuất vật liệu xây dựng Saint-Gobain quyết định hoãn thương vụ bán bộ phận sản xuất kính ô tô trị giá khoảng 2,5 tỷ euro. Công ty quản lý tài sản KKR của Mỹ rút khỏi một nhóm nhà đầu tư đang thảo luận kế hoạch thâu tóm Gerresheimer, công ty sản xuất bao bì dược phẩm và mỹ phẩm của Đức có giá trị thị trường khoảng 2 tỷ euro.
Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân 3i Group (Anh) cũng tạm dừng thương vụ bán lại MPN, nhà cung cấp thức ăn cho thú cưng, có giá trị hơn 600 triệu USD.
Các quyết định trên đưa ra trong bối cảnh điều kiện thị trường trở nên xấu đi rõ rệt, với thị trường chứng khoán Mỹ trải qua các phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ Covid-19 do mối lo ngại thuế quan.
Hầu hết các nhà thu xếp, môi giới thương vụ đều nhận định, trong môi trường hiện nay, rất khó để hoàn tất bất kỳ thỏa thuận nào vì chi phí nợ dự kiến tăng và khó xác định mức định giá của các công ty. Xu hướng này có thể kìm hãm khả năng huy động vốn và đầu tư của các công ty, làm chậm lại thêm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó tổng giám đốc, Trưởng bộ phận tư vấn doanh nghiệp (Grant Thornton Việt Nam), bất kỳ nguyên nhân nào dẫn đến một hoặc cả hai bên (mua và bán) không đáp ứng được kỳ vọng/mục tiêu giao dịch đều có thể trở thành “yếu tố phá vỡ giao dịch”.
Bức tranh thị trường ảm đạm hiện tại trái ngược với kỳ vọng lạc quan của các ngân hàng đầu tư ở phố Wall về sự hồi sinh các hoạt động M&A và IPO sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái.
Các ngân hàng của Mỹ như JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Bank of America đang cân nhắc hạ dự báo doanh thu ở mảng tư vấn M&A và IPO, có thể cắt giảm việc làm ở mạng này trong nửa cuối năm nay nếu môi trường kinh doanh không được cải thiện.
Thị trường toàn cầu bước vào giai đoạn biến động và khó lường hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa nhu cầu bị dồn nén, lượng tiền mặt dự trữ dồi dào, tài sản lành mạnh và một lượng nợ phù hợp… cho thấy các giao dịch chỉ đang chững lại sau cú sốc thuế quan của Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường M&A có thể ấm lên trong thời gian tới, bởi còn nhiều dư địa cho đàm phán và hạ nhiệt căng thẳng. Khi Mỹ hoãn áp mức thuế cao đã “đe dọa” trước đó trong 90 ngày cho các nước có thiện chí đàm phán để cân bằng thương mại với các nước này. Thị trường sẽ chứng kiến các tên tuổi M&A dẫn dắt thị trường, quyết liệt đổi mới mô hình kinh doanh, định giá hợp lý và tìm kiếm cơ hội phù hợp. Quan trọng hơn, khi các cuộc đàm phán thuế quan giữa các nước đối tác thương mại với Mỹ dần “ngã ngũ”, thị trường sẽ định hình rõ nét hơn.
Các bên không thể trụ được trong áp lực thuế và chi phí mới, có thể sẽ phải bán lại, trong khi một số thị trường “thoát hiểm” thành công trong đợt này sẽ có cơ hội thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
Đối với các nhà môi giới và tư vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực M&A, thị trường biến động cũng là cơ hội để họ ứng dụng công nghệ và sự nhanh nhạy của mình, thiết lập lại trật tự thị trường dựa trên lợi thế cạnh tranh về khả năng ứng phó, thích nghi, tồn tại và phát triển.