Thị trường lao động trước áp lực tinh giản bộ máy

Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8-10%, là tiền đề thúc đẩy thị trường lao động tiếp tục bứt phá.
Ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê)

Ông có thể cho biết đánh giá của mình về thị trường lao động năm 2024?

Năm 2024, lực lượng lao động của nước ta là hơn 53 triệu người, tăng khoảng 575.400 người so với năm 2023. Trong đó, lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2023 tăng 0,8 điểm phần trăm). Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường ít hơn số gia nhập, tái gia nhập, nên đã giải quyết việc làm cho khoảng 51.900.000 người lao động, tăng hơn 585.000 người (tăng 1,14%). Đây cũng là số lao động có việc làm cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong năm qua, có 233.400 doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, trong khi có chưa đến 198.000 đơn vị ngừng, tạm ngừng, giải thể; hoạt động xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục và du lịch tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là khách quốc tế, với khoảng 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm 2023, kéo theo hàng loạt hoạt động kinh doanh như nhà hàng, ăn uống, lưu trú, giải trí... phát triển, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm. Cụ thể, số lượng người thiếu việc làm trong năm giảm 74.400 người so với năm trước; tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,24%.

Theo quan sát, ông có nhận thấy, thị trường lao động quý IV/2024 là một trong những quý khởi sắc nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra?

Đánh giá về hoạt động sản xuất, kinh doanh 3 tháng cuối năm 2024, 77,3% số doanh nghiệp cho biết, giữ ổn định và tốt hơn 3 tháng trước đó. Tại thời điểm 1/12/2024, chỉ tính riêng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đã tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước, tăng ở cả 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước tăng 0,3%; tư nhân tăng 1,9%; doanh nghiệp FDI tăng 3,7%.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tăng lên trong những tháng cuối năm do có nhiều sự kiện, lễ lớn. Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý IV/2024 duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhờ đó, tình hình thiếu việc làm giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người thiếu việc làm khoảng 764.600 người, giảm tới 98.800 người so với quý III/2024 và giảm 142.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số liệu thống kê cho thấy, quý IV/2024 là quý thấp nhất cả về số lượng và tỷ lệ thiếu việc làm của nước ta kể từ sau Covid-19 đến nay.

Có việc làm, nhưng thu nhập của người lao động có được cải thiện không, thưa ông?

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2024 là 8,2 triệu đồng, tăng 550.000 đồng so với quý trước và tăng 890.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Quý IV năm qua, đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt. Thông thường, những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động cao hơn so với quý trước, đời sống của người lao động được cải thiện hơn. So với quý trước, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2024 gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (quý IV/2024 tăng 7,5%; cùng kỳ năm 2023 tăng 2,5%). Theo quan sát của Tổng cục Thống kê, thông thường những tháng cuối năm, doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng lao động nhiều hơn, đơn hàng nhiều hơn, nên thu nhập của người lao động tăng. Có thể nói, mức tăng năm 2024 rất ấn tượng.

Đáng kể là, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong năm qua tăng ở hầu hết các ngành kinh tế, trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,5 triệu đồng, tăng 12,5% (tăng 1,3 triệu đồng); ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,8 triệu đồng, tăng hơn 11% (tăng 1,3 triệu đồng)... Ngay cả ngành chưa hết khó khăn là khai khoáng và bất động sản, thu nhập của người lao động cũng đạt tương ứng 11,2 triệu đồng/tháng và 11,7 triệu đồng/tháng, cùng tăng tương ứng 9,2% so với năm 2023.

Ông dự báo ra sao về thị trường lao động năm 2025?

Thị trường lao động năm 2025 được sự hậu thuẫn bởi năm 2024 rất tốt, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%...

Với tiềm năng này, đáng ra, thị trường lao động năm 2025 phải tốt hơn năm 2024, nhưng ngược lại, theo tôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là thực hiện tinh giản bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp, sáp nhập đầu mối, nên sẽ có một lực lượng lớn công chức, viên chức ở bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị… nghỉ hưu trước tuổi. Những người rời khỏi bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến tận cấp xã phường “trẻ đã qua, già chưa tới” nên có nhu cầu tìm việc làm mới.

Vì vậy, cùng với việc tinh giản bộ máy, cần thêm cơ chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn nữa để đối tượng này khởi nghiệp, tự kinh doanh tạo thu nhập; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút lực lượng lao động rời khỏi bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công.

Để giải quyết bài toán này, Nghị quyết 01/NQ-CP nhấn mạnh việc hỗ trợ người lao động mất việc làm ổn định cuộc sống; hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới; tăng cường kết nối cung cầu, phát triển mạnh thị trường lao động. Trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động theo Chỉ thị số 20-CT/TW phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động cũng là một giải pháp.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục