Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường liên tục biến động với những phiên tăng giảm xen kẽ và trong phiên sáng 8/12, VN-Index cũng đã đảo chiều hồi phục sau phiên điều chỉnh giảm hôm qua (ngày 7/12). Tuy nhiên, giao dịch thận trọng của cả bên mua và bán khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ.
Bước sang phiên chiều, thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm trước sự phân hóa chung của các nhóm ngành, ngoại trừ một số điểm sáng nhỏ lẻ, và chỉ số VN-Index vẫn duy trì biên độ tăng hẹp trong khoảng 5 điểm.
Sự mất kiên nhẫn của bên bán đã khiến thị trường quay đầu sau thời điểm 14h và chỉ số VN-Index lùi dần đều về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, ngay khi chỉ số này để thủng mốc 1.120 điểm, lực cầu gia tăng trong đợt khớp lệnh ATC đã giúp thị trường thoát hiểm thành công.
Chỉ số VN-Index đã test thành công mốc 1.120 điểm trong phiên cuối tuần và ghi nhận mức tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường chung phân hóa mạnh. Diễn biến VN-Index cho thấy thị trường vẫn đang đi tìm vùng cân bằng, chưa thoát khỏi giai đoạn tích lũy và trong trạng thái chưa rõ ràng này, thị trường có thể sẽ có thêm những nhịp điều chỉnh.
Đóng cửa, sàn HOSE có 283 mã tăng và 221 mã giảm, VN-Index tăng 2,95 điểm (+0,26%) lên 1.124,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 819,1 đơn vị, giá trị 17.742,56 tỷ đồng, giảm 38,35% về khối lượng và 35,36% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 81,49 triệu đơn vị, giá trị 2.035,12 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phân hóa với số mã tăng giảm cân bằng, đều có 13 mã, tuy nhiên chỉ số nhóm này đóng cửa tăng hơn 3,5 điểm, nhờ sự đóng góp của bộ 3 lớn là MSN, MWG và BID khi kết phiên tăng hơn 3-4%.
Trong đó, BID đóng cửa tăng 3,2%, đã đóng góp hơn 1,68 điểm cho chỉ số chung, MSN và MWG đóng cửa đều tăng 4,3%, lần lượt đóng góp 1 điểm và 0,66 điểm cho chỉ số chung. Đáng chú ý, MWG có thanh khoản đứng thứ 11 toàn thị trường với hơn 16,8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, các mã giảm đều trong biên độ hẹp chỉ trên dưới 1%, trong đó VCB giảm 0,2%, là mã tác động mạnh nhất khi lấy đi 0,27 điểm của chỉ số chung.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu POM vẫn giữ vững đà tăng trần và đóng cửa tại mức giá 5.080 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,6 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,9 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã bất động sản như DIG, HQC, NVL, TCH, PDR vẫn giao dịch khởi sắc dù đã hạ độ cao so với phiên sáng. Trong đó, DIG kết phiên tăng 1,1% và là mã có giao dịch sôi động, đạt 24,6 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, với đà tăng mạnh của MWG thì nhóm bán lẻ vẫn giữ được mức tăng tốt. Trong khi ở nhóm ngân hàng, dưới sự dẫn dắt của BID thì nhóm ngành này cũng đóng cửa trong sắc xanh dù đà tăng còn khá hạn chế.
Tuy vậy, trong dòng bank vẫn có mã diễn biến tích cực như LPB kết phiên tăng 2,2% lên mức 16.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 9,41 triệu đơn vị; còn các mã TCB, EIB, MSB, HDB đóng cửa tăng nhẹ chưa tới 0,5%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán thuộc top giảm mạnh nhất khi hầu hết đều đóng cửa trong sắc đỏ, ngoại trừ HCM tăng nhẹ 0,49%, TVB tăng 1,17% cùng TVS đứng giá tham chiếu, với chủ yếu giảm trên 1%.
Cặp đôi VIX và VND đều đi lùi và đóng cửa cùng giảm 1,4%, với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 23,88 triệu đơn vị và 20,89 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau phần lớn thời gian rung lắc nhẹ, thị trường đã đảo chiều giảm và biên độ giảm có chút thu hẹp về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 65 mã giảm và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,27%), xuống 231,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,16 triệu đơn vị, giá trị 1.680,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 458 tỷ đồng, trong đó riêng HUT thỏa thuận 10,8 triệu đơn vị, giá trị 223,64 tỷ đồng và PTI thỏa thuận 2,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 176 tỷ đồng.
Cặp đôi tỏa sáng trên sàn HNX là TIG và TAR. Cụ thể, TIG vẫn trong trạng thái dư mua trần tiếp tục tăng khi vắng bóng nguồn cung. Với khối lượng dư mua trần hơn 0,92 triệu đơn vị, TIG đóng cửa tăng 9,7% lên mức 12.400 đồng/CP và khớp lệnh đạt 6,82 triệu đơn vị.
Trong khi đó, TAR đã kéo trần thành công trong phiên chiều và đóng cửa tăng 9,8% lên mức 9.000 đồng/CP, thanh khoản tăng đột biến lên 3,23 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần 16.600 đơn vị.
Trong khi phần lớn các cổ phiếu trong rổ HNX30 giao dịch kém tích cực thì HUT là một trong số ít mã đảo chiều thành công. Đóng cửa, HUT tăng nhẹ 0,5% lên mức 20.900 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt gần 7,2 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán kém khả quan nhất, trong đó SHS đóng cửa giảm 2,1% và khớp lệnh 19,22 triệu đơn vị; MBS giảm 2,7% và khớp 3,94 triệu đơn vị, APS giảm 1,4%, EVS giảm 1,1%...
Trên UPCoM, thị trường cũng duy trì trạng thái rung lắc trong phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index đứng giá tham chiếu 85,71 điểm với 162 mã tăng và 136 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,1 triệu đơn vị, giá trị 379 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,12 triệu đơn vị, giá trị 126,97 tỷ đồng, trong đó riêng CQN thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 103,2 tỷ đồng.
“Tân binh” BCR vẫn là tâm điểm đáng chú ý trên UPCoM. Dù không giữ được mức giá cao nhất trong ngày nhưng kết phiên BCR tăng ấn tượng 12,5% lên mức giá 13.500 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 5,55 triệu đơn vị.
Trong khi đó, mã thường có thanh khoản tốt nhất thị trường là BSR trong phiên hôm nay đạt 3,87 triệu đơn vị giao dịch thành công, kết phiên đứng giá tham chiếu 19.000 đồng/CP.
Một trong những mã đáng chú ý khác là HSV, sau đợt tăng nóng và mở cửa tiếp tục được kéo trần, cổ phiếu này đã hạ nhiệt, thậm chí có thời điểm đảo chiều giảm. Đóng cửa, HSV tăng 2,2% lên mức 9.300 đồng/CP, khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, có 1 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đứng giá và 3 hợp đồng giảm nhẹ, trong đó VN30F2312 đứng giá tham chiếu 1.112 điểm, khớp lệnh 234.686 đơn vị, khối lượng mở 55.816 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này, CHPG2325 khớp lệnh cao nhất, đạt hơn 1,8 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 4,3% lên 480 đồng/cq, tiếp theo là CMWWG2314 với 1,79 triệu đơn vị và tăng 15,5% lên 670 đồng/cq.