Dư tiền, thanh khoản vẫn “hụt hơi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý thận trọng của giới đầu tư do trải qua nhịp biến động mạnh của thị trường khiến thanh khoản sụt giảm trong những phiên gần đây. Cần thêm “chất xúc tác” mạnh để kéo thanh khoản tăng trở lại.
Giá trị giao dịch có thể sẽ tăng vào tháng 12, nhưng khó có thể trở lại mức bình quân 20.000 tỷ đồng/phiên Giá trị giao dịch có thể sẽ tăng vào tháng 12, nhưng khó có thể trở lại mức bình quân 20.000 tỷ đồng/phiên

Thanh khoản chùng lại

Trong phiên đầu tuần qua (27/11), tổng giá trị khớp lệnh trên HOSE và HNX chỉ đạt hơn 11.000 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục 20 phiên trở lại đây. Thanh khoản dù có nhích hơn ở những phiên kế tiếp nhưng vẫn ở mức rất thấp.

Sau khi điểm số VN-Index hồi phục mạnh từ 1.020 điểm lên 1.130 điểm vào nửa đầu tháng 11/2023, đà tăng của chỉ số có dấu hiệu gặp cản và chuyển sang giai đoạn điều chỉnh cho đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, thời gian vừa qua, thị trường thường xuyên biến động mạnh sau 14h, gây bất ngờ với nhà đầu tư khi họ không thể chủ động được trong phiên đóng cửa ATC. Trong lịch sử, các đợt biến động mạnh phiên ATC thường đến từ việc các quỹ ETF hành động trong các đợt cơ cấu danh mục theo quý. Khi hiện tượng này xảy ra nhiều lần cũng sẽ khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong giao dịch và từ đó dễ dẫn đến thanh khoản của thị trường ở mức thấp trong những phiên sau đó.

Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, thanh khoản có dấu hiệu khựng lại là biểu hiện tự nhiên đối với giai đoạn điều chỉnh của một nhịp tăng mạnh trước đó. Thực tế, thanh khoản cạn kiệt trong giai đoạn điều chỉnh có thể còn cho thấy xu hướng tăng điểm dài hạn vẫn tiếp diễn. Nhìn về xu hướng dòng tiền, ACBS cho rằng, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò là nguồn bán chính trong suốt 1 tháng qua và tập trung vào các mã cổ phiếu lớn như VHM, MWG, VNM…. Nếu loại trừ VHM và MWG thì nhà đầu tư nước ngoài thực tế đã bắt đầu quay lại mua ròng từ cuối tháng 10. Bên cạnh đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị trường - vẫn chưa có dấu hiệu tham gia mạnh trong suốt giai đoạn phục hồi gần đây. Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường có những cú huých tích cực trong thời gian tới, dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư này có thể trở thành lực mua mạnh mẽ, giúp VN-Index vượt lên.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FiinPeace nhìn nhận, VN-Index giảm mạnh 18% từ 1.250 điểm xuống 1.020 điểm trong thời gian ngắn từ tháng 9 đến tháng 11/2023 và sau những pha giảm mạnh, nhà đầu tư có tâm lý chuyển từ bối rối sang phòng thủ là rất bình thường. Do đó, thời gian tạo đáy để hàn gắn niềm tin thường lâu hơn thời gian tạo đỉnh. Biến động giá cần thời gian để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, từ đó mới thuyết phục được dòng tiền quay trở lại. Ngoài ra, dòng tiền trong giai đoạn tháng 6 - 9/2023 có tỷ trọng margin cao hơn so với dòng tiền mới năm 2021 - 2022. Khi thị trường có những diễn biến tiêu cực, dòng tiền này cũng chủ động và một phần bị “cưỡng ép” rút ra rất nhanh. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm có vốn hóa và thanh khoản lớn nhất trên thị trường đang bị kẹp giữa câu chuyện tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và nợ xấu gia tăng nên chưa thu hút được dòng tiền nhập cuộc.

“Khi thanh khoản thấp, thị trường rất dễ đưa ra tín hiệu ‘giả’ cho những nhà đầu tư thích đánh theo dấu chân người khổng lồ, bull trap và bear trap có thể xuất hiện để bẫy nhà đầu tư theo xu hướng. Nhà đầu tư không nên giao dịch đầu phiên, mà nên hành động, đưa ra quyết định vào cuối phiên giao dịch để tránh những pha phá vỡ giả đó”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thanh khoản “mất hút”, nhưng mấu chốt là dòng tiền chưa thực sự nhập cuộc do một lượng tiền lớn cần phân bổ để xử lý các khoản nợ trái phiếu và nợ xấu ngân hàng khi bước sang năm 2024, Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực và các lô trái phiếu gia hạn trong năm 2023 sẽ tái đáo hạn. Một số nhóm doanh nghiệp lớn chịu áp lực nợ. Ngoài ra, thanh khoản giảm đến từ sự dè dặt của nhà đầu tư cá nhân trước bối cảnh còn có những biến số khó lường. Điều này giải thích vì sao số dư tiền trong tài khoản chứng khoán vẫn tăng, nhưng thanh khoản giảm. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cho rằng, dù lãi suất sụt giảm nhưng gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn hơn là mạnh tay đầu tư vào chứng khoán ở giai đoạn này.

“Kích” thanh khoản, cách nào?

Việc lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục xuống những mức thấp kỷ lục khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản có yếu tố rủi ro cao hơn khi đáo hạn. Theo thống kê của VietinBank Securities, có khoảng 500.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm sẽ đáo hạn trong giai đoạn cuối năm 2023. Tuy vậy, để thu hút sự tham gia của dòng tiền này, thị trường chứng khoán sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ kênh bất động sản và kênh trái phiếu.

Trong nhịp hồi vừa qua, khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn và bắt đầu tăng điểm thì thanh khoản cũng có xu hướng liên tục tăng. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối tháng 11, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tạo được sự cân bằng tại vùng giá hiện tại nên có thể dòng tiền sẽ cần chờ đợi thêm. Ngược lại, các nhịp rung lắc, điều chỉnh cũng chính là cơ hội cho dòng tiền mới gia nhập thị trường ở mức giá hợp lý hơn và rũ bỏ các nhà đầu tư tâm lý yếu, nhất là trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đang sáng tối đan xen như hiện tại.

Theo bà Đỗ Minh Trang, giá trị giao dịch có thể sẽ tăng vào tháng 12, nhưng khó có thể trở lại mức bình quân 20.000 tỷ đồng/phiên. Có một số yếu tố sẽ hỗ trợ thanh khoản: (1) Sự sụt giảm thanh khoản hiện tại chủ yếu do tâm lý do dự, chờ đợi của nhà đầu tư và sẽ sớm được cải thiện khi thị trường thể hiện rõ hơn xu hướng vận động; (2) Thanh khoản của thị trường tiền tệ tương đối dồi dào. Lãi suất huy động dân cư và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đều trong xu hướng giảm, thậm chí lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19. Từ đó, dòng tiền sẽ cân nhắc về tỷ suất sinh lời và một phần sẽ chuyển dịch sang kênh đầu tư chứng khoán; (3) Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang phát tín hiệu rằng, giai đoạn thắt chặt tiền tệ với nền lãi suất cao sắp chấm dứt.

Vì vậy, dòng tiền của các quỹ đầu tư sẽ dịch chuyển dần về các thị trường mới nổi và cận biên, từ đó hỗ trợ thêm cho thanh khoản của thị trường Việt Nam.

Trái ngược với đó là một số khó khăn. Thứ nhất, tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp cần quyết toán các khoản chi phí, do đó dòng tiền nhàn rỗi để đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Thứ hai, dự báo số dư trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào thời điểm tháng 12/2023 rất lớn so với các tháng trước đó. Từ đó, áp lực về dòng tiền của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp sẽ gia tăng.

Thực tế, thị trường đang trong vùng trũng của thông tin, đại bộ phận nhà đầu tư án binh bất động, thị trường không xuất hiện nhóm ngành dẫn dắt. Tuy vậy, để “kích” thanh khoản quay trở lại, theo ông Tuấn Anh, cần có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, đó là sự chuyển động tích cực hơn từ vận động thị trường, nhịp tăng tích cực trở lại có thể vượt qua MA200 - ranh giới giữa bull market và bear market. Ngoài ra, sự xuất hiện của nhóm ngành dẫn dắt có thể kể đến như thép (nhóm ngành tạo đáy trước VN-Index giai đoạn vừa qua, giá thép trong nước và thế giới gần đây liên tục tăng), hoặc nhóm ngành chứng khoán vẫn còn những câu chuyện như nâng hạng thị trường hay hệ thống KRX sắp đi vào hoạt động, từ đó tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư và thu hút dòng tiền quay trở lại.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ