Thanh khoản ngân hàng dần thắt chặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng sẽ dần được thắt chặt khi tăng trưởng tín dụng và hoạt động kinh tế được cải thiện.
Lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau Lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau

Thanh khoản được hỗ trợ bởi tín dụng chưa bứt phá

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, mặt bằng lãi suất huy động vốn tiếp tục có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn trong quý III/2023, với mức giảm từ 0,5 - 1,2%/năm, lũy kế kể từ đầu năm giảm 3,5 - 4,0%/năm.

Với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trong quý III, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,4 - 0,6%/năm, xuống quanh mức 5,5%/năm - ngang bằng thời kỳ dịch Covid-19 cuối năm 2021. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất huy động từ 0,8 - 1,2%/năm, xuống 5,5 - 6,2%/năm.

Vị lãnh đạo BIDV phân tích, xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất huy động trong quý III được hỗ trợ bởi 2 yếu tố chính.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn nhất quán theo định hướng nới lỏng xuyên suốt từ đầu năm, với mục tiêu ưu tiên hỗ trợ kinh tế. Song song với việc duy trì lãi suất điều hành ở mặt bằng thấp, Ngân hàng Nhà nước tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thông qua các giải pháp như nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại, đẩy nhanh các gói hỗ trợ cho vay, đồng thời kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Thứ hai, cân đối huy động vốn - tín dụng tiếp tục cải thiện do tăng trưởng tín dụng chưa có nhiều bứt phá. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 mới đạt 6,92%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 11,13% của cùng kỳ năm ngoái và gần như tương đương với tăng trưởng huy động vốn. Tính riêng quý III, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 2,17%, chậm lại rõ nét so với mức tăng bình quân 2,5% của hai quý đầu năm.

Thanh khoản dồi dào cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc nhà điều hành liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày kể từ ngày 18/9 đến nay. Ngày 19/10, Ngân hàng Nhà nước phát hành 4.250 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất 1,45%/năm, cao hơn đáng kể so với 3 phiên trước đó ở mức 1%/năm. Theo đó, tổng lượng hút tiền kể từ ngày 21/9 đến 19/10 là gần 260.000 tỷ đồng.

Ông Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC cho rằng, với tăng trưởng tín dụng chậm lại, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện khá tốt.

“Những nhận định của tôi được đặt trong bối cảnh ảnh hưởng đến tỷ giá: tuy thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng không quá áp đảo, cho phép cơ quan chức năng tiếp tục điều hành tỷ giá, nhất là trong bối cảnh thặng dư thương mại hàng hóa vẫn tăng cao, dòng vốn FDI và lượng du khách tiếp tục gia tăng”, ông Frederic Neumann nói.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thừa nhận: “Trong giai đoạn gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay, lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì sự ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn lớn khi cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá”.

Thanh khoản không gây phức tạp cho điều hành tỷ giá

Thanh khoản dồi dào là một phần nguyên nhân dẫn đến việc nhà điều hành liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 19/10, lô tín phiếu phát hành ngày 21/9 đáo hạn, trả lại cho thị trường gần 10.000 tỷ đồng, trừ đi phần huy động 4.250 tỷ đồng, thì Ngân hàng Nhà nước bơm ròng vào thị trường 5.745 tỷ đồng.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), với việc lãi suất liên ngân hàng đang ở mức rất thấp (lãi suất qua đêm là 0,37%/năm), tỷ giá liên ngân hàng ở mức cao và chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì ở mức cao đã kích thích hoạt động giao dịch đầu cơ, gây áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu mới để thay thế lượng đáo hạn.

Theo đó, nếu tỷ giá duy trì ở vùng 24.000 - 24.400, Ngân hàng Nhà nước có thể phát hành tín phiếu với khối lượng trung bình 12.000 tỷ đồng/phiên. Trường hợp tỷ giá vượt 24.500, khối lượng phát hành có thể nâng lên 20.000 tỷ đồng/phiên, cho đến khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét. Trong kịch bản tỷ giá tiến gần mốc 25.000, KBSV không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn (forward) để ổn định tỷ giá.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, tỷ giá USD/VND đã bật tăng trở lại và đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Sáng ngày 19/10, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng, vượt xa mốc 24.700 đồng. Cụ thể, Vietcombank, ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.370 - 24.740 đồng, tăng 125 đồng so với cuối tuần trước. Theo đó, kể từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD tăng khoảng 280 đồng, tương đương tăng hơn 1,1%. Lũy kế từ đầu năm, giá USD tăng 1.000 đồng, tức hơn 4,2%.

Theo ông Frederic Neumann, giống như nhiều ngân hàng trung ương khác ở châu Á hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có thể nhận thấy một số nhu cầu ngắn hạn trong việc quản lý thanh khoản của hệ thống. Nhưng quan điểm của vị chuyên gia này là tính thanh khoản không quá lớn đến mức gây phức tạp cho việc điều hành tỷ giá.

“Trong những tháng tới, chúng tôi kỳ vọng, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng sẽ dần được thắt chặt khi tăng trưởng tín dụng và hoạt động kinh tế được cải thiện”, ông Frederic Neumann nói.

Xung quanh vấn đề này, lãnh đạo BIDV cho rằng, trong giai đoạn quý IV, lãi suất huy động VND có thể sẽ đi ngang, khi các yếu tố tác động dự kiến có xu hướng cân bằng hơn.

Một mặt, lãi suất huy động VND vẫn được hỗ trợ bởi xu hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng mức độ nới lỏng sẽ có phần thận trọng hơn để cân bằng với các mục tiêu ổn định tỷ giá và lạm phát. Song song với việc giữ nguyên lãi suất điều hành, cơ quan này dự kiến tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng chuyên đề. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu các khoản nợ, khoản lãi đến hạn nếu còn khó khăn.

Mặt khác, nguồn cung huy động vốn VND dự kiến sẽ kém tích cực hơn khi nhu cầu thanh toán tiền mặt có chiều hướng gia tăng theo mùa vụ. Theo đó, cân đối huy động vốn - tín dụng có xu hướng thu hẹp trong bối cảnh tín dụng nhiều khả năng được đẩy mạnh trong giai đoạn cuối năm. Dự báo, tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2023 đạt 3,5 - 4,5%, cải thiện so với các quý trước đó, nhưng tổng thể cả năm cũng chỉ đạt khoảng 10 - 12%, thấp hơn mức mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 của Ngân hàng Nhà nước đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 duy trì trạng thái “tốt”, “cải thiện” so với quý II. Tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý IV/2023 và cả năm 2023 so với năm 2022. Bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống giảm 0,26 - 0,35%/năm trong quý cuối năm.

Ông Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát sao thị trường ngoại tệ và điều hành để ổn định tỷ giá, bởi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

“Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỷ giá biến động khoảng 3,9% là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực. Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo thanh khoản hệ thống bởi điều này có ý nghĩa quan trọng cho môi trường tài chính, kinh tế và tất cả các chủ thể như người dân, doanh nghiệp...”, ông Hà nói.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục