Payoo và chiến lược... cắn từng miếng
Đầu tháng 12/2016, Payoo đã chính thức ký hợp tác với Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định. Như vậy, người dân sống tại TP.HCM đã có thể thanh toán hóa đơn tiền nước hàng tháng tại hệ thống các cửa hàng có liên kết với Payoo, như B’smart, Circle K, Familymart, Ministop, Guardian, AEON, Lotte Mart, Viễn Thông A, Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn…
Đương nhiên, các hợp đồng tương tự vẫn đang được Payoo xúc tiến. Thông tin về khả năng Payoo và Co.opmart sẽ hợp tác thực hiện các giao dịch nộp tiền điện, nước đang rò rỉ.
Danh sách các đơn vị liên kết với Payoo đang dài thêm, song có vẻ như tốc độ không nhanh như tính năng điện từ mà Payoo muốn phổ cập.
Thậm chí, nói như cách của ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (VietUnion - Công ty sở hữu Payoo) thì Payoo đang “cắn từng miếng nhỏ trong chiếc bánh thơm phức, hấp dẫn”.
“Ai cũng nói đây là hũ mật hấp dẫn, nhưng chẳng dễ gì cắn được, dù là miếng nhỏ, khi mà thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam sau nhiều năm vẫn đang ở thế... tiềm năng”, ông Lĩnh ngao ngán.
Thành lập từ năm 2007, nhưng đến tháng 2/2009, VietUnion mới nhận được giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai dịch vụ thanh toán Payoo trong lĩnh vực trung gian thanh toán với số vốn đầu tư dưới 50 tỷ đồng.
Theo giấy phép, VietUnion được cung cấp 4 dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm dịch vụ ví điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ/chi hộ; dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử.
Đương nhiên, là những người đi đầu, nên VietUnion hưởng lợi thế và gánh luôn cả khó khăn.
Ai cũng nói đây là hũ mật hấp dẫn, nhưng chẳng dễ gì cắn được, dù là miếng nhỏ, khi mà thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam sau nhiều năm vẫn đang ở thế... tiềm năng.
Chắc chắn, lý do đi đầu của VietUnion trong thanh toán điện tử, cụ thể là ví Payoo, là một trong những lý do chính để NTT Data - tập đoàn công nghệ thông tin của Nhật Bản - chọn VietUnion để đầu tư tới 40% vốn và công nghệ khi quyết định tham gia sâu hơn vào thị trường Việt Nam và khu vực. Nhờ cuộc bắt tay với NTT Data và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn vào năm 2011, VietUnion nâng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng và đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử và tiện ích thanh toán hóa đơn hàng đầu tại Việt Nam.
VietUnion vẫn đang theo đuổi mục tiêu này, với chiến lược là tập trung phát triển các dịch vụ tiện ích mà điển hình là dịch vụ thanh toán hóa đơn từ điện, nước, điện thoại, truyền hình, Internet cho đến phí bảo hiểm, cho vay tiêu dùng...
Payoo cũng đã liên kết được với hơn 4.000 điểm thanh toán trên 63 tỉnh, thành phố; phối hợp được với hơn 20 ngân hàng với khoảng 100 dịch vụ với tổng giá trị giao dịch hơn 1 tỷ USD/năm.
Theo báo cáo tổng kết công tác thu hộ hàng năm của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Payoo là đơn vị trung gian thanh toán (unbank) có lượng giao dịch dẫn đầu nhiều năm liền. Trong đó, riêng giao dịch tiền điện qua Payoo năm 2015 tăng 89% so với năm 2014. Năm 2015, Payoo đạt tăng trưởng gấp hơn 4 lần so với năm 2014, là tốc độ vượt trội so với thị trường chung.
Trong kế hoạch của VietUnion, dịch vụ thanh toán vé tàu xe, máy bay, tour du lịch sẽ triển khai trong thời gian tới.
So với tổng thị trường mà Payoo đang nhắm đến, con số này vẫn còn khiêm tốn, còn khoảng cách biệt rất lớn so với kỳ vọng của Payoo ở thị trường thanh toán, đặc biệt là mảng thanh toán hóa đơn có quy mô hàng trăm tỷ USD.
Bữa tiệc không dành cho người nóng ruột
Cho đến thời điểm này, thanh toán điện tử vẫn là câu chuyện dài kỳ.
Dài kỳ bởi, thanh toán bằng tiền mặt vẫn đang chiếm 65% tổng phương tiện thanh toán. Công nghệ trong thanh toán điện tử thay đổi chóng mặt. Ngày càng nhiều tay chơi mới với tiềm lực mạnh xuất hiện.
Ông Lĩnh đã nhắc tới các tên tuổi mà theo ông “là đối thủ đáng gờm” của Payoo cũng như các ví điện tử thế hệ đầu khác. Đó là VinGroup với Adayroi, hay sự xuất hiện của Alibaba sau thương vụ mua lại 64% Lazada…
Dẫu vậy, cũng phải nhắc tới những tên tuổi đã đành phải thoái lui, thậm chí “bể đầu chảy máy” như SimPay - ví điện tử của một tập đoàn của Nga đã đóng cửa 2 năm nay do… tiêu hết tiền!
Khó khăn khá rõ - như ông Lĩnh đến giờ vẫn thường nhắc đi nhắc lại: đó là thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất lớn, tâm lý lo ngại của người tiêu dùng về tính bảo mật khi sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến chưa được giải tỏa. Ngay cả nhiều trang thương mại điện tử vẫn áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng.
Đặc biệt, gần đây, những vụ việc chứng tỏ lỗ hổng trong an ninh mạng từ một số ngân hàng thương mại vẫn khiến người tiêu dùng càng hoài nghi nhiều hơn về các hình thức thanh toán trực tuyến.
Đó là chưa kể, để tham gia thị trường thanh toán điện tử, các đơn vị phải đáp ứng được nhiều yêu cầu như khả năng kết nối tốt với ngân hàng, các công ty viễn thông, công ty điện, nước, bệnh viện, các hãng vận tải... Đây không phải là những mối liên kết truyền thống, dễ thiết lập.
“Payoo chọn đầu tư hai nội dung cơ bản. Thứ nhất, phải đào tạo đội ngũ nhân sự trong mảng công nghệ, an ninh bảo mật vững vàng. Thứ hai là, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua các thông tin, số liệu phân tích tâm lý, nhu cầu khách hàng. Đây là lý do chúng tôi vượt qua được các thách thức của thị trường”, ông Lĩnh nói.
Theo các số liệu phân tích thì “bữa tiệc” thanh toán điện tử mới chỉ bắt đầu.
Công ty nghiên cứu thị trường Statista (Đức) tính toán, giá trị thanh toán điện tử ở Việt Nam năm 2015 ước hơn 2,9 tỷ USD, năm 2016 ước đạt 3,6 tỷ USD.
Dự đoán, đến năm 2020, quy mô thị trường này ước đạt 7,8 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ Công thương thì cho rằng, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỷ USD, dự báo, năm 2020 sẽ đạt 180 tỷ USD.
Tuy vậy, tỷ lệ thanh toán sử dụng tiền mặt vẫn chiếm 65% tổng phương tiện thanh toán. Đặc biệt, cho dù số lượng các loại thẻ từ ATM cho tới thẻ tín dụng lên tới 107 triệu (theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước), song chỉ chiếm 35% giá trị giao dịch, số còn lại được xếp vào loại… “có cho vui”.
Rõ ràng, điểm quan trọng nhất vẫn là làm sao thuyết phục được khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán mới. Payoo chọn cách phục vụ đa dịch vụ nhằm mang đến sự tiện lợi nhất. Nhưng đó cũng không phải là cách duy nhất.
Mới đây, tháng 11/2016, nhà cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại di động trực tuyến OnOnPay vừa nhận được vốn đầu tư khoảng 800.000 USD từ Quỹ ASEAN SuperSeed Fund của Gobi MAVCAP (Malaysia). Dù bước đầu chỉ tập trung khai thác cho việc nạp thẻ điện thoại, nhưng ông Bùi Sỹ Phong, nhà sáng lập kiêm CEO của OnOnPay cho biết, chỉ cần nhìn vào thị trường đang thiếu dịch vụ nào nhất, dễ làm nhất thì sẽ có cơ hội. Đơn vị này cũng sẽ chú trọng tập trung vào các khu vực nông thôn, thay vì tập trung vào các thành phố lớn.
Tất nhiên, ông Phong cũng thừa nhận, đây mới chỉ là bước đầu, bởi khi có đến 90% người dùng chọn phương thức thanh toán khi nhận hàng thì sẽ còn cơ hội cho những dịch vụ mới, nhưng lợi nhuận thì khó có thể “ngay và nhanh”.
Cả Payoo và OnOnPay đều cho rằng, mô hình của cổng thanh toán điện tử thực chất là thu tiền lẻ trên quy mô lớn. Vì một phần, các công ty phải xây dựng nguồn khách hàng với quy mô lớn sau đó mới bắt đầu tìm kiếm doanh số. Như Payoo hiện có mức lời rất khiêm tốn trên mỗi giao dịch.
Do đó, không khó để lý giải, vì sao rất ít cổng thanh toán trực tuyến có lời và đa phần vẫn đang trong quá trình đầu tư.