Thị trường kỳ vọng sớm “bình thường mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dấu hiệu từng bước mở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, giới đầu tư có thêm niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế.
Thị trường kỳ vọng sớm “bình thường mới”

Tháng 6 đến nay có thể xem là giai đoạn tồi tệ nhất của năm khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn do các biện pháp tăng cường giãn cách của Chính phủ để hạn chế đà lây lan của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bằng việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin, hoạt động kinh tế được kỳ vọng sẽ từng bước mở cửa từ ngày 15/9 tới.

Quan sát các quốc gia đã mở cửa lại nền kinh tế, có thể thấy thị trường chứng khoán có sự phản ứng rất tích cực.

Chẳng hạn, tại Ấn Độ, quốc gia này bắt đầu gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế từ tháng 6/2021 tới nay sau khi tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin gia tăng đáng kể, chỉ số SENSEX từ ngày 1/6 đến 8/9 đã tăng 12,2%, lên 58.250 điểm. Tương tự, các chỉ số của chứng khoán châu Âu đã vượt đỉnh liên tục khi mở cửa lại nền kinh tế từ đầu năm tới nay.

Theo báo cáo của SSI Research, với việc nới lỏng giãn cách thận trọng, kỳ vọng có thể diễn ra từ quý IV/2021, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được mong đợi sẽ kích hoạt một quá trình hồi phục kinh tế. Chất xúc tác hiện tại cho thị trường chứng khoán nằm ở chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá nới lỏng vẫn còn dư địa.

Trong giai đoạn khó khăn hiện tại của dịch bệnh, SSI Research không loại trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát. Chính sách tài khoá nới lỏng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ trong và sau dịch bệnh.

Giải ngân đầu tư công trong 8 tháng đầu năm mới chỉ đạt 41,7% kế hoạch năm, nhưng SSI Research kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh trong các tháng còn lại của năm 2021, tương tự như năm 2020, để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế hậu giãn cách xã hội.

Quan sát các nền kinh tế lớn trên thế giới sau cú sốc Covid-19, các chính phủ thường đồng thời thực hiện bơm tiền trực tiếp cho người dân, hạ lãi suất để khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư; đồng thời đẩy mạnh đầu tư công để có thể kéo những ngành nghề còn lại hồi phục theo và từ đó giúp kinh tế nhanh chóng vượt qua cú sốc đại dịch Covid-19, quay lại đà hồi phục.

Có thể thấy, câu chuyện kỳ vọng của thị trường chứng khoán hiện tại đang tập trung vào quá trình nới lỏng giãn cách trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, TP.HCM, Bình Dương bắt đầu nới lỏng dần các quy định trong một số ngày qua nhằm thúc đẩy việc lưu thông hàng hoá, cũng như chuẩn bị cho kế hoạch có thể nới lỏng biện pháp giãn cách vào ngày 15/9.

Theo đánh giá của SSI Research, trong 16 ngành quan sát, có tới 13 ngành có triển vọng tích cực sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, gồm ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu, sản xuất, công nghệ thông tin, dầu khí, cảng biển và vận tải, hàng không, bán lẻ, bảo hiểm và xuất khẩu.

Quan sát diễn biến thị trường, từ ngày 19/7 đến 19/8, chỉ số VN-Index tăng 10,6% lên 1.374,85 điểm, sau đó chỉnh 2 phiên, tương ứng giảm 5,5% về 1.298,86 điểm và tiếp tục tăng trở lại từ 23/8 đến 8/9 thêm 2,7%, lên 1.333,61 điểm. Nhìn chung, xu hướng tăng của chỉ số VN-Index là chủ đạo.

Việc thị trường liên tục tăng mạnh sau đó điều chỉnh nhẹ và tiếp tục tăng mạnh trở lại, dòng tiền lan toả nhiều nhóm ngành cho thấy dòng tiền được duy trì trên sàn và không rút ra khỏi thị trường, đây là tín hiệu tốt cho xu hướng tăng có thể tiếp tục.

Trong đó, kể từ ngày 23/8-8/9, thị trường tiếp tục xu hướng tăng với dòng tiền tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ việc mở cửa nền kinh tế như đầu tư công; cảng và vận tải; bất động sản công nghiệp; bất động sản thương mại; bán lẻ; thuỷ sản và dệt may… Ngược lại, nhóm cổ phiếu trụ như chỉ số VN30 chỉ tăng nhẹ 1,5% lên 1.433,71 điểm.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục