Thị trường khu công nghiệp: Tốt lỏi!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu xem hạ tầng khu công nghiệp là yếu tố “cứng” thì thu hút đầu tư là yếu tố “mềm”, thể hiện tầm nhìn cũng như chiến lược kinh doanh của đơn vị phát triển dự án và yếu tố này đang cần được đổi mới để trở nên hiệu quả hơn, đặc biệt với những thị trường mới.
Cần đổi mới công tác thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, nhất là với các thị trường mới. Ảnh: Thành Nguyễn. Cần đổi mới công tác thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, nhất là với các thị trường mới. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thiếu đồng đều trong phát triển thị trường

Dữ liệu thị trường từ CBRE Việt Nam cho thấy, đến hết quý III/2024, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc đạt 80%.

Trong đó, tỷ lệ lấp đầy của phân khúc nhà xưởng xây sẵn tại các địa phương cấp 1 đạt 91%, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; phân khúc nhà kho xây sẵn đạt 80%, tăng 4%. Kết quả khả quan này phần nào cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp vẫn luôn hấp dẫn và hiệu quả.

Dù vậy, tại không ít địa phương, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn hạn chế. Chẳng hạn, tại Hòa Bình, tỷ lệ lấp đầy diện tích bình quân các khu công nghiệp đã được thành lập đến tháng 10/2024 mới đạt 31,25%. Hay tại Sơn La, địa phương này có 2 khu công nghiệp thì một khu đang kêu gọi đầu tư, một khu có tỷ lệ lấp đầy chỉ 38,67%.

Ngay với Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển khu công nghiệp ở phía Nam, theo Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh này, đến hết quý III/2024, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động (14 khu công nghiệp) trên địa bàn đạt 67,65% và có 4 khu được lấp đầy 100%.

Trao đổi với đại diện nhiều đơn vị chuyên về xúc tiến đầu tư và các chủ đầu tư, điểm chung mà phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được đó là nhiều địa phương, dự án còn gặp không ít khó khăn trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, bao gồm cả những điểm yếu cố hữu trong “quan niệm” về xúc tiến đầu tư cần được cải thiện.

Thay đổi cách tiếp cận

Ông Phạm Văn Nam, chuyên gia bất động sản công nghiệp từ Cổng Thông tin Khu công nghiệp Việt Nam cho hay, đến hiện tại, không ít đơn vị đi xúc tiến đầu tư quốc tế vẫn truyền thông rằng, hãy đến với Việt Nam vì lao động giá rẻ.

Theo ông Nam, chỉ riêng câu chuyện này đã có nhiều vấn đề. Thứ nhất, so với nhiều đối thủ trong khu vực, chI phí nhân công tại Việt Nam hiện không còn rẻ, nên việc mời gọi nhà đầu tư bằng giá rẻ là không đúng với bản chất thị trường và quan trọng hơn, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn cũng như tính chuyên nghiệp từ phía người lao động.

Ông Nam cho rằng, thay vì “quảng cáo” Việt Nam có lao động giá rẻ, nên tập trung vào khâu đào tạo, tuyển dụng để người lao động được nâng cao trình độ và tác phong chuyên nghiệp hơn, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc và cải thiện bức tranh đầu tư, thay đổi hình ảnh thu hút đầu tư từ lao động giá rẻ.

Cũng theo ông Nam, một vấn đề khác cần được các nhà phát triển dự án hay đơn vị xúc tiến đầu tư lưu tâm, đó là những cam kết và khả năng thực hiện cam kết từ lúc bắt đầu xúc tiến đến thực tế triển khai.

Ông Nam cho hay, có không ít bên “hứa” với nhà đầu tư là dự án có bộ phận một cửa, chăm sóc và hỗ trợ khách hàng trong việc hoàn thiện các thủ tục liên quan… Tuy nhiên, khi nhà đầu tư vào thị trường rồi thì chủ đầu tư khu công nghiệp không thực hiện được cam kết này, dẫn đến việc mất uy tín và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nói chung.

Chí phí nhân công tại Việt Nam hiện không còn rẻ. Ảnh: Dũng Minh.

Chí phí nhân công tại Việt Nam hiện không còn rẻ. Ảnh: Dũng Minh.

Đưa ra so sánh giữa nhóm các nhà phát triển dự án khu công nghiệp trong nước và nước ngoài, ông Nam cho hay, cách làm “ăn xổi” vẫn khá phổ biến với nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp “tay ngang”.

Thực tế này càng làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút khách thuê chất lượng. Còn khối ngoại, do có sự chuyên nghiệp, bài bản… nên dễ dàng thu hút được nhóm khách thuê này, cho dù giá thuê cao hơn. Điều đó cũng cho thấy, thị trường khu công nghiệp ngày càng vận động theo hướng “chất lượng dịch vụ đi đôi với giá thành”.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các thị trường mới

Quay trở lại câu chuyện thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở tỉnh, ở các thị trường chưa phát triển nhiều, ông Vũ Công Trụ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietnam Solution đánh giá, với sức nóng của làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam cũng như nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng, các thị trường khu công nghiệp trọng điểm đang thu hút lượng lớn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, về lâu dài, các thị trường khác cũng rất tiềm năng.

Theo ông Trụ, cơ hội đang đến nhiều hơn không chỉ với các khu, cụm công nghiệp ở các vị trí trọng điểm, chiến lược như Đồng bằng sông Hồng, khu kinh tế ven biển, mà cả các khu nằm sâu trong nội địa, các thị trường cấp 2, 3 như Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định (2), Phú Thọ, Yên Bái (3)…, thậm chí cả với những địa phương “cảm giác” không phát triển công nghiệp như Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk. Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông nghiệp và sinh thái.

Ông Trụ cho rằng, với các địa phương ngoài khu kinh tế trọng điểm, các thị trường như vùng trung du, cao nguyên hay Đồng bằng sông Cửu Long cũng có khả năng hình thành mạng lưới cung ứng hàng hóa chất lượng cao, cần phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư để tăng sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

“Đây là cơ hội để phát triển kinh tế, cũng để giải phóng quỹ đất hiện hữu, tạo sự phát triển đồng đều, cân bằng giữa các vùng, khu vực. Về giải pháp, có thể thông qua các kênh ngoại giao kinh tế để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh các thị trường này với nhà đầu tư”, ông Trụ nói và cho rằng, với sự cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và sự chuyển mình mạnh mẽ của các địa phương, cơ hội đầu tư vào các vùng xa đã trở nên rõ rệt hơn.

Cùng với đó, môi trường đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã có nhiều chuyển biến. Ông Trụ cho biết, trước đây, cụm công nghiệp thường bị cho là hạ tầng kém, chất lượng kém, nhưng theo quy định mới, cụm công nghiệp giờ đây không khác gì các khu công nghiệp khi được cải thiện nhiều về hạ tầng hay công tác hỗ trợ nhà đầu tư.

Trên thực tế, một số cụm công nghiệp đã chuyển đổi thành công theo hướng hiện đại hơn, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi từ nhà đầu tư. Bởi vậy, nếu được quan tâm đúng mức thì việc thu hút đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp vùng xa sẽ không còn gặp quá nhiều khó khăn như trước.

Để tăng hiệu quả thu hút đầu tư vào các thị trường mới, ông Trụ cho rằng, các đơn vị phát triển dự án cần đưa ra được các quy hoạch, concept sản phẩm - dịch vụ phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và đảm bảo cung cấp các dịch vụ có chất lượng.

Cùng với đó là việc tìm hiểu và triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư mạnh mẽ tới các hiệp hội, các kênh mà nhà đầu tư lớn thường tham gia, khẳng định và thậm chí thực hiện tốt hơn các cam kết thì cơ hội lấp đầy dự án chắc chắn sẽ cao hơn.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục