Thị trường M&A từng được dự báo rất sôi động vào năm 2022, tuy nhiên, thực tế thị trường lại không diễn biến như vậy và có sự trầm lắng nhất định. Ông có bình luận gì về diễn biến thị trường thời gian qua?
Các hoạt động tại thị trường M&A Việt Nam thực ra sôi nổi hơn nhiều so với nhiều thị trường khác trong khu vực. Trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đang là một điểm đến giàu tiềm năng và cơ hội rộng mở, do đó họ kỳ vọng rất nhiều vào thị trường này.
Dù vậy, cũng cần nhìn nhận rằng các thương vụ M&A thường đi qua rất nhiều giai đoạn và cần nhiều thời gian hơn so với các loại hình giao dịch khác. Chưa kể, thị trường đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch, việc đàm phán giữa bên bán và bên mua còn tính đến yếu tố doanh thu tương lai và thời điểm chốt giao dịch.
Ngoài ra, các biến động trong thời gian gần đây, cộng với những bất ổn trên thị trường toàn cầu có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, họ có xu hướng thận trọng hơn, chọn lựa chờ đợi và quan sát thêm các diễn biến thị trường.
Theo quan sát của ông, đâu là phân khúc đang được các nhà đầu tư quan tâm?
Bất động sản khu công nghiệp và hậu cần tại Việt Nam đang được các nhà đầu tư để mắt đến, trong đó các loại hình tài sản như trung tâm dữ liệu và kho lạnh được đặc biệt chú ý.
Các tài sản khách sạn cũng nằm trong tầm ngắm, dù rằng hoạt động chuyển nhượng không dễ dàng diễn ra trong một sớm một chiều. Và các nhà đầu tư đánh giá tích cực đối với triển vọng của loại hình bất động sản văn phòng, nhất là các tòa nhà hạng A, và bất động sản nhà ở tại Việt Nam.
Ông David Jackson. |
Thị trường trầm lắng một phần phải chăng do vấn đề nguồn vốn?
Như trên đã nói, các bên mua và bán đều có xu hướng thận trọng hơn, vừa chờ đợi vừa quan sát các diễn biến thị trường. Tôi không nghĩ thị trường thiếu vốn, vấn đề nằm ở khâu tiếp cận nguồn vốn. Các điều chỉnh gần đây từ phía Chính phủ và Ngân hàng nhà nước một mặt nhằm điều tiết dòng vốn vào các lĩnh vực phục vụ quá trình hồi phục kinh tế nhanh hậu đại dịch, mặt khác tất nhiên là ảnh hưởng đến kênh tiếp cận vốn của các nhà đầu tư.
Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính tác động đến tốc độ giao dịch trong các thương vụ. Nhìn tổng thể, các nỗ lực ổn định thị trường là cần thiết, để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn. Việt Nam cũng như châu Á – Thái Bình Dương đang là khu vực hiếm hoi có nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Nghĩa là, vẫn có cơ hội tiếp cận vốn thông qua hợp tác với các quỹ từ nước ngoài để thúc đẩy dự án tại Việt Nam.
Về tính chất thương vụ thì sao?
Với đặc thù của lĩnh vực bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài với tầm nhìn dài hạn luôn muốn tìm kiếm những đối tác uy tín, có năng lực để hợp tác và phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Ông đánh giá gì về triển vọng thị trường M&A cuối 2022 và 2023?
M&A sẽ tiếp tục là chiến lược nhanh và hiệu quả để các nhà giao dịch là quỹ đầu tư nước ngoài, trong nước hoặc các nhà phát triển tối ưu hóa danh mục đầu tư, tăng cường năng lực tài chính và khơi thông các dự án.
Thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, tiêu dùng nội địa có sức bật tốt và giới quan sát quốc tế đánh giá rất tích cực về triển vọng của Việt Nam trong thời gian tới. Đây là những điểm hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và M&A là một trong những cửa ngõ để họ gia nhập và tiếp tục mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Vai trò của khối nội đã có sự thay đổi đáng kể và xuất hiện ngày càng nhiều hơn với vai trò của bên mua, ông có bình luận gì về điều này?
Khối nội có lợi thế am hiểu luật, chính sách, cách vận hành của thị trường, văn hóa địa phương, hành vi của khách hàng… Cùng với kinh nghiệm và tiềm lực mạnh, họ có vai trò đáng kể trong các hoạt động giao dịch và thúc đẩy sự phát triển năng động của thị trường.
Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến Việt Nam thường hướng đến hình thức hợp tác với các đối tác trong nước, một sự kết hợp thông minh giữa bên có sức mạnh tài chính và bên còn lại giàu kinh nghiệm và am hiểu địa phương, từ đó nâng cao năng lực thực thi, thúc đẩy sự sôi động và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.