Thị trường hàng hóa tuần từ 9-16/7: Dầu giảm mạnh, vàng và thép tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 9-16/7, trong khi giá dầu đã quay đầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2021, thì nhiều mặt hàng vẫn duy trì đà tăng, nhất là thép không gỉ khi liên tục lập kỷ lục giá mới.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu giảm mạnh nhất 4 tháng qua, giá LNG bật tăng

Giá dầu giảm mạnh trong tuần giao dịch vừa qua với việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và liên minh, hay còn gọi là OPEC+, nối lại các vòng đàm phán.

Cụ thể, trong phiên cuối tuần 16/7, giá dầu Brent tăng 12 US cent (+0,2%) lên 73,59 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 16 US cent (+0,2%) lên 71,81 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn giảm gần 3% và là tuần giảm thứ ba liên tiếp, còn giá dầu WTI giảm gần 4%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2021.

Việc nối lại các đàm phán của OPEC+ cho thấy quyết tâm điều tiết thị trường của các thành viên chủ chốt. Sau hơn 2 tuần trì hoãn kể từ ngày 1/7/2021, các bên đã kết thúc với thỏa thuận ban đầu là tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8/2021 và kéo dài thời gian thoả thuận cắt giảm đến cuối năm 2022.

OPEC+ cũng tăng sản lượng cơ sở cho Ả Rập Xê-út và Nga (tăng 0,5 triệu thùng/ngày lên 11.5 triệu thùng/ngày), Iraq (tăng 0,15 triệu thùng/ngày lên 4,8 triệu thùng/ngày), Kuwait (tăng 0,15 triệu thùng/ngày lên 3 triệu thùng/ngày) UAE (tăng 0,3 triệu thùng/ngày lên 3,5 triệu thùng/ngày) kể từ tháng 5/2022 và điều này ngay lập tức gây áp lực lên giá dầu.

Bên cạnh đó, việc số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại tại New York cũng tác động tiêu cực đến giá dầu.

Trong khi đó, giá khí tự nhiên (LNG) đã bật tăng trong tuần qua. Tại châu Á, các thương nhân cho biết, giá LNG trung bình giao tháng 9/2021 tại Đông Bắc Á đạt 13,3 USD/mmBtu trong tuần qua, tăng 55 US cent so với tuần trước nữa, do nhiệt độ cao làm tăng nhu cầu đối với nhiên liệu được sử dụng trong sản xuất điện.

Các nguồn tin công nghiệp cũng cho biết, tại châu Âu, tồn kho dự trữ khí tự nhiên dưới mức trung bình và giá carbon tăng cao. “Nhu cầu của châu Âu có thể giúp giữ giá LNG tiếp tục tăng trong tương lai”, một thương nhân có trụ sở tại London cho biết.

Tương tự, tại Mỹ, đóng cửa phiên cuối tuần qua 16/7, giá hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tăng 6,0 cent +1,7%) lên 3,674 USD/mmBtu do giá khí tự nhiên toàn cầu tăng cao, thúc đẩy xuất khẩu.

Giá LNG tăng bất chấp dự báo về thời tiết giảm nhiệt ở Mỹ thấp hơn và nhu cầu điều hòa không khí giảm trong 2 tuần tới so với dự kiến trước đó. Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng của Mỹ tại 48 tiểu bang đã giảm xuống 91,3 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay, chủ yếu do các vấn đề về đường ống ở Tây Virginia hồi đầu tháng 7/2021.

Refinitiv dự báo, nhu cầu trung bình (LNG), bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 91,3 bcfd trong tuần này lên 92,5 bcfd trong tuần tới và 93,5 bcfd trong 2 tuần kế tiếp khi thời tiết nóng hơn theo mùa.

Lượng khí đến các nhà máy xuất khẩu khí (LNG) của Mỹ đạt trung bình 10,9 bcfd cho đến nay trong tháng 7/2021, tăng từ mức 10,1 bcfd vào tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 11,5 bcfd trong tháng 4.

Tại Trung Quốc, giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 2,4% lên 2.053 CNY/tấn và than cốc tăng 3,1% lên 2.693 CNY/tấn.

Kim loại: Vàng tăng giá tuần thứ 4 liên tục, giá thép không gỉ liên tiếp lập kỷ lục

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm khỏi mức cao nhất 1 tháng khi khép lại phiên cuối tuần 16/7 do sức ép từ lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng nhẹ và USD mạnh lên: Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.814,11 USD/ounce, vàng kỳ hạn giảm 0,8% xuống 1.815 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng 0,3% và là tuần tăng thứ tư liên tiếp.

Mark Haefele - giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, đơn vị tư vấn cho nhiều người siêu giàu trên thế giới nhận định, lãi suất tại Mỹ sẽ tăng khi nền kinh tế phục hồi mạnh, nên lợi suất trái phiếu sẽ có xu hướng giảm khi lòng tin vào đà phục hồi kinh tế mạnh lên. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ tăng lên 2% vào cuối năm, phù hợp với sự phục hồi của thị trường chứng khoán.

Trước đó, trong phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng, thị trường lao động của Mỹ “còn lâu nữa” mới đạt được sự tiến triển cần thiết để Fed giảm sự hỗ trợ cho nền kinh tế và những lo ngại về khả năng nền kinh tế toàn cầu chững lại.

Về những kim loại quý khác, giá palladium phiên 16/7 giảm 3,2% xuống 2.644,20 USD/ounc và giảm trong cả tuần qua - cũng là tuần đầu tiên trong 4 tuần gần nhất. Tương tự, bạch kim giảm 2,9% xuống 1.105,03; bạc giảm 2,3% xuống 25,71 USD/ounce.

Thị trường gần như “miễn nhiễm” với nỗi sợ lạm phát khiến cho giá cả các mặt hàng này đều bị bán mạnh vào phiên 16/7. Tuy vậy, giá bạch kim được hỗ trợ nhiều hơn khi cuộc bạo động ở Nam Phi làm dấy lên mối lo về nguồn cung, khi các hoạt động sản xuất có nguy cơ bị gián đoạn.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, trong phiên 16/7, giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 1,9% lên 1.241 CNY/tấn; quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc tăng 1 USD lên 221,5 USD/tấn.

Đối với các loại thép, giá thép thanh vằn - dùng trong xây dựng - trên sàn Thượng Hải kỳ hạn giao tháng 10/2021 tăng 0,2% lên 5.559 CNY/tấn, trong khi giá thép cuộn cán nóng - dùng trong sản xuất và chế tạo - giảm 0,1% xuống 5.952 CNY/tấn.

Đáng chú ý, giá thép không gỉ trên thị trường Trung Quốc tiếp tục thêm gần 7% lên mức kỷ lục mới do tiêu thụ tăng mạnh, trong khi nguồn cung nguyên liệu thô không đáp ứng đủ nhu cầu giữa bối cảnh thị trường chưa hết lo ngại về việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép.

Theo đó, hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tham chiếu - kỳ hạn tháng 8/2021 - có thời điểm tăng 6,7% lên 19.175 CNY (2.965,15 USD)/tấn trong phiên 16/7, trước khi đóng cửa vẫn cao hơn 4,3% so với phiên liền trước, đạt 18.740 CNY/tấn, mức cao nhất kể từ khi giao dịch hợp đồng thép không gỉ bắt đầu lên sàn giao dịch Thượng Hải vào năm 2019. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp giá thép không gỉ lập những đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử.

Đối với kim loại cơ bản, giá thiếc cũng đạt mức cao kỷ lục do lo ngại nguồn cung giảm tại nước sản xuất lớn Myanmar, giá thép không gỉ tăng cũng đẩy giá nickel tăng lên mức cao nhất 5 tháng qua.

Theo đó, giá thiếc trên sàn London phiên 16/7 tăng 1,3% lên 33.565 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 33.840 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 4/2011 (33.600 USD/tấn). Giá nickel trên sàn London tăng 0,7% lên 19.085 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.

Myanmar hiện là nước sản xuất thiếc lớn thứ 3 thế giới, bị ảnh hưởng bởi các trường hợp nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng và một cuộc khủng hoảng chính trị. Hiệp hội Thiếc quốc tế cho biết, thị trường thiếc toàn cầu đạt 380.000 tấn và dự kiến trong năm 2021 sẽ thiếu hụt 10.200 tấn và tăng lên 12.700 tấn trong năm 2022.

Trong khi đó, giá đồng giảm nhẹ 0,5% về 4,323 USD/pound. Thị trường đang có sự tích lũy đi ngang rõ rệt với biên độ 4,229-4,370 USD/pound. Các tin tức xoay quanh nhu cầu tiêu thụ và các biện phấp kiểm soát giá của Chính phủ Trung Quốc dần trở nên bão hòa, nên các nhà đầu tư cần một chất xúc tác mạnh hơn để đưa giá bứt phá.

Nông sản: Sắc xanh bao phủ

Kết thúc tuần giao dịch 9-16/7 vừa qua, sắc xanh bao phủ hoàn toàn bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT.

Cụ thể, giá đậu tương tăng 4,7% lên 1.391,75 cents/giạ chủ yếu do lo ngại về hạn hán quay trở lại trong 2 tuần cuối tháng 7/2021 ở Midwest sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng mùa vụ tại đây. Tuy nhiên, kháng cự tâm lý ở mức 1.400 cents/giạ đã hạn chế đà tăng của đậu tương trong tuần.

Dầu đậu tương kết tuần tăng mạnh hơn 7% lên mức 65,22 cents/pound bằng chuỗi phiên tăng liên tiếp trong tuần. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, cùng với việc giá dầu thô neo ở mức cao là những nguyên nhân khiến giá dầu thực vật tăng mạnh, từ đó hỗ trợ cho đà tăng của dầu đậu tương. Khô đậu tương cũng tăng hơn 2% lên 366,2 USD/tấn - mức tăng nhẹ nhất trong số các mặt hàng nông sản do bị hạn chế bởi diễn biến trái chiều với giá dầu đậu tương.

Giá ngô cũng tăng gần 7% lên 522 cents/giạ, nhưng mô hình kỹ thuật đang khá yếu. Khô hạn khiến mực nước các con sông ở khu vực Nam Mỹ xuống thấp đến mức cảnh báo, gây cản trở cho quá trình vận chuyển ngũ cốc và xuất khẩu khu vực này - là yếu tố góp phần hỗ trợ cho giá ngô bên cạnh dự báo thời tiết khô nóng ở Midwest. Ngược lại, yếu tố thời tiết tại Brazil có sự cải thiện tốt hơn khi nhiệt độ không còn quá lạnh, phản ánh qua tiến độ thu hoạch nhanh hơn tại bang Mato Grosso là yếu tố đã hạn chế đà tăng của mặt hàng này.

Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu mức tăng của thị trường nông sản trong tuần vừa qua. Cụ thể, trong phiên 16/7, giá lúa mì tại Chicago tăng 3% và có tuần tăng mạnh nhất 6 năm, do điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến cây trồng lúa mì tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nga, làm dấy lên mối lo về nguồn cung toàn cầu.

Theo đó, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 20-1/4 US cent lên 6,92-1/4 USD/bushel và tính chung cả tuần tăng hơn 12% - tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2015. Giá lúa mì vụ xuân kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 22-1/2 US cent lên 9,16-1/2 USD/bushel, sau khi đạt 9,25 USD/bushel - mức cao nhất kể từ tháng 12/2012.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su giảm giá, đường và cà phê duy trì đà tăng

Kết thúc phiên 16/7, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,38 US cent (+2,2%) lên 17,71 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 7,7 USD (+1,8%) lên 443,7 USD/tấn. Tính cả tuần, giá các mặt hàng đường đều tăng.

Giá cà phê arabica tăng gần 3% do các vấn đề logistics đã hạn chế dòng cà phê từ 2 nước xuất khẩu hàng đầu; arbica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE tăng 4,3 US cent (+2,7%) lên 1,6135 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London tăng 11 USD (+0,6%) lên 1.767 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 2,5 năm (1.777 USD/tấn).

Giá dầu cọ Malaysia tăng mạnh hơn 8% lên 4.216 MYR/tấn, quay trở lại mức cao nhất 2 tháng nhờ nguồn cung dầu thực vật eo hẹp cùng với việc đồng Ringgit của Malaysia (MYR) giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 đến nay.

Giá cao su tại Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất 8 tháng trong ngày 12/7 do kỳ vọng thị trường tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc sẽ hỗ trợ nhiều hơn để củng cố sự phục hồi nền kinh tế sau Covid. Mặc dù vậy, giá cao su vẫn có tuần giảm.

Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Osaka tăng 1 JPY (+0,5%) lên 214,9 JPY (2 USD)/kg trong phiên 16/7, nhưng cả tuần vẫn giảm 0,7% - tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại đại dịch Covid-19 trên toàn cầu gia tăng; cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 315 CNY lên 13.570 CNY (2.098 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn)

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn)

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục