Thị trường hàng hóa tuần từ 19-26/8: Giá dầu tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch vừa qua 19-26/8, giá dầu tăng 4,4% bởi thông tin cắt giảm sản lượng và đà tăng được dự báo tiếp tục duy trì trong tuần này. Tương tự, các mặt hàng ngô, lúa mì, đậu tương, đường, đồng, sắt, thép… cũng đi lên trong tuần.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu tăng 4,4%; giá khí tại Mỹ giảm, tăng kỷ lục tại châu Á

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tăng trở lại trong phiên cuối tuần qua 26/8, được thúc đẩy bởi thông tin cắt giảm sản lượng.

Cụ thể, kết phiên này, dầu thô Brent giao sau tăng 1,65 USD lên 100,99 USD/thùng, dầu thô Mỹ (WTI) giao sau tăng 54 cent lên 93,06 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu Brent tăng 4,4% và dầu WTI tăng 2,5%.

Giá dầu được hỗ trợ trước triển vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ hạn chế sản lượng để bù đắp sự gia tăng nguồn cung dầu từ Iran nếu Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây. Ngày 25/8, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở thành thành viên mới nhất của OPEC+ (OPEC và các đồng minh) ủng hộ khả năng cắt giảm sản lượng dầu.

Theo các chuyên gia, số liệu khả quan của kinh tế Mỹ đã giúp xua tan lo ngại về một cuộc suy thoái đang diễn ra. Nhờ vậy, giá dầu đang hướng đến mức tăng khoảng 3% trong tuần này.

Số lượng giàn khoan dầu, một dấu hiệu cho thấy sản lượng trong tương lai, đã tăng thêm 4 giàn lên 605 giàn trong tuần tính đến ngày 26/8, Baker Hughes Co BKR.N cho hay.

Cùng ngày, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC) cho biết, các nhà quản lý tiền tệ đã nâng các vị thế quyền chọn và hợp đồng dầu thô dài hạn ròng của Mỹ trong tuần qua thêm 24.215 hợp đồng, lên 179.039 hợp đồng.

Trên thị trường khí đốt, hợp đồng khí đốt tự nhiên (LNG) của Mỹ giảm trong phiên 27/8, đảo ngược mức tăng trước đó và kết thúc giảm trong tuần. Cụ thể, giá khí đốt giao tháng 9/2022 giảm 7,9 cent (-0,8%) xuống 9,296 USD/ triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), cả tuần giảm khoảng 0,7%.

Từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tại Mỹ đã tăng khoảng 150% do giá cao hơn ở châu Âu và châu Á khiến nhu cầu xuất khẩu LNG của nước này tăng mạnh. Giá khí đốt toàn cầu cũng vọt do gián đoạn nguồn cung.

Trong khi đó, giá LNG giao ngay tại châu Á đạt mức cao kỷ lục trong tuần qua, nguyên nhân bởi các nhà nhập khẩu Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường mua LNG nhằm đảm bảo nguồn cung trước mùa đông, việc này đã thu hẹp sự chênh lệch giá thành với châu Âu.

Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 10/2022 tới Đông Bắc Á ước đạt 57 USD/mmBtu, tăng 9 USD/mmBtu (+18,8%) so với tuần trước đó. Con số này vượt qua mức kỷ lục ước tính của Reuters trong tháng 12/2022 là hơn 48 USD/ mmBtu.

Giá LNG tăng vọt dẫn đến việc giá kỳ hạn cao hơn giá giao ngay. Hiện giá trong những tháng mùa Đông cao điểm là trên 62 USD/mmBtu.

Ciaran Roe, Giám đốc Toàn cầu về LNG thuộc S&P Global Commodity Insights cho biết, giá LNG châu Âu chạm mức 70 USD/mmBtu, làm gia tăng chênh lệch lên gần 15 USD/mmBtu so với giá LNG ở Bắc Á.

Cũng theo chuyên gia này, S&P Global Commodity Insights định giá LNG trên cơ sở xuất xưởng (DES) được giao đến Tây Bắc Âu (NWE) ở mức 59,934 USD/mmBtu vào ngày 18/8, giảm 12,20 USD/mmBtu so với giá TTF tháng 10/2022.

Spark Commodities đã định mức giá LNG DES của Tây Bắc Âu trong tháng 9/2022 ở mức 13,855 USD/mmBtu, giảm so với giá TTF, mức thấp kỷ lục trong tuần thứ 4 liên tiếp.

Giá cước vận chuyển LNG giao ngay tại Đại Tây Dương được Spark Commodities ước tính vào thứ Sáu (19/8) là 70.500 USD/ngày, tăng 18% so với tuần trước nữa khi bắt đầu thắt chặt thị trường, trong khi giá cước tại Thái Bình Dương ở mức 56.750 USD/ngày.

Kim loại: Giá vàng giảm; đồng, thiếc, kẽm, sắt, thép tăng giá và nhôm, chì biến động trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng, nền kinh tế Mỹ cần chính sách thắt chặt tiền tệ cho tới khi lạm phát được kiểm soát.

Cụ thể, kết thúc phiên 26/8, vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.738,14 USD/ounce, ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp với mức giảm 0,4%; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2022 đóng cửa giảm 1,2% xuống 1.749,8 USD/ounce.

Nhà phân tích Suki Cooper thuộc Standard Chartered cho biết, vàng có thể trong xu hướng giảm những tháng tới, nhưng hầu hết nguy cơ giảm giá đã được định trong giá.

Mức cộng của vàng giao ngay tại Trung Quốc tăng vọt trong tuần qua, lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, trong khi nhu cầu ở Ấn Độ yếu.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng đã mất đà tăng khi chạm mức cao nhất trong gần 2 tháng sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed. Trước đó, giá các kim loại cơ bản như đồng, nhôm tăng vọt do lo lắng về khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng tới sản lượng, trong khi nguồn cung eo hẹp và tồn kho thấp.

Cụ thể, kết thúc phiên 26/8, giá đồng giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2,3% lên 8.318 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 30/6/2022 trước khi lùi về mức 8.163 USD/tấn (+0,4%).

Đồng đã tăng giá 17% kể từ khi xuống mức thấp nhất 20 tháng vào ngày 15/7/2022, nhưng vẫn giảm 25% từ mức đỉnh kỷ lục hồi tháng 3/2022.

Giá đồng thoái lui sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ cần chính sách thắt chặt tiền tệ trong một thời gian trước khi lạm phát được kiểm soát, có nghĩa là tăng trưởng chậm hơn. Trước đó, giá đồng đi lên bởi lo ngại giá năng lượng tăng khiến các nhà máy luyện cắt giảm sản xuất và tăng chi phí để sản xuất kim loại.

Về các kim loại công nghiệp khác, trên sàn London, giá nhôm tăng 0,1% lên 2.435 USD/tấn, giá kẽm tăng 0,5% lên 3.566 USD/tấn và ngược lại, giá chì giảm 0,2% xuống 1.971,5 USD/tấn.

Trên sàn Thượng Hải, giá nhôm giảm 0,7% và giá chì giảm 0,7% và ngược lại, giá kẽm tăng 0,9%, giá nikel tăng 1,8%, giá thiếc tăng 0,2%.

Giá quặng sắt Trung Quốc có tuần tăng tốt nhất trong 4 tuần, do các nhà máy thép tăng cường mua trong bối cảnh tồn kho thấp và kỳ vọng nhu cầu người dùng cuối tốt hơn khi tình trạng thời tiết được cải thiện.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, quặng sắt giao tháng 1/2023 đóng cửa tăng 3% lên 735 CNY (107,1 USD)/tấn và cả tuần tăng 6,4% - tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 29/7/2022.

Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 tăng 2,5% lên 105,6 USD/tấn.

Các thương nhân dự kiến giá quặng sắt khả năng tăng thêm 10 USD/tấn trong thời gian tới, nhưng chiều hướng giá phụ thuộc vào chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc.

Tại Thượng Hải, hợp đồng thép thanh tăng 0,4% lên 4.097 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 4.061 CNY/tấn và thép không gỉ tăng 1,7% lên 15.455 CNY/tấn

Nông sản: Ngô, lúa mì và đậu tương đồng loạt tăng giá

Ngô và đậu tương trên Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) tăng do lo ngại về thời tiết khô, nóng làm giảm sản lượng.

Cụ thể, hợp đồng ngô CBOT được giao dịch nhiều nhất đóng cửa tăng 14-1/4 US cent lên 6,64-1/4 USD/bushel; đậu tương tăng 30 US cent lên 14,61-1/4 USD/bushel; lúa mì tăng 16-1/4 US cent lên 8,05-1/4 USD/bushel.

Công ty Dịch vụ tư vấn Pro Farmer đưa ra dự đoán, sản lượng ngô của Mỹ là 13,759 tỷ bushel - có thể là thấp nhất kể từ năm 2019 và thấp hơn dự báo 14,359 tỷ bushel của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tương tự, sản lượng đậu tương là 4,535 tỷ bushel, cao hơn một chút so với dự báo 4,531 tỷ bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường tiếp tục đi lên, cà phê vẫn giảm giá, cao su diễn biến trái chiều

Đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 đóng cửa phiên 26/8 tăng 0,57 US cent (+3,2%) lên 18,47 US cent/lb. Đường trắng cùng kỳ hạn tăng 12 USD (+2,2%) lên 559,9 USD/tấn.

Các đại lý cho biết, thị trường đường được củng cố bởi thiếu hụt xuất khẩu từ Ấn Độ và những lo ngại sản lượng tại Trung Nam Brazil giảm so với dự kiến trong tháng 9/2022. Tuy nhiên, khả năng giá nhiên liệu giảm tiếp tại Brazil vẫn phản ánh xu thế giảm giá. Giá nhiên liệu giảm có thể dẫn tới nhiều mía hơn được sử dụng để sản xuất đường.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 đóng cửa giảm 1,4 US cent (-0,6%) xuống 2,381 USD/lb. Giá đã arabicalên đỉnh 6 tháng tại mức 2,4295 USD/lb trong ngày 25/8. Các đại lý cho biết, thị trường mua quá nhiều về mặt kỹ thuật sau đợt tăng giá mạnh gần đây và có thể thiết lập sự sụt giảm trong ngắn hạn.

Cà phê robusta kỳ tháng 11/2022 cũng giảm 33 USD (-1,4%) xuống 2.279 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất 7,5 tháng tại mức 2.355 USD/tấn trong ngày 24/8/2022. Giá robusta tăng được thúc đẩy một phần bởi thời tiết khô hạn tại Việt Nam, làm giảm triển vọng vụ cà phê sắp tới.

Giá cao su Nhật Bản tăng trong phiên giao dịch 26/8 do thị trường Thượng Hải giảm bớt tổn thất bởi việc săn giá hời trước cuối tuần. Cụ thể, trên Sàn giao dịch Osaka, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2023 đóng cửa tăng 0,2 JPY lên 226,2 JPY (1,7 USD)/kg sau khi giảm xuống 223,5 JPY/kg trong đầu phiên.

Tại Thượng Hải, giá cao su giao tháng 1/2023 giảm 5 CNY xuống 12.670 CNY (1.846 USD)/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp 12.460 CNY/tấn trước đó.

Tâm lý thị trường gần đây bị ảnh hưởng bởi những dấu hiệu về sự suy yếu mới tại Trung Quốc từ khủng hoảng bất động sản, sự bùng phát Covid-19 và các đợt nắng nóng làm gián đoạn sản xuất tại một số tỉnh. Dự trữ cao su tại các kho được sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giám sát tăng 1% so với một tuần trước.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục