Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 23-30/11: Vàng giảm mạnh nhất 2 tháng, giá cà phê cũng lùi sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 11 (từ 23-30/11), thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận giá vàng giảm mạnh nhất từ tháng 9, giá cà phê cũng lùi sâu sau khi đạt mức kỷ lục , trong khi nhóm kim loại màu, kim loại đen, ca cao, cao su, ngô, đậu tương… đều tăng giá.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 23-30/11: Vàng giảm mạnh nhất 2 tháng, giá cà phê cũng lùi sâu

Năng lượng: Giá dầu và khí LNG cùng giảm sâu

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm nhẹ trong phiên 29/11 và ghi nhận mức giảm hơn 3% trong tuần, nhờ cuộc xung đột Israel - Hezbollah có dấu hiệu giảm bớt và triển vọng nguồn cung tăng vào năm 2025, cho dù OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 34 cent (-0,46%) xuống 72,94 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 72 cent (-1,05%) xuống 68 USD/thùng, so với mức đóng cửa trước kỳ nghỉ lễ Lễ Tạ ơn hôm thứ Năm. Trong tuần, giá dầu Brent giảm 3,1% và dầu WTI giảm 4,8%.

Nhiều xe tăng của Israel tiến vào một ngôi làng biên giới Lebanon, theo thông tin từ cơ quan tin tức chính thức của nước này vào thứ Sáu. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 27/11 làm giá dầu giảm, dù cả 2 bên đều bị cáo buộc vi phạm.

Tuy nhiên, xung đột Trung Đông không làm gián đoạn nguồn cung, mà còn dự kiến dồi dào hơn vào năm 2025. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo có thêm hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd), tương đương hơn 1% sản lượng toàn cầu.

Nhóm OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm cả Nga, đã hoãn cuộc họp chính sách tiếp theo từ 1/12 đến ngày 5/12. OPEC+ dự kiến sẽ quyết định tiếp tục kéo dài việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp này.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters đối với 41 nhà phân tích, giá dầu Brent có thể đạt trung bình 74,53 USD/thùng vào năm 2025, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ 7 liên tiếp trong cuộc khảo sát của Reuters.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tương lai của Mỹ giảm mạnh do sản lượng tăng và dự báo thời tiết ít lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm thấp hơn trong hai tuần tới so với dự kiến trước đó. Cụ thể, hợp đồng tương lai LNG tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York đã giảm 26,3 Uscent (-7,6%) xuống 3,204 USD/mmBTU.

Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Hoa Kỳ đã tăng lên 101,4 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay trong tháng 11, từ mức 101,1 bcfd trong tháng 10. Con số này tương đương với mức kỷ lục 105,3 bcfd vào tháng 12/2023.

Theo dự báo của các nhà phân tích, giá khí đốt trung bình hàng năm tại Henry Hub sẽ tăng hơn 40% vào năm 2025 sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trong năm 2024.

Với thời tiết lạnh hơn theo mùa sắp tới, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 114,5 bcfd trong tuần này lên 131,0 bcfd vào tuần tới.

Lượng khí đốt vào 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn đang hoạt động của Hoa Kỳ đã tăng lên mức trung bình 13,5 bcfd cho đến nay trong tháng 11, từ mức 13,1 bcfd trong tháng 10. Con số này so với mức cao kỷ lục hàng tháng là 14,7 bcfd vào tháng 12/2023.

Kim loại: Giá vàng giảm mạnh nhất 3 tháng, đồng nhích tăng, quặng sắt bật mạnh

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng lên nhờ USD giảm và các căng thẳng địa chính trị kéo dài, nhưng vẫn ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2023, sau đợt bán tháo sau bầu cử do chiến thắng của Donald Trump.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.652,71 USD/ounce, nhưng vẫn giảm hàng tuần khoảng 2% sau đợt sụt giảm mạnh vào đầu tuần qua. Hợp đồng vàng tương lai của Mỹ cũng tăng 0,6% ở lên 2.681 USD/ounce.

Giá vàng đã giảm 3% tính đến nay trong tháng 11/2024, mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 9/2023, khi “cơn cuồng Trump” đã thúc đẩy USD vào đầu tháng này và làm chững lại đà tăng của vàng, kích hoạt một đợt bán tháo sau bầu cử.

Chỉ số USD-Index giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tuần, nhưng tăng 2% trong tháng 11, do chiến thắng của Trump vào ngày 5/11 đã làm dấy lên kỳ vọng về các khoản chi tiêu tài chính lớn, thuế cao hơn và biên giới chặt chẽ hơn.

Vàng được hỗ trợ bởi các căng thẳng địa chính trị và các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay, hiện đối mặt với áp lực khi thuế cao hơn có thể làm tăng lạm phát và buộc Fed phải thận trọng hơn.

Về các kim loại quý khác, bạc giao ngay tăng 0,9% lên 30,54 USD/ounce; platinum tăng 1,7% lên 946,83 USD/ounce và palladium tăng 0,7% lên 981,63 USD/ounce, song vẫn ghi nhận mức giảm trong tháng.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng đi lên nhờ các tín hiệu nhu cầu mạnh hơn từ Trung Quốc, song mức tăng bị hạn chế bởi các mức thuế có thể áp dụng từ Mỹ.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,1% lên 9.014 USD/tấn, nhưng vẫn giảm khoảng 5% trong tháng 11. Hợp đồng đồng tương lai Comex của Mỹ tăng 0,4% lên 4,11 USD/pound.

Hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 1/2025 giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) gần như không thay đổi ở mức 73.830 CNY (10.216,28 USD)/tấn và ghi nhận mức giảm tháng thứ 2 liên tiếp.

Giá đồng trên sàn LME đã giảm 11% kể từ khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng 10.158 USD/tấn vào ngày 30/9/2024, khi các nhà đầu tư bán tháo các vị thế lạc quan vì lo ngại về thuế và sự thất vọng về việc thiếu các biện pháp kích thích mạnh mẽ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một số tín hiệu tích cực đang xuất hiện tại đây, bao gồm việc tồn kho đồng trên sàn SHFE đã giảm 2/3 kể từ đầu tháng 6/2024, xuống còn 108.775 tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 5/2/2024.

Các nhà đầu tư cũng hy vọng rằng dữ liệu sắp tới sẽ cho thấy các biện pháp kích thích của Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng. Các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters dự báo rằng, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng khiêm tốn trong tháng 11, đánh dấu tháng tăng trưởng liên tiếp thứ 2, trong khi giá nhà dự kiến sẽ ổn định vào năm 2026 sau đà giảm chậm lại trong giai đoạn 2024-2025. Ngoài ra, sự yếu đi của USD cũng hỗ trợ giá kim loại, khiến các kim loại có giá tính bằng “đồng bạc xanh” trở nên rẻ hơn đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác.

Cũng trên sàn LME, giá nhôm gần như không thay đổi ở mức 2.598 USD/tấn; kẽm tăng 1,6% lên 3.104 USD/tấn; chì tăng 0,8% lên 2.074 USD/tấn; thiếc tăng 2,4% lên 28.860 USD/tấn; trong khi niken giảm 1% xuống 15.905 USD/tấn.

Ở nhóm kim loại đen, hợp đồng tương lai quặng sắt trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một tháng, kết thúc tuần với mức tăng, khi triển vọng kinh tế mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc đã nâng cao tâm lý thị trường.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt tháng 1/2025 trên DCE tăng 1,14% lên 797,5 CNY (110,29 USD)/tấn. Hợp đồng này đã có lúc đạt 806,5 CNY/tấn - mức cao nhất kể từ ngày 14/10/2024 và tăng 2,9% trong tuần.

Trên Sàn Giao dịch Singapore, giá quặng sắt tháng 12/2024 tăng 0,94% lên 104,7 USD/tấn và tăng 3,12% trong tuần. Trước đó, giá đạt mức 104,55 USD/tần - cao nhất kể từ ngày 8/11/2024.

Các cuộc khảo sát đã bổ sung thêm một chuỗi dữ liệu gần đây cho thấy, các biện pháp kích thích đang dần phát huy tác dụng và mang lại động lực cần thiết cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Trên sàn SHFE, giá thép cây tăng gần 0,5%; thép cuộn cán nóng tăng khoảng 0,6%; dây thép tăng khoảng 0,5%; trong khi thép không gỉ giảm 0,46%.

Nông sản: Ngô và đậu tương tăng giá, đi ngược với lúa mì

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (29/11), hợp đồng tương lai đậu tương CBOT (Mỹ) tăng 0,75 cent lên 9,89 USD/giạ chủ yếu nhờ giao dịch kỹ thuật và nhu cầu xuất khẩu tăng nhẹ. Tuy vậy, mặt hàng này vẫn đang chịu áp lực trước dự báo về các cơn mưa kịp thời ở Brazil và Argentina - điều sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển mùa vụ ở 2 quốc gia này, vốn đã được dự báo sẽ mang lại năng suất khá lớn, các nhà phân tích cho biết.

Tương tự, hợp đồng tương lai ngô tăng 5 cent lên 4,33 USD/giạ, cũng nhờ giao dịch kỹ thuật và các yếu tố mùa vụ tích cực ở thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư điều chỉnh lại vị thế sau ngày nghỉ lễ Tạ ơn vào thứ Năm (28/11) cũng góp phần giúp ngô tăng giá.

Trong khi đó, hợp đồng tương lai lúa mì giảm 0,5 cent xuống 5,48 USD/giạ sau một ngày giao dịch biến động, bị ảnh hưởng bởi việc cả Nga và Argentina cùng xuất lúa mì ra thị trường toàn cầu với mức giá thấp.

Tại Trung Quốc, giá lúa mì giảm nhẹ 0,51% trong phiên hôm nay (2/12) so với phiên trước đó và giao dịch ở mức 2.716 USD/tấn. Tính trong tuần qua, giá lúa mì tại đây tăng 1,74% và tăng 3,11% trong tháng qua.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Trung Quốc là quốc gia sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 18% tổng sản lượng lúa mì thế giới, tiếp theo là Ấn Độ chiếm khoảng 15% và Hoa Kỳ chiếm khoảng 12%.

Nga và Ukraine là 2 quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 29% tổng xuất khẩu lúa mì thế giới. Xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn xuất khẩu lúa mì từ hai nước này, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá lúa mì tăng cao.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường và cà phê giảm mạnh, ngược chiều ca cao và cao su

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, hợp đồng đường thô tháng 3/2025 giảm mạnh 2,8% xuống 21,08 cent/pound; đường trắng cùng kỳ hạn cũng giảm 1,5% xuống 547,70 USD/tấn. Sự giảm giá này là do cung cầu ít biến động và nhu cầu từ các thị trường chính chưa có sự hồi phục mạnh.

Các nhà giao dịch lưu ý rằng, vụ mía đường của Brazil có dấu hiệu yếu, góp phần hỗ trợ giá, với việc các nhà máy đường đóng cửa sớm hơn bình thường. Cơ quan Nông nghiệp của Brazil - Conab, vào thứ Năm ước tính sản lượng đường của nước này niên vụ 2024-2025 sẽ đạt 44 triệu tấn, giảm so với dự báo trước đó là 46 triệu tấn.

Hợp đồng tương lai cà phê Arabica trên sàn ICE giảm 1,5% về 3,1805 USD/pound, sau khi đạt mức cao nhất kể từ năm 1977 là 3,3545 USD/pound. Tính từ đầu năm tới nay, giá cà phê Arabica đã tăng khoảng 71% - trở thành một trong những mặt hàng có hiệu suất tốt nhất, bên cạnh ca cao. Tương tự, giá cà phê Robusta cũng tăng lên mức cao nhất 47 năm, đạt 5.694 USD/tấn trong phiên, trước khi giảm 2,7% về 5.377 USD/tấn.

Giá cà phê giảm vào cuối tuần qua (29/11) sau khi đạt mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ, do nguồn cung cà phê Arabica từ Brazil gặp khó khăn. Vụ mùa năm sau tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng bởi hạn hán, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Thêm vào đó, một số nông dân Brazil đã trì hoãn giao hàng trong hy vọng có thể đạt được mức giá cao hơn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt cà phê trong ngắn hạn.

Với ca cao, hợp đồng tương lai trên sàn ICE (New York, Mỹ) tăng mạnh 3,9% lên 9.425 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất trong 5 tháng là 9.520 USD/tấn. Tương tự, giá ca cao London (Anh) tăng 1,3% lên 7.708 USD/tấn, sau khi đạt đỉnh 7.772 USD/tấn. Sự tăng giá mạnh mẽ này chủ yếu do vụ mùa thất bát ở các quốc gia sản xuất lớn nhất như Bờ Biển Ngà và Ghana, dẫn đến nguồn cung ca cao bị thắt chặt.

Giá cao su tương lai Nhật Bản giảm trong phiên 29/11, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trong tuần, khi các nhà đầu tư cân nhắc giữa lo ngại về nguồn cung và triển vọng kinh tế không chắc chắn của Trung Quốc.

Cụ thể, cao su giao tháng 5/2025 trên Sàn Giao dịch Osaka (OSE) giảm 4,1 JPY (-1,12%) xuống 363 CNY (2,43 USD)/kg, nhưng tăng 1,82% trong tuần. Trong khi đó, hợp đồng cao su cùng kỳ hạn trên sàn SHFE tăng 160 CNY (+ 0,88%) lên 18.260 CNY (2.526,74 USD)/tấn và tăng 4,61% trong tuần. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn SICOM (Singapore) tăng 0,7% lên 192,3 Uscent/kg.

Lo ngại về nguồn cung toàn cầu giảm và khả năng nhu cầu mạnh mẽ trước các mức thuế mới của Mỹ đang thúc đẩy xu hướng tăng mạnh trong giá cao su thiên nhiên. Dù vậy, sự không chắc chắn về kích thích tài chính của Trung Quốc, lo ngại về các rủi ro thương mại liên quan đến thuế quan cao hơn của Mỹ và sự gia tăng mạnh của đồng yên Nhật dự kiến sẽ hạn chế đà tăng giá, theo Jom Jacob - nhà phân tích trưởng tại công ty phân tích Ấn Độ What Next Rubber.

Đồng yên đã tăng mạnh 1,2% lên mức cao nhất trong 6 tuần là 150 JPY/USD, điều này khiến tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục