Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 19-26/8: Giá dầu, đồng, thép, ngô, lúa mì giảm; quặng sắt, bạc, đường, cà phê, cao su, đậu tương bật mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch tuần từ 19-26/8, diễn biến giá hàng hóa thế giới có sự phân hóa khá rõ nét với sự đi xuống của d ầu, đồng, thép, ngô, lúa mì…, trong khi quặng sắt, bạc, đường, cà phê, cao su, đậu tương… bật mạnh.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 19-26/8: Giá dầu, đồng, thép, ngô, lúa mì giảm; quặng sắt, bạc, đường, cà phê, cao su, đậu tương bật mạnh

Năng lượng: Giá dầu giảm 2%, khí LNG biến động mạnh

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng khoảng 1% lên mức cao nhất trong tuần vào thứ sáu (25/8) do giá dầu diesel của Mỹ tăng mạnh, số lượng giàn khoan dầu giảm.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,12 USD (+1,3%) lên 84,48 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 78 US cent (+1%) lên 79,83 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm gần 1% và dầu WTI giảm khoảng 2%. Tuần trước nữa, cả hai loại dầu này cùng giảm khoảng 2%.

Trong tháng 8, các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tháng thứ 9 liên tục, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho hay.

Giá dầu thô tăng trong phiên 25/8 bất chấp tin tức kinh tế yếu từ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và USD tăng lên mức cao nhất trong 11 tuần so với rổ các loại tiền tệ khác sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết có thể sẽ tăng lãi suất để chống lạm phát nếu cần thiết.

Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ. USD mạnh hơn cũng có thể làm chậm nhu cầu bằng cách khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent sẽ được hỗ trợ tốt quanh vùng giá 80 USD/thùng, dầu thô có khả năng tiếp tục thâm hụt trong những tháng cuối năm 2023 trước khi quay trở lại mức thặng dư nhỏ vào đầu năm 2024. Tuy nhiên, khả năng thâm hụt dầu thô là không thể tránh khỏi, John Evans của Công ty Môi giới dầu mỏ PVM cho biết.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt giao tháng 9/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 2,1 cent (+0,8%) lên 2,540 USD/mmBtu vào thứ Sáu (25/8) do dự báo thời tiết nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài sang tuần tới. Tuy nhiên, hợp đồng này giảm gần 1% trong tuần sau khi giảm 8% vào tuần trước nữa.

Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) dự báo một cơn bão nhiệt đới có thể hình thành ở Biển Caribe hoặc Vịnh Mexico trong tuần tới.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống 101,6 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) từ đầu tháng 8 đến nay, giảm từ 101,8 bcfd trong tháng 7. Điều đó so sánh với kỷ lục hàng tháng là 102,2 bcfd trong tháng 5.

Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 103,9 bcfd trong tuần này lên 104,3 bcfd vào tuần tới trước khi giảm xuống 102,6 bcfd do thời tiết chuyển sang mát mẻ hơn theo mùa.

Trong khi đó, giá khí đốt trên thị trường châu Á tuần qua đã tăng lên mức cao nhất 5 tháng do nguy cơ có thể xảy ra đình công tại một số cơ sở sản xuất ở Australia làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Cụ thể, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỳ hạn tháng 10/2023 giao tới Đông Bắc Á đã tăng lên 14 USD/mmBtu trong tuần qua, từ mức 11,50 USD/mmBtu của tuần trước nữa. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2023.

Ở châu Âu, lượng khí dự trữ đã đạt 90% trước thời hạn - ngày 1/11/2023. Cao ủy EU về Năng lượng Kadri Simson cho biết, thị trường năng lượng của khối đang ở vị trí ổn định hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái.

S&P Global Commodity Insights công bố giá LNG Marker (NWM) hàng ngày ở Tây Bắc Âu kỳ hạn giao tháng 9/2023 trên cơ sở xuất xưởng (DES) ở mức 12,799 USD/mmBtu vào ngày 17/8/2023, giảm 0,7 USD/mmBtu so với khí kỳ hạn tháng 10 tại trung tâm gas TTF của Hà Lan. Argus thông báo giá DES ở khu vực này là 12,85 USD/mmBtu, trong khi Spark Commodities ước tính giá ở mức 11,562 USD/mmBtu.

Spark Commodities cho biết, đợt tăng giá theo mùa của giá cước vận chuyển LNG giao ngay bắt đầu sớm hơn một tháng so với năm ngoái, với giá cước vận chuyển trên biển Thái Bình Dương lần đầu tiên tăng trên 100.000 USD/ngày kể từ đầu tháng 1/2023, đạt 108.500 USD/ngày vào thứ Sáu (18/8/2023). Cước vận chuyển trên biển Đại Tây Dương cũng tăng lên 101.500 USD/ngày.

Kim loại: Giá bạc, quặng sắt vọt tăng, ngược chiều với đồng, thép…

Ở nhóm kim loại quý, đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, giá bạc và bạch kim đã chấm dứt chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp, trong khi giá vàng lấy lại mốc 1.900 USD/ounce và ngắt chuỗi giảm 4 tuần liên tục.

Cụ thể, giá bạc bứt phá 6,6% lên 24,23 USD/ounce, bạch kim tăng 3,63%, đóng cửa tuần tại mức 948,3 USD/ounce. Giá vàng lên mức 1.914,5 USD/ounce sau khi tăng 1,39% trong tuần.

Sau thời gian dài các mặt hàng kim loại quý chịu sức ép bởi USD mạnh lên làm suy yếu nhu cầu đầu tư và tiêu thụ. USD suy yếu trong một vài phiên trong tuần qua đã góp phần cải thiện sức mua trên thị trường này. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng kim loại quý cũng tăng nhờ tâm lý “bắt đáy” sau thời gian dài đi xuống.

Đáng chú ý, bạc sở hữu mức tăng giá mạnh nhất nhóm bởi nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Cụ thể, sản lượng bạc trong tháng 6/2023 của Mexico - quốc gia sản xuất bạc lớn nhất thế giới - đạt hơn 302.000 kg, giảm 11% so tháng 5 và là mức thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây, dữ liệu từ Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico (INEGI) cho biết.

Ở nhóm kim loại cơ bản, trong phiên 25/8, giá đồng giảm trở lại sau 5 phiên tăng, do bất ổn xung quanh lãi suất cao hạn chế tăng trưởng toàn cầu bù đắp sự lạc quan về gia tăng nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu dùng kim loại hàng đầu.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,1% về 8.360 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 10/8/2023. Giá đồng tương lai trên sàn Comex của Mỹ giảm 1,1% về 3,77 USD/lb.

Tuy nhiên, giá đồng trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đạt mức cao gần 3 tuần trong bối cảnh hy vọng nhu cầu sẽ tăng lên nhờ hỗ trợ chính sách và mùa tiêu thụ cao điểm sắp tới ở Trung Quốc.

Giá đồng cao cấp Yangshan của Trung Quốc tăng lên 48 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 7/7/2023, cho thấy nhu cầu đồng nhập khẩu tăng cao.

USD vững hơn gây áp lực lên giá kim loại, do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước hội nghị chuyên đề Jackson Hole của Fed. “Đồng bạc xanh” mạnh lên khiến cho hàng hóa định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng đồng tiền khác.

Giá một số kim loại cơ bản khác trên sàn LME: Chì giảm 0,5% về 2.177 USD/tấn sau khi chạm mức mạnh nhất kể từ cuối tháng 1/2023; nhôm giảm 1% về 2.157 USD/tấn; nikel giảm 0,6% về 20.840 USD/tấn; thiếc giảm 1,4% về 25.755 USD/tấn; ngược lại, giá kẽm tăng 0,6% lên 2.384,5 USD/tấn.

Về nhóm kim loại đen, tại phiên 25/8, giá quặng sắt tiếp tục tăng tại Singapore, đưa kim loại này đi đúng hướng với mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 11 tuần, được củng cố bởi sự hỗ trợ chính sách của Trung Quốc đối với đà phục hồi kinh tế đang chững lại và sự lạc quan về triển vọng nhu cầu trong thời gian tới.

Mặc dù có ít thay đổi trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, nhưng tiêu chuẩn nguyên liệu sản xuất thép của Trung Quốc cũng sẵn sàng ghi nhận một cột mốc hàng tuần tương tự, trước sự phục hồi theo mùa trong hoạt động xây dựng từ tháng 9 đến tháng 10.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt chuẩn giao tháng 9/2023 trên sàn Singapore tăng 1,5% lên 113,6 USD/tấn, sau khi giảm 1,2% sau đợt tăng kéo dài 5 phiên. Tính cả tuần, giá quặng sắt tăng hơn 6%.

Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt giao tháng 1/2024 tăng 0,1% lên 823 CNY (tương đương 112,93 USD)/tấn, sau khi dao động qua lại.

Dữ liệu tư vấn của SteelHome cho thấy, quặng sắt giao ngay cũng tăng hơn 6% trong tuần qua, giao dịch ở mức cao nhất trong 4 tuần là 116,5 USD/tấn.

Theo Bộ Công nghiệp Trung Quốc, nước này đang đặt mục tiêu đạt được sự cân bằng cung cầu trên thị trường thép trong năm nay, ngay cả khi phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nền kinh tế đang suy thoái và những khó khăn trên thị trường bất động sản.

Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác trên sàn Đại Liên giảm sau mức tăng gần đây, với giá than luyện cốc than cốc lần lượt giảm 1,2% và 1%. Theo đó, giá thép tại Thượng Hải cũng giảm: Thép thanhthép cuộn đều giảm 0,5%; thép không gỉ giảm 1,1%.

Nông sản: Giá đậu tương tăng tuần thứ 2 liên tục, đi ngược ngô và lúa mì

Giá đậu tương tại sàn giao dịch Chicago tăng sau một tuần nắng nóng có thể ảnh hưởng tới cây trồng trên khắp vùng Trung Tây Mỹ, trong khi doanh số xuất khẩu bổ sung thêm hỗ trợ. Cụ thể, đậu tương kỳ hạn tháng 11/2023 đóng cửa tăng 16 US cent lên 13,87-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, hợp đồng này tăng 2,48% và là tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Ngô giảm nhẹ sau khi giao dịch theo cả 2 chiều trong phiên 25/8 do việc cân nhắc giữa tình trạng mùa màng với nhu cầu xuất khẩu yếu. Cụ thể, ngô CBOT kỳ hạn tháng 12/2023 giảm 1/4 US cent về 4,88 USD/bushel và giảm 1,22% trong cả tuần.

Lúa mì giảm áp lực bởi USD mạnh lên và nguồn cung toàn cầu, cho dù những vấn đề sản lượng đã được ghi nhận ở Nam bán cầu. Cụ thể, lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đồng giao tháng 12/2023 giảm 10 US cent về 6,21-3/4 USD/bushel và giảm 2,97% trong tuần.

Nguyên liệu công nghiệp: Đồng loạt tăng giá

Trong tuần qua, giá 2 loại đường đồng loạt tăng mạnh, với đường 11 tăng 4,5% lên 547,41 USD/tấn và đường trắng tăng 3,26% lên 709,4 USD/tấn. Việc Ấn Độ lên kế hoạch cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/2024 khiến thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, từ đó đẩy mạnh lực mua mặt hàng này.

Trước đó, các đơn vị phân tích thị trường đã đưa ra cảnh báo về việc sản lượng đường sụt giảm tại Ấn Độ và Thái Lan cùng một số quốc gia sản xuất lớn khác có thể khiến cán cân cung - cầu đường niên vụ 2023/2024 thâm hụt.

Trong tuần này, thông tin liên quan đến nguồn cung đường tại Ấn Độ và Brazil khả năng cao sẽ tiếp tục là tiêu điểm của thị trường đường và là yếu tố ảnh hưởng lớn đến diễn biến giá.

Giá 2 mặt hàng cà phê cũng ghi nhận sự khởi sắc, cụ thể cà phê arabica tăng 2,1% lên 3.376,38 USD/tấn và cà phê robusta tăng 3,13% lên 2.437 USD/tấn. Bất chấp việc nguồn cung cà phê đang sẵn có tại Brazil, tồn kho cà phê ở mức thấp đối với cả hai mặt hàng đã hỗ trợ giá.

Cụ thể, tồn kho arabica đạt chuẩn trên sàn ICE hiện ghi nhận hơn 512.700 bao loại 60 kg - mức thấp nhất được ghi nhận trong 9 tháng trở lại đây và kéo dài đà giảm sang tháng thứ 6 liên tiếp. Cùng với đó, tồn kho robusta cũng giảm về mức 34.080 tấn - mức thấp kỷ lục từng ghi nhận từ năm 2016.

Hơn nữa, việc đồng nội tệ của Brazil mạnh lên trong tuần qua, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm gần 2%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống cũng phần nào hạn chế nhu cầu đẩy mạnh bán hàng của nông dân Brazil.

Giá bông ghi nhận mức tăng 4,4% lên 1.924,85 USD/tấn trong tuần qua trước lo ngại sản lượng bông của Mỹ sẽ sụt giảm do ảnh hưởng từ nắng nóng kéo dài. Giới quan sát cho biết, nắng nóng đang diễn ra tại Mỹ, đặc biệt tại bang Texas - khu vực trồng bông chính của nước này - khiến cây bông không phát triển trong điều kiện lý tưởng nhất, kéo theo sản lượng có thể đi xuống.

Giá cao su Nhật Bản tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 6/2023 và ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2021, do JPY yếu khiến mặt hàng này rẻ hơn cho người giữ ngoại tệ khác.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 trên sàn Osaka tăng 4,2 JPY (+2%) lên 212,4 JPY (1,45 USD)/kg. Hợp đồng này đã đạt đỉnh 218,6 JPY/kg trong phiên này và tăng 6,95% trong tuần.

Tại sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2024 tăng 60 CNY lên 13.270 CNY (1.821,05 USD)/tấn.

Đồng JPY giảm 0,14% xuống 146,08 JPY đổi được 1 USD. Ngưỡng để Nhật Bản can thiệp thị trường tiền tệ dường như quanh mức 150 JPY đổi 1 USD.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục