Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 16-23/3: Vàng, ca cao giữ giá, cao su quay đầu điều chỉnh từ mức giá kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong tuần giao dịch từ 9-16/3, thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận nhiều mặt hàng giảm giá, đáng chú ý là sự lùi sâu của cao su sau khi đạt mức giá kỷ lục, trong khi vàng và ca cao vẫn duy trì mức giá cao trong xu hướng tăng kéo dài.
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 16-23/3: Vàng, ca cao giữ giá, cao su quay đầu điều chỉnh từ mức giá kỷ lục

Năng lượng: Giá dầu giảm nhẹ, khí tự nhiên nhích tăng

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu điều chỉnh giảm trong tuần qua do khả năng ngừng bắn tại Gaza làm suy yếu giá dầu thô, cùng với đó là xung đột tại châu Âu và số lượng giàn khoan tại Mỹ giảm cũng ảnh hưởng tới giá dầu.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/3, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 35 US cent xuống 85,43 USD/thùng và dầu thô Tây Texas (WTI) giảm 44 US cent xuống 80,63 USD/thùng. Tính chung cả tuần, cả hai loại dầu đều giảm dưới 1%.

USD có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bất ngờ cắt giảm lãi suất, thúc đẩy nguy cơ rủi ro toàn cầu. Việc “đồng bạc xanh” tăng mạnh khiến dầu trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ tiền tệ khác và làm giảm nhu cầu dầu.

Trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 1% xuống mức thấp nhất 1 tuần do dự báo thời tiết trong 2 tuần tới ôn hòa hơn so với dự kiến trước đó. Nguồn cung khí đốt dồi dào và dự kiến dòng chảy khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ vẫn ở mức thấp đến tháng 5/2024 do nhà máy Freeport LNG tại bang Texas ngừng hoạt động.

Cụ thể, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2024 trên sàn New York giảm 2,4 US cent (-1,4%) về 1,659 USD/mmBTU - thấp nhất kể từ ngày 15/3/2024. Tính cả tuần, giá khí tự nhiên tăng ít hơn 1% sau khi giảm 8% trong tuần trước đó.

Kim loại: Vàng tăng giá tuần thứ tư trong 5 tuần, đi ngược với đồng, quặng sắt biến động trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng thiết lập mức tăng hàng tuần thứ tư trong năm tuần gần nhất nhờ sự lạc quan về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,1% lên 2.183,93 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào thứ Năm (21/3). Như vậy, vàng thỏi đã tăng 1,3% trong tuần qua. Vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,1% lên 2.186 USD/ounce.

Ngân hàng trung ương Mỹ giữ lãi suất ổn định, nhưng các nhà hoạch định chính sách cho biết họ vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất 3/4 điểm phần trăm vào cuối năm nay, bất chấp chỉ số lạm phát cao gần đây. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, chỉ số lạm phát cao không làm thay đổi câu chuyện chung về việc giảm dần áp lực giá cả ở Mỹ.

Giá USD phục hồi sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bất ngờ cắt giảm lãi suất đã củng cố tâm lý rủi ro toàn cầu và nhấn mạnh sức hấp dẫn của “đồng bạc xanh” trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ.

Giá một số kim loại quý khác: Bạc không đổi ở mức 24,77 USD/ounce; bạch kim giảm 0,3% xuống 904,95 USD/ounce; palađi giảm 0,1% xuống 1.009,21 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại màu, hầu hết đều giảm giá do USD mạnh hơn khiến kim loại được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Cụ thể, giá đồng giao 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,9% xuống 8.869 USD/tấn, trong khi hợp đồng đồng giao tháng 5/2024 trên Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 0,8% xuống 72.720 CNY (tương đương 10.064,22 USD)/tấn.

Đồng đô-la Mỹ được thiết lập cho tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp sau khi Fed cho biết sẽ không bắt đầu cắt giảm lãi suất cho đến khi tin chắc hơn rằng lạm phát đang giảm bền vững, trong khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sẽ được định giá trong năm nay.

Trên sàn LME, giá nhôm giảm 0,7% về 2.285,50 USD/tấn; nikel giảm 1,4% về 17.300 USD/tấn; kẽm giảm 0,8% về 2.504,50 USD/tấn; thiếc giảm 1,7% về 27.400 USD/tấn; ngược lại, chì tăng 0,1% lên 2.052 USD/tấn.

Trên sàn SHFE, giá nhôm giảm 0,1% xuống 19.370 CNY/tấn; nikel giảm 1,6% xuống 134.750 CNY/tấn; kẽm giảm 0,5% xuống 21.210 CNY/tấn; thiếc giảm 0,3% xuống 225.600 CNY/tấn; ngược lại, chì tăng 0,1% lên 16.220 CNY/tấn.

Tính theo tuần, giá nikel và thiếc hoạt động kém nhất trong các kim loại cơ bản trên sàn LME do sự gián đoạn nguồn cung ở nhà sản xuất lớn Indonesia, nơi hoạt động xuất khẩu và sản xuất khoáng sản được khôi phục do nhiều hạn ngạch được phê duyệt sau nhiều tháng trì hoãn.

Cụ thể, nikel giảm 4,2% trong tuần qua - mức tồi tệ nhất kể từ ngày 24/11/2023 và thiếc giảm 4,4% so với tuần trước - mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ ngày 29/9/2023.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn không ổn định trong phiên giao dịch cuối tuần qua, nhưng được thiết lập cho mức tăng hàng tuần nhờ dự đoán về nhu cầu tăng tại quốc gia tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc trong bối cảnh tiêu thụ thép cải thiện.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt tháng 5/2024 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc tăng 0,48% lên 835,5 CNY (tương đương 115,68 USD)/tấn và tăng 5% so với tuần trước.

Một cuộc khảo sát của các nhà sản xuất thép Trung Quốc cho thấy sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày tăng 0,3% so với tuần trước lên 2,21 triệu tấn tính đến ngày 22/3/2024, đảo ngược xu hướng giảm kéo dài 4 tuần, trong khi lợi nhuận tăng lên 22,94% từ 21,21%, theo Công ty Tư vấn Mysteel.

Các nhà phân tích tại First Futures cho biết, nhiều nhà máy đang bảo trì thiết bị có thể tiếp tục sản xuất vào tháng 4 tới.

Tuy nhiên, quặng sắt chuẩn giao tháng 4/2024 trên Sàn Giao dịch Singapore giảm 3,12% xuống 106,35 USD/tấn, một phần chịu áp lực bởi USD mạnh hơn.

Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác trên DCE không đồng đều, trong đó giá than cốc tăng 1,14% và than luyện cốc giảm 0,48%.

Giá thép chuẩn trên sàn SHFE phần lớn dao động trong phạm vi hẹp với giá thép cây tăng 0,5%; thép cuộn tăng 0,34%; trong khi thép thanh giảm 0,72% và thép không gỉ giảm 0,33%.

Các nhà phân tích tại Huatai Futures cho biết, mặc dù có một số dấu hiệu tích cực, thị trường thép vẫn phải đối mặt với rủi ro suy giảm nhất định do mức tiêu thụ thép hiện tại vẫn yếu hơn so với cùng kỳ những năm trước và tồn kho thép vẫn ở mức cao.

Nông sản: Lúa mì tăng giá, đi ngược với ngô và đậu tương

Trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm do hoạt động bán ra chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất gần 2 tháng. Cụ thể, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 19-1/2 US cent xuống 11,92-1/2 USD/bushel. Giá ngô cùng kỳ hạn cũng giảm 1-1/2 US cent xuống 4,39-1/4 USD/bushel.

Ngược lại, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 8 US cent lên 5,54-3/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Ca cao duy trì nhịp tăng, cà phê cũng đi lên, trong khi cao su, dầu cọ, đường và bông đều giảm giá

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn ICE giảm 0,21 US cent (-1%) xuống 21,85 US cent/lb. Tính chung cả tuần, giá đường giảm 1,2%. Đồng thời, giá đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 0,2% xuống 638,9 USD/tấn.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn London giảm 27 USD (-0,8% xuống 3.358 USD/tấn, nhưng cả tuần vẫn tăng 2%. Đồng thời, giá cà phê arabica cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 0,5% xuống 1,8485 USD/lb và cả tuần tăng 1%.

Giá ca cao kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn London tăng 306 GBP (+4,7%) lên 6.818 GBP/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục (6.843 GBP/tấn) và cả tuần tăng 18%. Đồng thời, giá ca cao cùng kỳ hạn trên sàn New York tăng 4,5% lên 8.372 USD/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục 8.382 USD/tấn và cả tuần tăng 16%.

Giá cao su tại Nhật Bản ghi nhận phiên giảm mạnh nhất hơn 3 năm sau đợt tăng giá mạnh vào tuần trước, trong khi giá dầu thô suy yếu và lo ngại thiếu hụt nguồn cung giảm bớt cũng gây áp lực lên giá.

Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn Osaka (OSE) giảm 21,5 JPY (-6,16%) xuống 327,8 JPY (2,16 USD)/kg – phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/12/2020. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 6,87% sau khi tăng 12,46% trong tuần trước đó.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn Thượng Hải giảm 695 CNY (-4,57%) xuống 14.510 CNY (2.007,89 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2024 trên sàn Singapore giảm 3,45% xuống 162,3 US cent/kg.

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm và có tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần, cùng với đó là giá dầu thực vật khác và dầu thô giảm cũng gây áp lực giá. Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2024 trên sàn Bursa Malaysia giảm 62 ringgit (-1,46%) xuống 4.187 ringgit (884,27 USD)/tấn - mức thấp nhất kể từ ngày 13/3/2024. Tính cả tuần, giá dầu cọ giảm 2,33% - tuần giảm đầu tiên kể từ ngày 23/2/2024.

Giá bông giảm 2,57% xuống 91,53 USD/tấn trước áp lực kép từ sự cải thiện của tồn kho trên Sở ICE-US và USD mạnh lên. Tính đến ngày 21/3/2024, lượng bông lưu trữ tại sở này đạt 43.872 kiện, tăng 12.415 kiện so với tuần trước đó.

Cùng với đó, USD tăng gần 1% trong tuần qua khiến giá bông Mỹ kém hấp dẫn hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí cao đã tạo sức ép lên giá bông.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục