Năng lượng: Dầu giảm giá tuần thứ 3 liên tiếp
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm trong phiên cuối tuần 7/6 và ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp khi các nhà đầu tư cân nhắc những lời trấn an của OPEC + trước dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, đóng cửa phiên này, dầu thô Brent giảm 25 US cent xuống 79,62 USD/thùng và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2 US cent xuống 75,53 USD. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,5% và dầu WTI giảm 1,9% - cũng là tuần giảm thứ ba liên tiếp do lo ngại về nhu cầu.
Dữ liệu cho thấy, tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 5/2025 đã tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến, khiến Fed phải trì hoãn việc bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất cho đến tháng 9/2024. Đồng USD tăng 0,8% lên mức cao nhất trong hơn một tuần ngay sau khi báo cáo việc làm được công bố.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (EC) hôm thứ Năm (6/6) đã tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019, bất chấp triển vọng lạm phát ngày càng không chắc chắn.
Chi phí vay cao có thể làm chậm hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu về dầu. Tuy nhiên, giá dầu được hỗ trợ một chút bởi sự hỗ trợ từ các thành viên OPEC+ là Ả Rập Xê-út và Nga, cho thấy sự sẵn sàng tạm dừng hoặc đảo ngược việc tăng sản lượng dầu.
Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ - một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, đã giảm 4 giàn trong tuần qua xuống 492 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, mặc dù xuất khẩu trong tháng 5/2024 tăng tháng thứ hai liên tiếp, nhưng nhập khẩu dầu thô lại giảm, báo hiệu mối lo ngại về nhu cầu ở quốc gia mua dầu thô lớn nhất thế giới.
Trên thị trường than, tuần qua, chỉ số than nhiệt trên thị trường châu Âu tăng trên 110 USD/tấn. Giá được hỗ trợ bởi các yếu tố như giá xăng tăng lên, nhiệt độ ấm lên và lượng dự trữ giảm.
Cụ thể, giá than nhiệt lượng CV 6.000 của Nam Phi đã tăng trên 110 USD/tấn do nhu cầu ổn định ở Ấn Độ và châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Trung Quốc, giá than giao ngay 5.500 NAR tại cảng Tần Hoàng Đảo tăng thêm 1,5 USD/tấn lên 123 USD/tấn do tiêu dùng ngày càng tăng, sản lượng giảm và tồn kho bổ sung trước mùa hè. Thị trường vẫn lạc quan về giá trung hạn, tin rằng nhu cầu sẽ vượt quá cung do công suất làm mát được sử dụng mạnh mẽ.
Giá than 5.900 GAR của Indonesia đã tăng 2 USD/tấn lên 96 USD/tấn do nguồn cung khan hiếm, trong đó một số nhà sản xuất ở Đông Kalimantan báo cáo sản lượng than giảm 30% do mưa lớn.
Sản lượng than của Indonesia trong tháng 4/2024 giảm còn 62 triệu tấn (giảm 12% so với tháng trước đó). Tuy nhiên, sản lượng khai thác than từ tháng 1 đến tháng 4 đã tăng 8% (tương đương 19 triệu tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 263 triệu tấn.
Than CV 6.000 của Úc giảm xuống dưới 140 USD/tấn, bị áp lực bởi nhu cầu yếu đến từ Nhật Bản và một số nước châu Á - Thái Bình Dương khác. Báo giá than luyện kim HCC của Úc giảm xuống còn 240 USD/tấn.
Kim loại: Giá vàng giảm 3 tuần liên tục, đồng cũng giảm, quặng sắt và thép đi lên
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng tốc độ giảm trong phiên 7/6 do “cú sốc kép” về báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ và dữ liệu nhập khẩu vàng của Trung Quốc.
Cụ thể, vàng giao ngay kết thúc phiên này giảm khoảng 3% xuống 2.304,54 USD/ounce; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8/2024 giảm 2,8% xuống 2.325 USD/ounce. Giá vàng đã giảm gần 1% trong tuần qua, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Tương tự, giá bạc giảm 6,6% về 29,25 USD/ounce; bạch kim giảm 3,6% về 967,05 USD/ounce và palladium giảm 2,2% về 909,06 USD/ounce.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) đã tăng 272.000 việc làm trong tháng 5/2024, so với kỳ vọng tăng 185.000 việc làm. Dữ liệu này thúc đẩy USD tăng giá, khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Các nhà giao dịch đã giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất, hiện cho rằng lãi suất sẽ giảm 37 điểm cơ bản (bps) vào cuối năm nay, so với mức 48 điểm cơ bản dự đoán trước khi có dữ liệu NFP, với lần cắt giảm đầu tiên nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 11, thay vì tháng 9. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.
Báo cáo việc làm của Mỹ cũng làm tăng thêm tâm lý giảm giá - dường như được thúc đẩy bởi dữ liệu cho thấy Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng đứng đầu thế giới - đã ngừng mua vàng trong tháng 5/2024 sau 18 tháng mua liên tiếp.
Ở nhóm kim loại màu, giá đồng tại London chạm mức thấp nhất 5 tuần vào thứ Sáu (7/6) do USD tăng, dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến và số liệu thương mại hỗn hợp từ nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới - Trung Quốc.
Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên này giảm 3,7% xuống 9.773,50 USD/tấn, sau khi xuống dưới mức trung bình động 50 ngày là 9.860 USD/tấn để chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2/5/2024 là 9.755 USD/tấn. Tính cả tuần, giá giảm 2,7% - hiện thấp hơn 12% so với mức cao kỷ lục 11.104,5 USD/tấn xác lập ngày 20/5/2024.
USD tăng làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác và làm xấu đi triển vọng của các kim loại phụ thuộc vào tăng trưởng.
Tồn trữ đồng trong các kho do Sở Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) theo dõi đang ở mức cao nhất hơn 4 năm sau khi tăng mạnh kể từ đầu năm 2024. Lượng tồn trữ ở đây đã tăng 4,7% trong tuần qua.
Cũng trên sàn LME, giá nhôm giảm 2,5% xuống 2.580 USD/tấn; kẽm giảm 4,6% xuống 2.776,50 USD/tấn; chì giảm 1,8% xuống 2.200 USD/tấn và thiếc giảm 2,6% xuống 31.350 USD/tấn. Giá niken giảm 3% xuống 17.990 USD/tấn.
Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tăng do giảm bớt lo ngại về triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc và thị trường này đặt cược chắc chắn vào việc Fed cắt giảm lãi suất của vào tháng 9/2024.
Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2024 trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc - hợp đồng được giao dịch nhiều nhất, tăng 0,72% lên 839,5 CNY (115,90 USD)/tấn, phiên trước đó tăng gần 1%.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2024 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 0,51% lên 109,35 USD/tấn.
Giá thép trên sàn SHFE phiên này cũng tăng: Thép cây tăng 0,36%; thép cuộn cán nóng và dây thép thanh tăng 0,26%; thép không gỉ tăng 0,21%.
Các nhà phân tích tại Jinrui Futures cho biết, thị trường kỳ vọng sản lượng kim loại nóng hàng ngày sẽ tăng so với hiện tại trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc đàm phán về việc cắt giảm sản lượng tới 20 triệu tấn thép thô trong năm nay.
Dữ liệu từ Công ty Tư vấn Mysteel cho thấy, sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày của các nhà sản xuất thép được khảo sát đã giảm tuần thứ ba liên tiếp và giảm 0,03% trong tuần xuống 2,36 triệu tấn tính đến ngày 7/6.
Dữ liệu hải quan cho thấy, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 5/2024 đạt trên 100 triệu tấn tháng thứ ba liên tiếp, nâng tổng lượng nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm lên 513,75 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông sản: Giá đồng loạt giảm, lúa mì mất 7,5% giá trị
Giá lúa mì kỳ hạn tương lai tại Sàn giao dịch Chicago (CBOT) hôm thứ Sáu (7/6) giảm ngày thứ 8 liên tiếp, đóng cửa ở mức thấp nhất 1 tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng nhập khẩu lúa mì.
Cụ thể, hợp đồng lúa mì được giao dịch nhiều nhất trên CBOT giảm 12 cent xuống 6,27-1/2 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 6/5/2024. Giá lúa mì giảm 7,5% trong tuần qua, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 7/2023.
Bộ Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này sẽ tạm dừng nhập khẩu lúa mì từ ngày 21/6 cho đến ít nhất là ngày 15/10/2024 để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến chính của lúa mì Biển Đen, đặc biệt là lúa mì Nga. Việc thiếu nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm gia tăng cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu khác.
Các nhà phân tích kỳ vọng vụ lúa mì mùa đông của Mỹ tăng mạnh sẽ thúc đẩy nguồn cung ngũ cốc và giảm bớt lo ngại về thiệt hại mùa màng ở Nga.
Giá ngô và đậu tương kỳ hạn cũng giảm sau khi báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ thúc đẩy USD tăng, khiến hàng xuất khẩu của Mỹ kém cạnh tranh hơn. Theo đó, giá đậu tương CBOT giảm 20-3/4 cent xuống 11,79-1/4 USD/bushel và ngô giảm 3-1/4 cent xuống 4,48-3/4 USD/bushel.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá cao su bật mạnh, ngược với đường và cà phê
Trong tuần qua, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2024 giảm 1,1% xuống 19 cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất gần 1 tháng là 19,37 cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2024 giảm 1,3% xuống 553,3 USD/tấn.
Đường đang được hỗ trợ bởi khả năng thời tiết khô hạn ở Brazil - nước sản xuất hàng đầu thế giới, ảnh hưởng đến nửa sau của vụ mùa hiện tại, thậm chí là vụ mùa năm 2025. Dữ liệu cho thấy Brazil đã xuất khẩu 2,81 triệu tấn đường trong tháng 5/2024, tăng so với mức 2,41 triệu tấn cùng kỳ năm trước.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn ICE giảm vào thứ Sáu (7/6)sau khi đạt kỷ lục cao trong phiên trước đó do lo ngại kéo dài về nguồn cung thắt chặt. Cụ thể, cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9/2024 giảm 3,9% xuống 4.128 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục 4.394 USD/tấn vào thứ Năm. Cà phê Arabica cùng kỳ hạn giảm 3,6% xuống 2,249 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất trong 7 tuần là 2,3870 USD/lb vào thứ Năm.
Nguồn cung cà phê Robusta vẫn khan hiếm, chủ yếu do lo ngại về vụ mùa ở nước sản xuất hàng đầu thế giới - Việt Nam, dù lượng tồn trữ được sàn ICE chứng nhận đang tăng có thể cho thấy sản lượng bên ngoài Việt Nam đang tăng.
Các đại lý tại Việt Nam cho biết, ước tính sản lượng vụ mùa tới sẽ giảm 4-7% do thiệt hại do tình trạng khô hạn trong tháng 3 và tháng 4/2024. Nhà sản xuất cà phê Arabica hàng đầu thế giới - Brazil đã xuất khẩu 243.900 tấn cà phê xanh trong tháng 5/2024, tăng so với mức 141.085 tấn một năm trước.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản đạt mức cao nhất gần 3 tháng vào phiên 7/6, theo sau sự phục hồi tại thị trường Thượng Hải – Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung thắt chặt và sự lạc quan rằng việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 11/2024 trên Sàn Giao dịch Osaka (OSE) tăng 15,5 JPY (+4,5%) lên 357,2 yên (2,3 USD)/kg, sau khi đạt 357,8 JPY/kg - cao nhất từ ngày 19/3/2024, cả tuần tăng 4,8 % - là tuần tăng thứ năm liên tục.
Hợp đồng cao su giao tháng 9/2024 trên sàn Thượng Hải tăng 810 CNY lên 16.020 CNY (2.212 USD)/tấn - mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Một đạo luật được EU thông qua - sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay - nhằm mục đích ngăn chặn các mặt hàng nông sản liên quan đến nạn phá rừng trên khắp thế giới xâm nhập vào thị trường châu Âu, có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của dầu cọ, cà phê, ca cao và cao su.
Cao su tham gia vào đợt phục hồi trên thị trường tài chính rộng lớn hơn nhờ việc EC cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 5 năm.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |