Năm 2017, doanh thu của thị trường trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016 và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang được đánh giá là một “mảnh đất trù phú” thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.
Năm 2018, bối cảnh ngành dược được dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những doanh nghiệp lớn trên thị trường bán lẻ, phân phối như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim.
Bên cạnh đó, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước. Mức độ cạnh tranh nhiều khả năng sẽ diễn ra khốc liệt hơn trên hầu hết các phân khúc thị trường.
Khi dân số càng tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, dân trí được cải thiện, nhu cầu sử dụng thuốc của người dân sẽ ngày càng lớn.
Theo báo cáo của Vietnam Report, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015 (37,97 USD).
Mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010 - 2015 và có thể duy trì mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD vào năm 2025.