Đột phá trong quy định quyền sở hữu đất
Một trong những nội dung trong Luật Đất đai (sửa đổi) được người dân chờ đợi nhất là việc xác nhận quyền sở hữu đất đai. Để làm rõ vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2014 với những điểm mới quan trọng, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai. Điều 20 của Nghị định quy định: “Đối với thửa đất có nhà ở, mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2, Điều 143 và khoản 4, Điều 144 của Luật Đất đai thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở”.
Lý giải nguyên nhân ra đời của quy định trên, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT) cho biết, trong năm 2013, Bộ TN&MT đã hứa trước Quốc hội phấn đấu hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay đã hoàn thành trên 90%. Như vậy, chỉ còn gần 10% còn lại là chưa có giấy chứng nhận.
Ông Chính cũng bác bỏ luận điểm cho rằng Nghị định 43 ra đời là hướng mở để hợp pháp hóa các khu đất phi chính thức. “Chẳng qua là các trường hợp người ta sử dụng đất do không có sổ đỏ, nhưng nguồn gốc đất đã có từ lâu (từ đời ông bà họ mua) thì cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn”, ông Chính nói.
Cũng theo Điều 49, Nghị định 43, “diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư, văn phòng làm việc, cơ sở thương mại, dịch vụ trong nhà chung cư (sau đây gọi chung là căn hộ), bao gồm diện tích đất xây dựng khối nhà chung cư, làm sân, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà và đất xây dựng các công trình hạ tầng bên ngoài nhà chung cư, nhưng để phục vụ trực tiếp cho nhà chung cư được chủ đầu tư bàn giao cho các chủ sở hữu căn hộ tự tổ chức quản lý, sử dụng theo dự án đầu tư”.
Quy định này sẽ khắc phục tình trạng chủ đầu tư tự cho mình quyền định đoạt những khoảng đất công cộng vốn thuộc sở hữu của cư dân, chẳng hạn như trường hợp chủ đầu tư Khu đô thị Nam Đô Complex xây dựng quán cà phê trên đất vườn hoa của dự án đang gây tranh cãi, khiếu kiện.
Theo ông Chính, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định, các nghị định này sẽ có hiệu lực cùng với Luật Đất đai 2013. Hiện nay, Bộ cũng đã ban hành xong 6 thông tư hướng dẫn Luật. Riêng đối với một số thông tư mang tính chất kỹ thuật, không đòi hỏi cấp thiết phải ban hành ngay, Bộ cũng phấn đấu ban hành sớm trong thời gian tới.
Hạn chế tình trạng dự án “treo”
Tại buổi tọa đàm tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vẫn thừa nhận, cho đến nay, mặc dù Bộ TN&MT đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính với việc kiến nghị sửa đổi, cắt giảm được trên 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, nhưng vẫn có đến 30,8% doanh nghiệp phải trả thêm chí phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ về đất đai.
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng cho thấy, trong các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai thì việc xin phép mở rộng mặt bằng sản xuất - kinh doanh hiện vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Còn theo đại diện Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, thủ tục hành chính về đất đai liên quan đến nhiều lĩnh vực, mỗi thủ tục để thực hiện dự án đầu tư liên quan đến đất đai đều mất nhiều thời gian, làm chậm quá trình đầu tư.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, Bộ TN&MT cần có những đột phá trong giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng mặt bằng sản xuất - kinh doanh. Việc rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng sẽ tiết kiệm chi phí lớn cho các doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, một số luật sư cũng cho rằng, để khắc phục những khó khăn nêu trên, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thực hiện cơ chế “một cửa”. Điều này sẽ góp phần rút ngắn thời gian nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chờ ý kiến các cơ quan chức năng khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
Để tháo gỡ khó khăn trên, ông Đào Trung Chính cho biết, Nghị định 43 đã bổ sung quy định về việc công khai thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm sự minh bạch trong quá trình thực hiện, cũng như giảm phiền hà cho người dân. Cụ thể, Nghị định quy định chặt chẽ trình tự thủ tục từ hồ sơ cho đến thời gian giải quyết vụ việc.
“Nghị định 43 yêu cầu chủ đầu tư phải ký quỹ và có đủ năng lực tài chính mới được phép tham gia làm dự án để kiểm soát chặt chẽ hơn việc quy hoạch sử dụng đất, hạn chế dự án "treo”, ông Chính nhấn mạnh.