Thị trường địa ốc Cần Giờ nóng trở lại

(ĐTCK) Sau thông tin TP.HCM phê duyệt phương án thiết kế cầu Cần Giờ, thị trường địa ốc  huyện đảo này đã nóng trở lại.
Các cò đất địa phương thường tập trung thành một nhóm túc trực tại các quán cafe ven đường để mời chào khách. Ảnh: Trọng Tín Các cò đất địa phương thường tập trung thành một nhóm túc trực tại các quán cafe ven đường để mời chào khách. Ảnh: Trọng Tín

Giá tăng lên từng ngày

Tìm đến đường Rừng Sác - con đường độc nhất để di duyển từ trung tâm TP.HCM đến huyện đảo Cần Giờ, không còn cảnh nhộn nhịp người người đổ xô đi mua đất như đợt sốt đất nền tại đây vào đầu năm 2018.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dọc mặt tiền đường Rừng Sác, khu vực cách bến phà Bình Khánh khoảng 500 m, đã có hàng loạt trung tâm môi giới, ký gửi nhà đất mọc lên, nhiều cò đất tập trung thành từng nhóm tại các quán nước ven đường để mời chào khách, khiến cho không khí tại đây nhộn nhịp hơn mấy tháng trước.

Theo nhiều cò đất tại đây, nguyên nhân khiến thị trường đất nền tại Cần Giờ nóng trở lại bắt nguồn từ thông tin cầu Cần Giờ đã được phê duyệt phương án thiết kế. Từ đó, nhiều nhà đầu tư đón đầu xu hướng, gom đất đón sóng đầu tư.

Chị Loan, chủ một cửa hàng nước gần bến phà Bình Khánh, địa điểm quen thuộc của giới cò đất địa phương cho biết, thị trường đất nền hiện nay đang rất nóng, giá đất khu vực lân cận đường Rừng Sác lên cao mỗi ngày. Ngày nào cũng có hàng chục cò đất ngồi ở đây để tìm kiếm khách hàng.

“Cò đất chủ yếu là người dân địa phương. Thời điểm này, mỗi ngày quán tôi có gần 20 khách, chủ yếu là cò đất và giới đầu tư, họ ngồi đây trao đổi thông tin, mua bán rất nhộn nhịp”, chị Loan nói và cảnh báo, nếu muốn mua đất thì đừng mua ở những người này, họ toàn kê giá lên để bán, ai mà đầu tư thì coi như không có lời.

Đón đầu xu thế đầu tư hạ tầng, nhiều lô đất tại Cần Giờ đã được san lấp và xây bờ kè để bán cho nhà đầu tư  

Trong vai một nhà đầu tư địa ốc, phóng viên liên hệ với một cò đất tên Toàn, người này giới thiệu một khu đất rộng 16.000 m2, nằm phía sau Trường tiểu học Bình Khánh, cách bến phà khoảng 600 m. Khu đất người này giới thiệu là hồ nuôi cá, nhưng cò đất này cam kết có thể chuyển đổi mục đích sử dụng toàn thửa.

“Khu vực này hiện đang được quy hoạch làm khu dân cư, ba mặt tiếp giáp đều được làm lộ giới 3 m, giá bán 5 - 6 triệu đồng/m2. Vì đất này chưa lên thổ cư và san lấp mặt bằng mới có giá đó, chứ bây giờ anh mua đất dọc đường Rừng Sác, giấy tờ đầy đủ cũng phải 17 - 20 triệu đồng/m2, có nơi bán 23 triệu đồng/m2”, Toàn tư vấn.

Tìm đến một công ty môi giới cách phà Bình Khánh 700 m, anh Khanh, một nhân viên môi giới cho biết, ngay sau khi có thông tin UBND TP.HCM phê duyệt cầu Cần Giờ, thị trường bất động sản ở khu vực này bắt đầu nóng trở lại, nhiều nhà đầu tư ở trong Thành phố ra đây khảo sát thường xuyên. Giá bán hiện tại cũng rất cao, nhưng để kiếm được những lô đất đẹp thì rất ít.

“Những lô đất nằm ở mặt tiền đường Rừng Sác giáp bến phà Bình Khánh chủ yếu là các nền đất nhỏ, giá bán trung bình khoảng 25 triệu đồng/m2. Thời điểm nóng nhất, giá dao động từ 30 - 35 triệu đồng/m2, nhưng giờ không có đất để mua”, anh Khanh nói.

Anh Khanh còn cho biết thêm, nếu có vốn đầu tư ít, khách hàng có thể cân nhắc đến việc mua đất nông nghiệp cách phà Bình Khánh khoảng 3 km. Loại đất có diện tích nhỏ, hiện có giá từ 5 - 6 triệu đồng/m2, còn nếu mua diện tích lớn đến hàng nghìn mét vuông, thì giá chỉ 3 - 4 triệu đồng/m2. Người mua có thể chờ đợi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, tự san lấp, làm nền và chia lô để bán.

 Những diện tích nuôi trồng thủy sản tại Cần Giờ cũng được người dân rao bán 

“Mua đất ruộng bán đất nền mới có lời nhiều. Anh mua vào giá khoảng 3 triệu đồng/m2, sau khi chuyển mục đích sử dụng, san lấp mặt bằng, phân lô từ 70 - 100 m2/lô, có thể bán với giá từ 17 - 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đầu tư vào đất nông nghiệp cũng gặp nhiều rủi ro nếu không nắm được quy hoạch của khu vực đó. Loại đất này cũng rất khó giao dịch khi quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa đang ngày càng siết chặt”, anh Khanh phân tích.

Không chỉ khu vực xã Bình Khánh đang lên cơn sốt, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, cơn sốt cũng đã lan ra thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa. Hiện giá đất ở các khu vực này đang giao dịch ở mức từ 10 - 20 triệu đồng/m2.

Nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít rủi ro

Với lợi thế là huyện duy nhất của TP.HCM có đường bờ biển dài khoảng 13 km, cộng với hệ sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới và hệ thống sông ngòi dày đặc, lại có Khu Di tích lịch sử rừng Sác, đảo khỉ... thu hút hàng trăm khách du lịch mỗi ngày, huyện Cần Giờ được TP.HCM đặt ra mục tiêu trở thành khu du lịch sinh thái.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Rừng Sác rộng 6 làn xe, cùng với xây cầu Cần Giờ và Khu du lịch biển Cần Giờ mở rộng, sẽ tạo điều kiện cho huyện đảo này phát triển kinh tế.

Ngoài ra, UBND TP.HCM đã quyết định mở tuyến vận tải hành khách đường thủy TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu, tạo điều kiên thuận lợi để Cần Giờ kết nối với Vũng Tàu rút ngắn xuống còn khoảng 30 phút.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản ở huyện đảo Cần Giờ tăng mạnh trong thời gian qua cũng là điều dễ hiểu, vì giá cả thị trường được quyết định bởi 3 quy luật, quy luật giá trị, quy luật cung - cầu và quy luật cạnh tranh. Quy luật cung - cầu trong giao dịch còn bị tác động bởi yếu tố tâm lý, bao gồm tâm lý bên bán, tâm lý bên mua và tâm lý xã hội.

Đối với giá cả thực tế còn chịu sự tác động của tiện ích, dịch vụ, mà đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư khi biết được thông tin về đầu tư hạ tầng, họ đã nắm bắt cơ hội để đón đầu xu hướng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Cần Giờ có điểm hấp dẫn trước nhất là siêu dự án du lịch - nghỉ dưỡng lấn biển Cần Giờ. Vì ăn theo dự án này, nên những khu vực lân cận chắc chắn sẽ tăng giá. Bên cạnh đó, một tập đoàn bất động sản lớn cũng đang muốn đầu tư con đường trên cao giúp cho giao thương thuận tiện hơn. Đặc biệt, cầu Cần Giờ nối tiếp huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, đã kích mặt bằng giá đất của Cần Giờ lên và thu hút các nhà đầu tư địa ốc đến đây là điều tất nhiên.

Cũng theo ông Châu, do diện tích đầu tư bất động sản của Cần Giờ bị giới hạn bởi Khu Dự trữ sinh khuyển Cần Giờ được UNESCO khuyến cáo không nên phá hủy, vì vậy, khi đầu tư vào huyện duy nhất có biển của TP.HCM phải xác định được mục tiêu đầu tư dài hạn.

“Tôi đã kiến nghị các nhà đầu tư hết sức cẩn trọng trước sự đồn thổi của đầu nậu và cò đất, bên cạnh đó, đầu tư phải phù hợp với quy hoạch. Nếu đầu tư bằng nguồn lực của mình thì chắc chắn sẽ không có rủi ro, nhưng nếu đầu tư bằng đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư phải nên xem xét lại”, ông Châu nói và cho biết thêm, phải lấy thị trường bất động sản Nhơn Trạch (Đồng Nai) để rút bài học kinh nghiệm, bởi nếu đón đầu xu thế, nhưng không có năng lực tài chính thì nhà đầu tư khó có thể có lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục