Thị trường địa ốc Bình Tân - Tân Phú nóng lên vì dự án di dời nghĩa trang

(ĐTCK) Sau 10 năm TP.HCM đưa ra phương án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - Tân Phú để xây dựng khu công viên, trung tâm thương mại và khu phức hợp dân cư, tới nay nhiều phần việc đã và đang được gấp rút triển khai.
Người dân Dự án Celadon City Tân Phú sẽ được thụ hưởng không gian trong lành hơn khi dự án di dời nghĩa trang hoàn thành. Người dân Dự án Celadon City Tân Phú sẽ được thụ hưởng không gian trong lành hơn khi dự án di dời nghĩa trang hoàn thành.

Cú huých từ dự án 2.500 tỷ đồng

Theo UBND quận Bình Tân, phương án di dời nghĩa trang lớn nhất TP.HCM được lãnh đạo TP.HCM chốt từ năm 2008. Lý do là trong bối cảnh TP.HCM đang phát triển đô thị mạnh mẽ, một nghĩa trang lớn nằm trong lòng Thành phố sẽ tạo ra nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn. Được biết, dự án di dời nghĩa trang nói trên có tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 2.500 tỷ đồng.

Theo quy hoạch của Thành phố, trong tổng số 44 ha đất giải tỏa, có 24 ha được làm công viên cây xanh, 12 ha xây dựng trung tâm thương mại và 8 ha còn lại làm khu phức hợp.

Với hơn 75.000 phần mộ, để di dời nghĩa trang là công việc không dễ dàng nên dự án chia làm 3 giai đoạn để dễ thực hiện. Theo đó, giai đoạn một tuy đã kết thúc nhưng tính đến nay còn 2.758 ngôi mộ chưa có thân nhân đến di dời, trong đó có 2.426 ngôi mộ chưa có thân nhân kê khai.

Ông Lại Phú Cường, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho biết, tháng 7/2017, UBND TP.HCM đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 6 khu dân cư trên địa bàn quận Bình Tân. Theo đó, các khu dân cư này đều được quy hoạch theo hướng cải tạo, chỉnh trang và xen cài xây dựng mới, khu công trình dịch vụ công cộng và khu công viên cây xanh tại khu dân cư hiện hữu.

Một phần nghĩa trang trên đường Tân Kỳ - Tân Quý đã hoàn thành viêc di dời

Cụ thể, 6 khu dân cư này bao gồm: Khu dân cư phía Nam Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc có tổng diện tích khoảng 172ha; Khu dân cư Ngã ba An Lạc, thuộc một phần phường An Lạc, phường An Lạc A, phường Bình Trị Đông B và phường Tân Tạo A có tổng diện tích khoảng 293ha; Khu dân cư phía Bắc Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc có tổng diện tích khoảng 273ha; Khu dân cư phía Bắc đường Tân Kỳ - Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa có tổng diện tích khoảng 380ha; Khu dân cư phía Đông đường Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông có tổng diện tích khoảng 296ha; Khu dân cư phía Tây Quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân có tổng diện tích khoảng 438ha.

Như vậy, với quy hoạch này, Nghĩa trang Bình Hưng Hòa hiện tại sẽ trở thành một trong 6 khu dân cư tại quận Bình Tân được phê duyệt trở thành khu phức hợp, tòa nhà cao ốc và công viên cây xanh.

Cũng theo ông Cường, hiện nay tiến độ di dời nghĩa trang này đã hoàn thành một phần phía đường Tân Kỳ - Tân Quý, đường Bình Trị Đông và mặt ngoài đã có Dự án chung cư Celadon City Tân Phú do Công ty cổ phần Gamuda Land làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa người dân vào sinh sống.

Đơn vị này cũng đang triển khai thêm dự án phía đường Tân Kỳ - Tân Quý để xây dựng dự án chung cư. Đây là khu vực trong giai đoạn di dời đợt 1 với diện tích 12ha, tổng kinh phí lên tới hơn 700 tỷ đồng và được đấu giá làm khu thương mại.

Ông Cường cho biết, dự án di dời vẫn chậm hơn so với tiến độ đề ra. Tuy nhiên, sắp tới chính quyền sẽ áp dụng nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

“Dự kiến, tới năm 2020 quận sẽ hoàn thành xong việc di dời toàn bộ nghĩa trang này”, ông Cường nói.

Thị trường bắt đầu “nóng”

Quận Bình Tân đang được các nhà đầu tư chú trọng, do nơi đây có tiềm năng quỹ đất khá lớn. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh tại cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, vị trí giao thông thuận lợi với Quốc lộ 1A vành đai thành phố, tuyến đường Hồng Bàng và Hùng Vương dẫn vào nội thành, bến xe miền Tây đi về các tỉnh đồng Bằng sông Cửu Long.

Từ đó, tạo tiền đề để phát triển các dự án, đặc biệt những dự án khu dân cư, đô thị mới. Nhiều dự án bất động sản đã được hình thành tại đây như khu dân cư Tầm Nhìn - khu dân cư hiện đại đầu tiên trên đường Trần Đại Nghĩa nằm cạnh Vòng xoay An Lạc; Khu dự án Go Home Dream Residence, liền kề Quốc lộ 1, giáp Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và liền kề Khu dân cư Vĩnh Lộc; Khu dân cư Ấp 4 - Tân Tạo, đầu tư bởi Công ty BCCI, nằm trong Phường Tân Tạo; Khu đô thị E.City Tân Tạo được đầu tư bởi Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo….

Đặc biệt, khu Bình Hưng Hòa hiện được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó khi còn nhiều lô đất chưa được xây dựng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa có vị trí khá đắc địa, nằm ngay trung tâm quận Bình Tân và giáp với những trục đường chính liên kết vào TP.HCM và tỉnh Long An, như phía Bắc giáp Quốc lộ 1A, khu Nam giáp với tuyến đường An Dương Vương đi về khu Tên Lửa, trung tâm của khu Tây Nam, mặt còn lại giáp đường Cộng Hòa, Trường Chinh đi vào quận 1…

Đây cũng là nơi có vị trí gần với tuyến metro số 2 và hiện nơi đây đang chuyển mình mạnh mẽ khi đã có những tuyến đường mới xây dựng và khu trung tâm thương mại lớn như Aeon Tân Phú…

Cộng thêm những dự án chung cư mới được hình thành như Celadon City Tân Phú khiến thanh khoản thị trường bất động sản nơi đây đang khá sôi động, khi nhà đầu tư nhìn vào tiến độ của việc di dời khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa để “đi trước đón đầu”.

Công ty TNHH Gachvang vừa công bố báo cáo diễn biến giá đất trên các tuyến đường đắt đỏ nhất dẫn về nghĩa trang Bình Hưng Hòa 6 tháng qua. Trong đó, đất mặt đường Kênh Nước Đen, phường Bình Hưng Hòa A giá ở mức gần 100 triệu đồng/m2; còn các tuyến đường Gò Dầu, Tân Kỳ Tân Quý, Bình Long… giá từ 55 -91 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, nhà mặt tiền trên 4 tuyến đường chính bao quanh dự án này như Tân Kỳ - Tân Quý, Lê Trọng Tấn,  Bình Long, giá đã lên mức khoảng 105-120 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị Đỗ Thị Hoài, một người dân sống nhiều năm tại đường Tân Kỳ - Tân Quý đối diện với nghĩa trang Bình Hưng Hòa cho biết, trước đây giá nhà quanh khu vực rất thấp, năm 2015 giá chỉ có hơn 40 triệu đồng/m3 nhưng cũng rất khó bán vì dính tới... nghĩa trang. Nhưng từ năm 2016 khi những thông tin về di dời nghĩa trang này được liên tục công bố, giá đất đã tăng nhanh.

Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà môi giới chuyên nghiệp, giá đất tại một số khu vực này tăng quá nhanh không loại trừ có bàn tay “đạo diễn” của giới đầu cơ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Âu Cơ cho rằng, giá đất quanh khu vực tăng là việc bình thường khi xuất hiện nhiều thông tin quy hoạch, hạ tầng, trong đó có việc giải tỏa Nghĩa trang Bình Hưng Hòa và quy hoạch nơi đây thành công viên, khu dân cư…

Tuy nhiên, trong lúc tiến độ thực hiện dự án còn chậm, người mua cần nghĩ tới trường hợp gom đất và thổi giá của các đầu nậu khi giá đất tại một số khu vực tăng tới 3-4 lần.

“Người dân cần biết, việc chỉnh trang đô thị một khu vực phải trải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian, nên giá đất  tại Bình Hưng Hòa không thể dễ dàng tăng cao như trong thời gian qua. Người mua cần cẩn trọng, tránh trở thành nạn nhân của giới đầu cơ, cần bình tĩnh và tìm hiểu kỹ giá thị trường trước khi đặt bút ký giao dịch mua bán”, ông Dũng nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân thừa nhận có thông tin giá đất đang "ăn theo" dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Cũng theo ông Nhựt, hiện dự án chỉ mới dừng ở giai đoạn 1, tức di dời phần diện tích 12ha trên tổng diện tích 44 ha.

"Sau khi giải phóng mặt bằng xong, quận sẽ giao đất lại cho UBND TP.HCM để phục vụ việc đấu giá sử dụng đất hoặc kêu gọi nhà đầu tư", ông Nhựt thông tin.

Ông Nhựt cũng cho biết, việc giá đất tăng theo dự án là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo, tránh bị "cò" trục lợi tự đẩy giá cao hơn giá trị thực. Đặc biệt, hiện nay khu vực xung quanh Nghĩa trang Bình Hưng Hòa lâu nay đã ổn định dân cư, nhà cửa san sát và không có nhiều khu đất trống.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục