Thị trường đệm: Dư địa tăng trưởng lớn

(ĐTCK) Thị trường đệm Việt Nam còn non trẻ và nhiều tiềm năng được dự báo sẽ gia tăng sức nóng với dòng vốn đầu tư mới đổ vào.
Thị trường đệm: Dư địa tăng trưởng lớn

Gia tăng sức cạnh tranh

Đệm (nệm) không phải là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, tuy nhiên những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đã chú trọng đến cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu ngoại, thậm chí đưa đệm Việt xuất khẩu. Có thể kể những tên tuổi nổi trội trên thị trường Việt như Kymdan, Liên Á, Nệm Kim Cương, Vạn Thành….

Theo nghiên cứu của Quỹ đầu tư Mekong Capital, hiện ở Việt Nam, mới có khoảng trên 30% dân số nằm đệm, trong khi ở các nước phát triển, con số này là gần 100%. Do đó, dư địa tăng trưởng của thị trường còn lớn.

Trong đó, một trong những khoảng trống mà các nhà sản xuất đệm đang muốn khai thác tại thị trường nội địa là sự thay đổi thói quen và suy nghĩ của người tiêu dùng về sản phẩm này. Hiện nay, hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm đệm hầu như còn rất hạn chế. Chẳng hạn, rất nhiều người nghĩ rằng nằm đệm cứng là tốt, nhưng sự thật là khi nằm trên mặt phẳng cứng, nhất là với những người nằm nghiêng, thì vai và cánh tay bị đau, tê.

Để tạo ra sản phẩm thân thiện nhất với người dùng, các tiện ích được nhà sản xuất tập trung chú ý, như sản phẩm được đóng gói nhỏ gọn hơn, chỉ cần một người cũng có thể di chuyển được. Cùng với nâng cao chất lượng, mẫu mã, doanh nghiệp Việt có nhiều động thái để cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại nhập trên sân nhà.

Đối với thị trường toàn cầu, nhiều doanh nghiệp không ngại bộc lộ tham vọng đưa sản phẩm của mình có mặt tại nhiều quốc gia hơn. Chẳng hạn, Liên Á từ lâu đã ngắm đến thị trường quốc tế, trong khi Kymdan hay Nệm Kim Cương theo đuổi chiến lược sản xuất nhiều dòng phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhiều dòng sản phẩm đệm cao su của Việt Nam đã xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Trong đó, Liên Á đã đem sản phẩm đệm của mình tiếp cận hơn 34 quốc gia, với các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, Đức, Canada, Hà Lan, Australia, Newzealand, Ả rập Xê út, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Ông Lâm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Nệm Mousse Liên Á (Liên Á) cho biết, hiện 98% nệm cao su Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ là sản phẩm của Liên Á, con số này được Ủy ban Thương mại Hòa Kỳ công bố.

Theo các chuyên gia kinh tế, đệm không phải là ngành hàng thế mạnh nhưng được đánh giá có nhiều triển vọng. Để cải thiện sức cạnh tranh tại thị trường ngoại quốc, doanh nghiệp ngành đệm cần có sự đầu tư chuyên nghiệp trên toàn hệ thống, từ khâu nguyên liệu, thiết bị, công nghệ sản xuất đến quản trị chất lượng đầu ra.

Mekong Capital chuyển hướng đầu tư

Mới đây, Quỹ đầu tư của Mekong Capital đã chính thức bước chân vào ngành nệm của Việt Nam khi hoàn tất thủ tục đầu tư vào Vua Nệm. Cụ thể, Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) đã hoàn tất khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Vua Nệm, hoạt động trong lĩnh vực phân phối đệm và các giải pháp giấc ngủ.

Vua Nệm được thành lập năm 2007 bởi hai doanh nhân người Việt. Tâm đắc với sự thành công của chuỗi bán lẻ đệm Mattress.com của Mỹ, họ đã mua tên miền Dem.vn và phát triển doanh nghiệp. Dem.vn là một trong hai thương hiệu mà công ty vận hành trước khi sáp nhập thành Vua Nệm.

Tại sao Mekong Capital rót vốn vào lĩnh vực hoàn toàn mới và liệu đã lường trước những rủi ro? Trả lời câu hỏi này của Đầu tư Chứng khoán, đại diện Quỹ MEF III, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, chiến lược của Mekong Capital là đầu tư vào các mô hình kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố lên xuống của thị trường, đó là các ngành hàng tiêu dùng có đối tượng khách hàng rộng khắp. Ở các nước phát triển, đệm là một món hàng thiết yếu, trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ như vậy.

Theo bà Thu Thủy, Mekong Capital sẽ hỗ trợ Vua Nệm thông qua mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng. Với mô hình này, công ty đã đề ra tầm nhìn dài hạn là trở thành nhà bán lẻ các sản phẩm dành cho giấc ngủ uy tín số 1 Việt Nam, với 300 cửa hàng sau 5 năm. Hiện Công ty đang vận hành 40 cửa hàng tại 23 tỉnh thành

Đánh giá cao tiềm năng của thị trường, Mekong Capital cho rằng, Vua Nệm sẽ có rất nhiều việc cần làm để thay đổi thói quen thị trường. Điều này sẽ tạo cơ hội để Công ty làm tốt và bứt phá so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Trong khi đó, ông Hoàng Tuấn Anh, đồng sáng lập và Tổng giám đốc Vua Nệm chia sẻ, Công ty cũng nhắm đến vấn đề này và đã xây dựng chiến lược đào tạo nhân viên trở thành những chuyên gia tư vấn có kiến thức, tinh thông các giải pháp cho giấc ngủ.  

Theo một báo cáo tổng quan thị trường đệm tại Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có hơn 10 triệu hộ gia đình, mỗi gia đình cần trung bình từ 2 - 3 tấm đệm trở lên, tức nhu cầu thị trường vào khoảng 20 - 30 triệu tấm đệm. Bên cạnh đó, còn có nhu cầu từ hệ thống khách sạn, bệnh viện, trường học… Nhu cầu về đệm ngày càng tăng thúc đẩy thị trường đệm ngày một phát triển mạnh mẽ hơn.

Doanh số bán mặt hàng đệm tăng nhanh tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Tuy nhiên, mức tiêu thụ nói chung ở thị trường miền Bắc mới chiếm khoảng 20 - 30%, trong khi đó thị trường miền Nam chiếm tới hơn 60%.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục