Cuối tháng 1, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên hãng dầu quốc doanh Venezuela, nhằm gây sức ép buộc tổng thống nước này - Nicolas Maduro từ chức. Biện pháp này đã khiến các nhà máy lọc dầu của Mỹ ở Gulf Coast (vùng duyên hải Vịnh Mexico) đổ xô tìm nguồn cung thay thế loại dầu thô nặng mà họ từng phụ thuộc vào Venezuela. Venezuela cũng buộc phải tìm khách hàng mới và cách mới để pha loãng loại dầu thô rất nặng của họ trước khi xuất khẩu.
"Các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung dầu", Ryan Fitzmaurice - nhà phân tích năng lượng tại Rabobank nhận định.
Dầu thô nặng thường rẻ hơn dầu nhẹ. Tuy nhiên, nhu cầu loại dầu này gần đây lớn đến mức giá của nó đã vượt lên trên. Các hãng lọc dầu ở Gulf Coast, dẫn đầu là Citgo, Chevron và Valero, trộn dầu nặng với loại dầu nhẹ hơn (được khai thác từ mỏ đá phiến Mỹ) để tạo ra xăng, dầu diesel và nhiên liệu cho máy bay phản lực.
Chính phủ Venezuela, với ngân sách phụ thuộc tới 90% vào xuất khẩu dầu, đang tìm các khách hàng khác để mua dầu. Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela - Manuel Quevedo tuần trước đã bay tới Ấn Độ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ. "Họ đang ráo riết tìm người mua dầu thô", Matt Smith - Giám đốc Nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData cho biết.
Ngành công nghiệp dầu mỏ - nguồn thu chính của Venezuela - đang lao dốc. Sản xuất của nước này cuối năm ngoái chỉ còn 1,34 triệu thùng mỗi ngày - giảm mạnh so với 2,4 triệu thùng năm 2015, theo hãng nghiên cứu Rystad Energy. "Con số này sẽ tiếp tục rơi tự do năm nay", Rystad dự báo.
Mỹ không chỉ là khách hàng lớn nhất của Venezuela, mà còn là nguồn cung chính naphtha - hỗn hợp hydrocarbon lỏng được nước này sử dụng để pha loãng dầu thô. Không có chất này, loại dầu nặng của Venezuela không thể xuất khẩu. Rystad Energy dự báo một số cơ sở tại Venezuela sẽ hết chất pha loãng này trong tháng 3.
Giá dầu thô Mỹ đã tăng gần 5% kể từ sau khi lệnh trừng phạt được công bố. Dầu thô Brent cũng tăng 8%. Tuy nhiên, giới phân tích không cho rằng Venezuela là nguyên nhân chính của việc này. Thay vào đó, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm sản xuất mạnh hơn dự kiến, bất ổn tại Libya và tâm lý lạc quan trên thị trường tài chính toàn cầu khi mối lo suy thoái dịu đi đã giúp giá dầu tăng.
Các nhà máy lọc dầu ở Gulf Coast đang cố tìm cách thay thế dầu Venezuela. Đầu tháng này, CEO Chevron - Mike Wirth cho biết đã kích hoạt "kế hoạch dự phòng" để đảm bảo nguồn cung tại nhà máy lọc dầu ở Mississippi. Nhà máy này hiện hoạt động với trung bình 70.000 thùng dầu mỗi ngày từ Venezuela.
Valero cũng đã ngừng nhập dầu từ Venezuela và thay thế bằng dầu từ các địa điểm khác ở Bắc Mỹ. Trước khi lệnh trừng phạt được áp dụng, Valero nhập khoảng 20% dầu nặng từ Venezuela.
Các hãng dầu phương Tây hợp tác với PDVSA cũng mắc kẹt ở giữa. Total (Pháp) gần đây cho biết các tài khoản ngân hàng của họ đã bị phong tỏa. Họ cũng phải sơ tán lao động nước ngoài khỏi Venezuela.
Chevron thì cho biết hoạt động tại Venezuela vẫn sẽ tiếp tục. Họ "cam kết gắn bó với sự phát triển năng lượng tại đây, tuân thủ đúng các quy định và điều luật". Citgo Petroleum - hãng lọc dầu thuộc sở hữu của PDVSA cũng đã ngừng việc cải tạo trị giá 685 triệu USD tại một cơ sở ở Aruba vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngành dầu mỏ toàn cầu đang chuẩn bị cho khả năng sản lượng dầu Venezuela giảm mạnh hơn nữa vì cuộc khủng hoảng trong nước và các lệnh trừng phạt của Mỹ. "Với bất ổn nguồn cung như hiện tại, chúng tôi cho rằng dầu đang bị định giá thấp", Fitzmaurice cho biết.
Rystad Energy dự báo sản xuất dầu của Venezuela sẽ giảm từ 1,34 triệu thùng mỗi ngày năm ngoái xuống 1 triệu thùng năm nay và 890.000 thùng năm tới. Nếu Venezuela không thể bù đắp ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và tìm được nguồn tài chính mới, con số này có thể còn xuống 680.000 thùng năm 2020.