Trong đó, nguồn cung cao hơn, đặc biệt là từ các quốc gia ngoài OPEC+ ở châu Mỹ, cũng như nhu cầu thấp hơn từ Trung Quốc vẫn là những lo ngại lớn và có thể dẫn tới tình trạng dư cung.
Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu Brent cho hai quý cuối năm 2025 lên 70 USD/thùng, từ mức tương ứng là 68 USD/thùng và 66 USD/thùng. Theo các nhà phân tích, lượng dầu dư thừa toàn cầu trong năm tới sẽ đạt tổng cộng 800.000 thùng/ngày, giảm so với mức 1,3 triệu thùng so với dự báo trước đó.
Các nhà phân tích Morgan Stanley cho biết: "Những con số đó vẫn là thặng dư, do đó cho thấy giá dầu vẫn yếu. Tuy nhiên, chúng nhỏ hơn so với ước tính trước đây của chúng tôi...Với kế hoạch mới nhất, OPEC+ đã đưa ra một dấu hiệu mạnh mẽ rằng họ vẫn sẵn sàng cân bằng thị trường dầu mỏ".
“Dự đoán về mức thặng dư nhỏ hơn có nghĩa là mức giảm giá đối với giá dầu Brent có thể sẽ hạn chế hơn vào năm 2025 so với dự kiến ban đầu”, Warren Patterson, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV cho biết. Triển vọng giá dầu Brent trong năm tới đã được nâng lên từ 69 USD/thùng lên 71 USD/thùng, ngay cả khi tình trạng thặng dư liên tục làm giảm đà tăng giá.
Theo các nhà phân tích của HSBC, việc OPEC+ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng vẫn sẽ để lại công suất dự phòng đáng kể khoảng 5,2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2026.
“Việc trì hoãn thêm nữa sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản của OPEC+ là sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC sẽ tăng nhanh hơn nhu cầu trong giai đoạn 2025-2026, khiến OPEC+ không có không gian để tháo gỡ các lệnh cắt giảm sản lượng”, các nhà phân tích cho biết.
Trong đó, kỳ vọng duy nhất đối với OPEC+ là việc chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực thi mạnh mẽ hơn các lệnh trừng phạt hiện có đối với Iran, điều này có thể làm giảm xuất khẩu dầu và mở ra một số không gian để các thành viên khác của OPEC+ tăng sản lượng.
“Lập trường thuế quan của chính quyền Trump đối với Trung Quốc và nhu cầu yếu liên tục đã cung cấp cho tập đoàn tất cả sự khuyến khích cần thiết để gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến quý đầu tiên của năm 2025…Thông báo này cho thấy rõ ràng rằng OPEC+ đang lo ngại về cả tình trạng dư cung tiềm ẩn và việc các quốc gia thành viên không tuân thủ các mục tiêu sản xuất”, Mukesh Sahdev, Giám đốc thị trường hàng hóa toàn cầu của Rystad Energy cho biết.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Standard Chartered cho biết sau quyết định mới nhất về việc trì hoãn tăng sản lượng, hơn một nửa lượng dầu tăng theo kế hoạch từ OPEC+ hiện sẽ không được cung cấp. Trước đó, khoảng 496 triệu thùng được dự kiến sẽ được OPEC+ bổ sung vào năm tới, nhưng hiện tại, con số đó chỉ còn khoảng 191 triệu thùng.
“Kế hoạch mới của OPEC+ trong giai đoạn 2025 và 2026 là sự ngầm thừa nhận rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn OPEC+ mong muốn để khôi phục sản lượng dầu…Quyết định mới nhất của OPEC+ hoàn toàn trái ngược với quyết tâm mà họ thể hiện vào tháng 6 khi nghĩ rằng sẽ ở vị thế thoải mái để bắt đầu đảo ngược các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện bắt đầu vào tháng 10/2024”, Vivek Dhar, nhà phân tích của Commonwealth Bank of Australia cho biết.
“Việc gia hạn cắt giảm sản lượng báo hiệu với chúng tôi rằng OPEC+ vẫn đoàn kết và không có ý định làm tràn ngập thị trường dầu mỏ, thay vào đó, họ hướng đến một thị trường dầu mỏ cân bằng”, Giovanni Staunovo, chiến lược gia của UBS cho biết.
“Mặc dù giá dầu có khả năng sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng lượng hàng tồn kho giảm trong năm nay và thị trường sẽ cân bằng vào năm tới, trái ngược với kỳ vọng của thị trường về một thị trường dư cung mạnh, điều này sẽ hỗ trợ giá dầu trong những tháng tới”, ông cho biết thêm.