Thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng ngại về “Lehman Brothers Trung Quốc”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam “đổi xanh sang đỏ” trong phiên đầu tuần mới. Yếu tố được cho là ảnh hưởng là do chứng khoán châu Á có một phiên "đỏ lửa" vì tác động sự kiện Evergrande.
Thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng ngại về “Lehman Brothers Trung Quốc”

Cổ phiếu của các công ty bất động sản Hồng Kông (Trung Quốc) đã lao dốc do lo ngại ngày càng tăng về chiến dịch siết chặt quản lý ngành bất động sản của chính quyền Trung Quốc đại lục. Vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm nhất là liệu cuộc khủng hoảng nợ tại Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc, có lây lan ra toàn bộ hệ thống hay không. Một số nhà phân tích thậm chí coi đây là vụ khủng hoảng tương tự Lehman Brother (Mỹ).

Cổ phiếu Evergrande giảm tới gần 15% trong phiên hôm qua, kéo dài đà giảm giá tới 80% của cổ phiếu này kể từ đầu năm. Ngoài Evergrande, các nhà đầu tư trên thế giới còn lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu ngừng bơm tiền, giảm kích thích nền kinh tế trong cuộc họp ngày 23/9 tới đây.

Dù vậy, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về những sự kiện này và tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ SGI đánh giá, vụ việc của Evergande sẽ không tạo ra ảnh hưởng quá nhiều, đặc biệt đến các nền kinh tế, bởi các chính phủ hiện nay có nhiều kinh nghiệm và công cụ ứng phó, không để rủi ro hệ thống xảy ra. Còn vấn đề cục bộ ở mỗi công ty, nếu bên nào yếu kém sẽ phải trả giá là hợp lý. Như vậy, nền kinh tế và các thị trường chứng khoán càng lành mạnh.

Được thành lập vào năm 1996 bởi Chủ tịch Hui ka Yan tại thành phố Quảng Châu phía nam, Evergande đã tăng tốc trong 2 thập kỷ qua để trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc với doanh thu 110 tỷ USD vào năm ngoái. Vùng hoạt động trải dài 31 tỉnh với hơn 1.000 dự án. Cơ cấu cổ đông cho tới 30/6/2021 vẫn do Chủ tịch Hui chi phối, nắm 70% cổ phần.

Trong 5 năm lại đây giá nhà Trung Quốc hạ nhiệt và đặc biệt trong 2 năm qua khi Chính phủ Trung Quốc thi hành chiến lược giảm đòn bẩy cho nền kinh tế, nhu cầu nhà sụt giảm, doanh số bán của Công ty cũng sụt giảm theo. Khi đó Tập đoàn đã tìm kiếm tăng trưởng bằng đầu tư ngoài ngành và mở rộng liên tục bằng vay nợ. Những ngành họ tham gia gồm có y tế, sức khỏe, xe điện, ngân hàng, bảo hiểm, giải trí, đội bóng… DN đã tăng trưởng cũng như duy trì hệ thống bằng đầu tư tràn lan không kiểm soát. Theo quan điểm cá nhân của ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Đầu tư CTCK Mirrae Assett, điều này cho thấy Chính phủ Trung Quốc khi thực thi chiến lược giảm đòn bẩy đã tính tới trường hợp DN này và bây giờ phát tác hệ quả.

Dù vậy, bức tranh tài chính của Evergnade không quá tệ. BCTC ngày 30/6/2021 cho thấy tổng tài sản của Công ty là 367 tỷ USD, trong đó nợ phải trả 305 tỷ USD, 89 tỷ USD đến từ trái phiếu và các khoản vay ngân hàng phải trả lãi. Hệ số đòn bẩy trên Ebitda (Nợ trên lợi nhuận trước thuế và khấu hao) chỉ 7,8 lần, cũng là mức trung bình nhiều năm qua mà họ đã duy trì.

Điểm yếu chính là giá nhà đã giảm 25% bào mòn lợi nhuận , dòng tiền và khả năng trả nợ của Tập đoàn. Tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 8,8 tỷ đô la Hong Kong, bằng 50% so với cùng kỳ, khiến giới đầu tư lo ngại về ngắn hạn. Còn tổng lượng tiền mặt của họ lên tới 162 tỷ nhân dân tệ, tức 25 tỷ USD.

Dễ thấy, Tập đoàn này đang bị tâm lý hòn tuyết lăn, lo ngại lan từ người mua nhà, chủ nợ, nhân sự công ty…

Khủng hoảng của Evergande tác động tới kinh tế Trung quốc vì tổng dư nợ của doanh nghiệp chiếm 2% GDP (GDP Trung Quốc năm 2020 đạt 14.700 USD thì DN này nợ 300 tỷ USD). Dù vậy, ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu là thấp vì tổng lượng nợ trái phiếu của họ chỉ khoảng 20 tỷ USD, đáo hạn năm 2022 chỉ 7,2 tỷ USD.

Các giải pháp tái cơ cấu Evergrande rất rõ ràng: Thanh lý các tài sản thanh khoản cao như đầu tư tài chính, BĐS tốt để có tiền mặt nhằm đáp ứng nghĩa vụ trả nợ hiện tại hoặc tương lai gần. Bước thứ 2 là đàm phán với chủ nợ nội địa hơn là chủ nợ quốc tế vì nợ quốc tế chỉ chiếm ¼ tổng nợ.

Trong 300 tỷ nợ chủ yếu là người mua trả tiền trước, nợ nhà thầu xây dựng cung ứng vật liệu… các khoản này dễ cơ cấu.

Với giá trị cổ phiếu tuột dốc không phanh, hiện vốn hóa của Evergrande chưa tới 1/10 tài sản.

Một giải pháp được giới phân tích đề cập là Chính phủ Trung Quốc có thể cứu doanh nghiệp bằng cách chuyển nợ thành cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu của tỷ phú Hứa, tức là ông này chấp nhận phải mất tài sản.

Phân tích về Evergrande, ông Tuấn nêu quan điểm cá nhân, những trường hợp như này là Chính phủ Trung Quốc đang ép các doanh nghiệp cải tổ về quản trị, tránh đa ngành và giảm đòn bẩy rất rõ ràng. Trên thực tế, tình hình tài chính của Evergrande không quá bi đát.

Tình trạng của Evergrande sẽ ảnh hưởng cục bộ tới thị trường tài chính và chứng khoán Trung Quốc hơn là quốc tế. Các kế hoạch cơ cấu đang được tiến hành và sẽ nhanh chóng qua, tính lan tỏa dây chuyền sẽ được Chính phủ Trung Quốc can thiệp ngay khi cần. Rõ ràng Chủ tịch Tập Cận Bình đang thi hành chính sách lành mạnh hóa kinh tế Trung Quốc (giảm đòn bẩy) và chính sách thịnh vượng chung.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ