Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn nhất so với các kênh khác

(ĐTCK) Với chiến lược đầu tư dài hạn, mức giá thị trường hiện tại vẫn là hấp dẫn nhất so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt là với các cổ phiếu có vốn hóa trung bình và tình hình cơ bản tốt.
So sánh lợi suất giữa các nhóm cổ phiếu theo vốn hóa So sánh lợi suất giữa các nhóm cổ phiếu theo vốn hóa

VN-Index đã có một tuần tốt đẹp với 4/5 phiên tăng điểm, tổng mức tăng 2,5% và thanh khoản được cải thiện mạnh. Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đã cho tín hiệu điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự 571 điểm. Việc khối ngoại liên tục bơm ròng gần 1.000 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần qua với áp lực phiên sau cao hơn phiên trước, ít có khả năng thị trường sẽ quay đầu giảm điểm trong tuần này.

Đáng chú ý, dù vốn ngoại có truyền thống tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn thì trong phiên thứ Sáu (phiên giải ngân mạnh nhất trong tuần), trừ PVD và VIC, các cổ phiếu được giải ngân nhiều đều là các cổ phiếu có vốn hóa trung bình như HHS, NLG, ITA...

Với việc giá dầu thế giới tăng khá trong tuần qua, sự trở lại của cổ phiếu họ dầu khí là tâm điểm của thị trường trong tuần qua. Khối ngoại cũng chuyển từ trạng thái bán ròng sang mua ròng mạnh nhóm cổ phiếu này. PVD là cổ phiếu vốn hoá lớn có độ phục hồi tốt nhất với mức tăng xấp xỉ 20%. PVS cũng tăng trên 10%. GAS cũng có mức tăng mạnh phiên giữa tuần, nhưng nhịp tăng nhanh chóng bị điều chỉnh do khối ngoại giảm mua trong ngày ĐHCĐ của GAS khi GAS công bố lợi nhuận trước thuế có thể sẽ giảm 30% hoặc hơn nữa so với kế hoạch (tương đương giảm 50% so với năm 2014) nếu giá dầu ở mức hiện tại.

Ngược lại, PVD vẫn được mua mạnh, bất chấp việc nhà đầu tư trong nước chốt lời. Trong trường hợp PVD điều chỉnh về gần vùng giá 50.000 đồng/CP, cổ phiếu này có vẻ hấp dẫn trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn do triển vọng lợi nhuận trung hạn của PVD ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu hơn GAS (lợi nhuận 2015 dự kiến giảm không quá 20%) và P/E hiện tại vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành dầu khí vẫn có mức rủi ro khá cao trong điều kiện giá dầu biến động khó lường như hiện tại.

Thông tin kinh tế đáng lưu ý tuần qua là việc Tổng cục Hải quan công bố số liệu xuất nhập khẩu quý I/2015 với mức nhập siêu 3,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê là 1,8 tỷ USD. Việc này có thể là do khu vực FDI (khu vực xuất siêu) báo cáo nhanh và đầy đủ hơn khu vực kinh tế tư nhân (khu vực nhập siêu) vào ngày Tổng cục Thống kê chốt số liệu.

Cũng trong tuần qua, VAMA cho biết, ô tô nhập khẩu đã tăng mạnh 136% về lượng và 180% về giá trị. Như vậy, việc lãi suất duy trì ở mức thấp trong thời gian dài để kích cầu đã tác động tiêu cực đến cán cân xuất nhập khẩu do người dân bắt đầu thúc đẩy mua sắm, đặc biệt là hàng xa xỉ, nhập khẩu. Mức nhập siêu này chưa gây lo ngại về tỷ giá do lượng kiều hối đầu năm vẫn ở mức cao, trong khi dự trữ ngoại hối của NHNN đang ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, nếu xu hướng này kéo dài, lo ngại về lạm phát đi lên cuối năm là có thực.

Nhìn chung, về ngắn hạn, chúng tôi vẫn thấy xu hướng thị trường là tích cực, dù khả năng điều chỉnh nhẹ đầu tuần là khá cao. Với nhà đầu tư ngắn hạn đã tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn trước, khả năng gia tăng lợi nhuận vẫn còn. Các nhà đầu tư chưa tham gia thị trường cần quan sát thêm tình hình điều chỉnh đầu tuần sẽ giảm thiểu rủi ro giao dịch.

Với chiến lược đầu tư dài hạn, mức giá thị trường hiện tại vẫn là hấp dẫn nhất so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt là với các cổ phiếu có vốn hóa trung bình và tình hình cơ bản tốt. Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro dự kiến và biên động giá trị danh mục quá mạnh.

CTCK ACBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục