Ngành ngân hàng đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất

(ĐTCK) Sau hai năm các ngân hàng tập trung vào nhiệm vụ ưu tiên là giải quyết nợ xấu, ổn định hoạt động, trong khi các nhà điều hành giải quyết được một phần nhiệm vụ là lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng theo Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, chúng tôi nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên sẵn sàng cho sự tăng trưởng trở lại tại một số ngân hàng lớn.
Những ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro tốt và kinh nghiệm bán lẻ sẽ có khả năng bứt phá Những ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro tốt và kinh nghiệm bán lẻ sẽ có khả năng bứt phá

Triển vọng ngành ngân hàng trong 2015

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành trong năm 2015 giảm về mức 3%. Cơ sở cho nhận định này thứ nhất là Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều quy định có tính ràng buộc, khiến các ngân hàng phải tích cực hơn trong xử lý nợ xấu như TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không bán nợ cho VAMC sẽ bị thanh tra (Nghị định 53/2013), không được mở thêm chi nhánh (Thông tư 21/2013/TT-NHNN) hay các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay đầu tư cổ phiếu (Thông tư 36/2014/TT-NHNN).

Thứ hai, Thông tư 36 tăng giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên 60%, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn có rủi ro thành nợ dài hạn trước khi điều khoản cho phép cơ cấu lại nợ theo Thông tư 09 hết hạn (31/03/2015). Thứ ba, tăng trưởng tín dụng dường như đang tăng tốc nhanh hơn trong khi sự tham gia mua nợ của VAMC đã phần nào làm chậm lại tốc độ tăng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ do đó được kéo giảm.

Ngành ngân hàng đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất ảnh 1

Lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ phân hóa, tùy thuộc vào mức độ chặt chẽ trong phân loại nợ và trích lập chi phí dự phòng ở các năm trước và triển vọng thu nợ ngoại bảng, gắn liền với sự phục hồi của nền kinh tế.

Theo Thông tư 02/2012 và Thông tư sửa đổi bổ sung 09, từ ngày 1/1/2015, các TCTD phải sử dụng kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng của NHNN (CIC) cung cấp để điều chỉnh kết quả tự phân loại nợ.

Theo đó, một số ngân hàng đã thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng theo sát hệ thống phân loại nợ của CIC sẽ ít bị ảnh hưởng khi quy định phân loại nợ theo kết quả phân loại của CIC có hiệu lực từ đầu tháng 1/2015.

Ngành ngân hàng đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất ảnh 2

Ngoài ra, các ngân hàng đã thực hiện xóa nợ cũng có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến nếu thu được nợ từ nợ ngoại bảng nhờ thị trường bất động sản phục hồi và sự cho phép tái cơ cấu nợ của NHNN trước đây đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hoạt động phát hành tăng vốn và M&A dự kiến sôi động và giúp giảm áp lực thoái vốn tại một số TCTD theo quy định của Thông tư 36. Theo điều khoản quy định liên quan, NHTM nếu đáp ứng được các điều kiện cho phép nắm giữ cổ phiếu, thì giới hạn nắm giữ (trừ trường hợp hỗ trợ tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN) là (a) sở hữu cổ phiếu của không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD là công ty con của NHTM đó và (b) tỷ lệ nắm giữ tối đa là dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó. Theo quy định này, sẽ có nhiều trường hợp NHTM phải thoái vốn do có tỷ lệ hoặc số lượng TCTD nắm giữ vượt quá giới hạn cho phép.

Ngành ngân hàng đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất ảnh 3

Ở chiều ngược lại, chúng tôi nhận thấy nhiều kế hoạch phát hành thêm cũng như sáp nhập giữa các ngân hàng đã được công bố như tại BID, VCB, MBB, Saigonbank, Maritimebank… Việc tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của NHTM tại TCTD tăng vốn trong khi việc hợp nhất sẽ làm giảm số lượng ngân hàng, hai hình thức này sẽ góp phần giảm bớt áp lực phải thoái vốn.

Ngành ngân hàng đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất ảnh 4

Ngành ngân hàng đã đi đến những bước cuối cùng của giai đoạn tái cấu trúc 2011 – 2015, bài toán xử lý nợ xấu cũng trở nên dễ dàng hơn nhờ sự ra đời và tham gia tích cực của VAMC và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và các gói giải cứu của Chính phủ dành cho lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng thu hồi nợ nhanh hơn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã tỏ ra năng động hơn khi chuyển trọng tâm từ phục vụ thành phần kinh tế là các tổ chức lớn sang lĩnh vực bán lẻ gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh gia đình và tài chính cá nhân.

Sự chuyển hướng này không chỉ giúp các ngân hàng tránh được sự phụ thuộc quá lớn vào thu nhập từ lãi, vốn khá nhạy cảm với các chính sách tiền tệ của NHNN, mà còn tạo điều kiện để các ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) vốn đã suy giảm liên tục kể từ năm 2011. Những lý do này là động cơ thúc đẩy cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm và kỳ vọng sẽ là nhóm ngành dẫn dắt thị trường trong năm 2015.

Chọn lọc cổ phiếu

Chúng tôi cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi các ngân hàng phía trước, do những rủi ro song hành với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và áp lực cạnh tranh gia tăng khi mọi ngân hàng đều hướng đến khai thác mảng kinh doanh bán lẻ. Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro tốt và có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ sẽ là những ngân hàng có khả năng bứt phá cao nhất.

Ngành ngân hàng đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất ảnh 5 

Với quan điểm này, những ngân hàng ACB, BID, CTG, EIB, SHB, MBB, STB, VCB là những ngân hàng được chúng tôi đánh giá cao ở một trong hoặc tất cả các mặt về (1) hệ thống quản trị rủi ro, (2) kinh nghiệm và khả năng tạo bứt phá ở mảng ngân hàng bán lẻ, và (3) triển vọng lợi nhuận khả quan, gắn liền với sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản và xây dựng.

CTCK Rồng Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục