Thị trường chứng khoán sẽ phát triển mạnh mẽ theo chiều sâu

(ĐTCK) Sự phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua là tiền đề tốt cho việc thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Các thành viên thị trường đang rất quan tâm đến tương lai của thị trường chứng khoán thời gian tới, Thứ trưởng có thể chia sẻ vài nét về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ?

Hiện Bộ Tài chính đang cùng với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Căn cứ, cơ sở để xây dựng chiến lược này là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thị trường chứng khoán là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Quan điểm bao trùm khi xây dựng chiến lược là phát triển thị trường đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thị trường trên cơ sở chú trọng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế đang rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, sẽ quản lý, giám sát thị trường chứng khoán trên cơ sở quản lý rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo tính minh bạch, an toàn và bền vững của thị trường. Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, bằng khuôn khổ pháp lý, bằng hệ thống các quy định pháp luật thị trường.

Mục tiêu tổng quát, chúng ta sẽ xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế.

Trước đây, khi chưa có thị trường chứng khoán, vai trò cấp vốn ngắn, trung, dài hạn cho doanh nghiệp đều đặt lên vai hệ thống ngân hàng.

Nhưng từ khi chúng ta xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán, gánh nặng này của hệ thống tín dụng được san sẻ. Tỷ trọng dẫn vốn cho nền kinh tế của kênh chứng khoán cũng ngày càng lớn dần so với hệ thống ngân hàng.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam cũng gắn liền với sự phát triển của thị trường khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, sẽ đưa các chuẩn mực, thông lệ tốt trên các thị trường quốc tế vào áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán đã có bước phát triển ấn tượng thời gian qua, vậy các mục tiêu cụ thể được định lượng như thế nào cho giai đoạn tới, thưa Thứ trưởng?

Chúng ta sẽ phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và tính thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (GDP đã điều chỉnh) vào năm 2025 và 110% GDP vào năm 2030…

Đối với thị trường trái phiếu, mục tiêu hướng tới là quy mô thị trường đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Cơ cấu thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ được phát triển hợp lý.

Với thị trường chứng khoán phái sinh, mục tiêu tốc độ, quy mô tăng 20 - 30%/năm; số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025, đạt 8% vào năm 2030, với cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, trong nước, ngoài nước hợp lý.

Vậy sẽ có những giải pháp nào được thực thi để đảm bảo Chiến lược được thực hiện hiệu quả và đạt các mục tiêu đề ra, thưa Thứ trưởng?

Về tổ chức thị trường hiệu quả, chúng ta tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán, thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó HOSE và HNX là hai công ty con. Ngày 11/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) .

Đồng thời, sẽ tổ chức lại Trung tâm Lưu ký chứng khoán thành Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán, hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn phân hạng của MSCI, FTSE.

Chúng ta cũng đặt ra mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian trên thị trường, củng cố và tăng cường năng lực của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư (ETF, hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư trái phiếu); thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ như xếp hạng tín nhiệm, tổ chức và nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán…

Đảm bảo thực thi các chính sách pháp luật, đảm bảo cho thị trường vận hành công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong giám sát thị trường, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, nhanh chóng phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư tham gia, trong đó có nhà đầu tư cá nhân cũng như các tổ chức kinh doanh.

Mục tiêu thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 4 thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Chúng ta cũng chủ động hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới và đặt ra mục tiêu thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 4 thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Như vậy, chúng ta sẽ có hệ thống giải pháp để đạt mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực giám sát, tăng cung hàng chất lượng, phối hợp chính sách nhịp nhàng, nâng cao hoạt động của các tổ chức trung gian.

Định hướng chiến lược này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để sớm thông qua, từ đó thị trường chứng khoán có định hướng rõ ràng để phát triển.

Giữ thị trường phát triển ổn định và bền vững là mục tiêu rất lớn, nhằm tạo niềm tin và sự phát triển của kênh dẫn vốn dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Các giải pháp mà cơ quan quản lý thị trường sẽ thực hiện trong thời gian tới đây để đạt được mục tiêu này là gì?

Trước hết là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố thị trường tài chính. Những gì yếu kém, rủi ro phải chủ động xử lý để đảm bảo hệ thống tài chính an toàn, lành mạnh, minh bạch, bảo vệ các chủ thể tham gia thị trường.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn. Trong đó, có giải pháp tài khóa hỗ trợ nền kinh tế như giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp có điều kiện, bao gồm cả miễn giảm thuế, phí chứng khoán cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán để trục lợi, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ sớm xây dựng, tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp để có thị trường giao dịch, đưa trái phiếu doanh nghiệp vào thị trường có tổ chức, giám sát, quản lý, có thông tin minh bạch, giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; đưa vào hoạt động Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, tăng cường hiệu quả hoạt động của Sở giao dịch HOSE, HNX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Với những mục tiêu, giải pháp, vận hành đồng bộ, với sự đồng hành của cá nhân tổ chức liên quan, chúng tôi tin tưởng thị trường chứng khoán năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ bước vào giai đoạn mới - giai đoạn phát triển theo chiều sâu, chất lượng - đạt các mục tiêu Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đề ra.

Thủy Nguyễn
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục