Thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới

(ĐTCK) Đưa nhiều sản phẩm mới vào thị trường, đồng thời với việc nỗ lực cải thiện vị thế TTCK Việt Nam trên trường quốc tế là những giải pháp chính mà nhà quản lý và một số thành viên thị trường nêu lên tại Hội nghị phát triển TTCK năm 2014 cuối tuần qua.
Thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới

“Năm 2014 sẽ có nhiều sản phẩm mới trên thị trường”

Ông Vũ Bằng,Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)

Năm 2014, kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc hơn, thị trường tài chính thế giới nhìn chung được dự báo là ổn định. Trong nước, nền kinh tế có dấu hiệu ổn định, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất thấp… Trong bối cảnh đó, UBCK đặt mục tiêu năm này, sẽ tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững của TTCK; triển khai hiệu quả việc tái cấu trúc TTCK, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và TTCK. Năm 2014 cũng sẽ là năm tăng cường hội nhập quốc tế, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia.

Về các giải pháp cụ thể, năm 2014, UBCK sẽ tập trung khuyến khích thành lập các quỹ ETF nội địa, đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mới như: chứng quyền (covered warrants), chứng chỉ lưu ký không quyền biểu quyết (NVDR), sản phẩm phòng vệ (hedging) đối với trái phiếu..., xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn TTCK; nghiên cứu, xây dựng chương trình, giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI (chỉ số chứng khoán toàn cầu hoặc khu vực).

Cùng với đó, UBCK cũng sẽ tăng cường các biện pháp làm sạch thị trường, đảm bảo công bằng cho các thành viên và nhà đầu tư. Trong công tác giám sát, gần đây, đường dây nóng của UBCK nhận được nhiều phản ánh của nhà đầu tư. Chúng tôi đã và sẽ xử lý các phản ánh này.

Một công tác khác là phối hợp với Vụ Kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính, Hiệp hội Kế toán để quản lý chặt hơn chất lượng kiểm toán, buộc các công ty kiểm toán phải thận trọng, nghiêm túc hơn khi kiểm toán các chủ thể trên TTCK Việt Nam.

“Nên có quy chuẩn cụ thể hơn cho việc tái cấu trúc CTCK”

Ông Lê Văn Bé,Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)

Theo chúng tôi, UBCK cần tăng cường giám sát TTCK bằng nhiều công cụ để đảm bảo thị trường vận hành an toàn, lành mạnh. Mấy năm trước đây, TTCK từng chao đảo khi chính sách pháp lý lúc thì mở, lúc thì chặt với dòng vốn từ ngân hàng chảy vào chứng khoán. Theo tôi, khi TTCK được giám sát chặt chẽ, không nên dùng các biện pháp hành chính can thiệp vào các dòng vốn chảy vào thị trường, nhất là dòng vốn từ ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc khối CTCK, tôi cho rằng, đây là vấn đề còn nan giải hơn cả việc tái cấu trúc các ngân hàng. Vì vậy, cần nghiên cứu để đưa ra bộ tiêu chí, chính sách phù hợp, làm cơ sở để triển khai công tác này.

Đứng ở góc độ là một nhà đầu tư, một ngân hàng cổ phần, chúng tôi nhận thấy, việc niêm yết là quyết định đúng đắn đối với MB. Niêm yết đã giúp DN minh bạch hơn hoạt động của mình và đó là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững.

“Cải thiện vị thế TTCK Việt Nam trên trường quốc tế”

Ông Trần Đắc Sinh,Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế, TTCK Việt Nam hiện chỉ được xếp vào nhóm thị trường biên, trong khi các thị trường khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đã được đánh giá là thị trường mới nổi và có cổ phiếu được đưa vào tính toán trong các bộ chỉ số quốc tế. Nếu không cải thiện vị thế này, chúng ta sẽ kém cạnh tranh so với các TTCK khu vực trong thu hút vốn đầu tư quốc tế, bởi việc xếp hạng thị trường luôn ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn của các quỹ đầu tư.

Một trong những giải pháp lớn có thể làm thay đổi hình ảnh của TTCK Việt Nam, theo tôi, là phải đẩy nhanh việc hợp nhất Sở GDCK, để tạo nên một thị trường có quy mô lớn hơn, thống nhất trong quản lý hơn. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa công cụ cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán và tăng cường hàng hóa có chất lượng trên TTCK. Trước mắt, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc phát triển quỹ ETF tại Việt Nam, vì thế chúng ta cần sớm hoàn thiện hạ tầng cho sản phẩm này. Bên cạnh đó, cần có giải pháp gia tăng số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các công ty lớn, bởi nhiều DN lớn Nhà nước nắm tới 90, 95% vốn, nên rất hạn chế trong thu hút vốn nước ngoài.

Về phía DN niêm yết, tôi cho rằng, cần phải có chính sách ưu đãi thuế, chẳng hạn, DN ngoài sàn chịu thuế thu nhập 25%, thì DN niêm yết chỉ nên phải chịu 22%. Mục tiêu của việc này là khuyến khích các DN lên sàn, minh bạch hóa hoạt động.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục