Theo Chủ tịch HOSE, lý do của đề xuất này nhằm thực hiện một mục tiêu lớn hơn: khuyến khích các DN lên sàn để minh bạch, hoạt động lành mạnh hơn, thực chất hơn.
Chia sẻ với các DN, ông Sinh cho biết, ông hiểu rằng, lên niêm yết, các DN phát sinh các công việc liên quan đến báo cáo, công bố thông tin, thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của một DN niêm yết… “Đáp lại những nỗ lực này, cần có một chính sách ưu đãi thuế hơn cho các DN niêm yết. Chẳng hạn, nên cho phép DN niêm yết được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn một chút, so với các DN ngoài sàn”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, giai đoạn 2006 - 2008, Việt Nam đã có chính sách ưu đãi thuế cho DN cổ phần hóa gắn với niêm yết. Tuy nhiên, chính sách này được thực thi trong thời gian ngắn, nên hiệu quả chưa rõ rệt. Hiện nay, để khuyến khích các DN thực hiện cổ phần hóa, gắn với niêm yết, nên xem xét áp dụng tiếp chính sách này.
Về việc nhiều DN niêm yết đang bị truy thu ưu đãi thuế, ông Sinh cho rằng, cách làm này không phù hợp, DN đã được hưởng ưu đãi thuế theo quy định pháp lý thì nên cho họ được hưởng trọn vẹn. Việc truy thu đang gây ra những sự bức xúc nhất định trong cộng đồng DN niêm yết.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Chủ tịch UBCK Vũ Bằng chia sẻ, UBCK sẽ lắng nghe thị trường và có kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc truy thu ưu đãi thuế của DN niêm yết. Liên quan đến DN niêm yết, nếu như năm 2013, một trong những giải pháp trọng yếu để hỗ trợ khối DN này mà UBCK đề cập là tạo cơ chế cho DN được bán cổ phần dưới mệnh giá, thì trong các giải pháp phát triển TTCK 2014, giải pháp này đã không được đề cập. Năm 2014, UBCK sẽ tập trung vào các giải pháp về sản phẩm, về tái cấu trúc, về kích cầu và tuyên truyền đào tạo, quảng bá TTCK Việt Nam.