Càng về giữa năm, kinh tế vĩ mô càng vận động theo chiều hướng tích cực hơn so với đầu năm. Liệu xu hướng này có được duy trì trong 6 tháng cuối năm, thưa ông?
Theo tôi, kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục vận động theo chiều hướng tích cực hơn. Điều này được hỗ trợ bởi lãi suất ngân hàng, lợi suất trái phiếu chính phủ và lạm phát đang có xu hướng giảm. Cùng với đó là tỷ giá ổn định.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Mặt khác, tinh thần kinh doanh tiếp tục được phục hồi. Có được điều này là nhờ những hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc tạo ra những thay đổi về cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Môi trường kinh doanh được cải thiện đã góp phần quan trọng giúp dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam không bị sụt giảm như nhiều quan ngại trước đó, do xu hướng bảo hộ mậu dịch của Mỹ tăng, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thành, mà vẫn tăng tích cực.
Những yếu tố tích cực trên là mang tính cơ bản, khá vững. Điều này đã được phản ánh cụ thể vào diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm nay.
Đó là những điểm thuận, vậy còn những rủi ro mà thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt là gì, theo ông?
Tuy môi trường kinh doanh đã có những cải thiện, nhưng so với yêu cầu đề ra thì còn chậm. Nỗ lực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đang rơi vào thế khó là trông chờ vào hành động của chính các đơn vị ban hành chính sách.
Có nghĩa là đang phải trông đợi các bộ, ngành, địa phương tự gọt bỏ các chính sách do chính họ ban hành, đồng nghĩa họ chấp nhận từ bỏ tư duy cũ là bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương mình. Đây là việc khó.
Thực tiễn trên thế giới cho thấy không một nước nào làm việc này thành công, mà không có sự vào cuộc quyết liệt, bền bỉ của cơ quan quản lý hành chính cấp trên trong thúc đẩy bộ máy hành chính đổi mới tư duy hoạch định và thực thi chính sách, thanh lọc những cán bộ yếu kém về năng lực và phẩm chất.
Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn cả về nguồn lực lẫn thể chế, trong khi khu vực này có ảnh hưởng đến dòng vốn tham gia thị trường chứng khoán, nên sẽ tác động đến triển vọng cải thiện dòng tiền cho thị trường trong thời gian tới.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang khó, trong khi chi phí hoạt động của khu vực này còn cao, nên khả năng tăng cho vay đầu tư chứng khoán sẽ khó, do đây là lĩnh vực rủi ro cao. Điều này có khả năng làm hạn chế dòng tiền từ nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán, nên thị trường sẽ khó có tính đột phá.
Như dự báo của ông thì dòng tiền từ thị trường nội địa tham gia thị trường không dễ có khả năng cải thiện, vậy còn dòng vốn ngoại thì sao?
Trong cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, họ đang có đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán của Việt Nam từ nay đến cuối năm, bởi năng lực cạnh tranh, định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam hiện khá tốt. Chúng ta tích cực, chủ động trong đàm phán, tham gia các hiệp định thương mại tự do. Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng đang được thúc đẩy, tạo ra lực hút với dòng vốn ngoại.
Tuy nhiên, thách thức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong cải thiện khả năng thu hút thêm dòng vốn ngoại là một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như: Mỹ, châu Âu đang gia tăng mức độ hấp dẫn nhờ kinh tế phục hồi. Kinh tế tăng trưởng khiến chính sách nới lỏng tiền tệ của châu Âu, Nhật Bản có khả năng sẽ không được kéo dài, lãi suất sẽ tăng trở lại, dẫn đến các dòng vốn đang đầu tư trên toàn cầu bị hút về đầu tư tại chính quốc để hưởng lãi suất cao.
Mặt khác, dòng tiền nước ngoài có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, trong khi Trung Quốc đang có những quy định kiểm soát chặt chẽ dòng tiền đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, nên dự báo sẽ khó có khả năng thu hút thêm dòng vốn từ thị trường này, ít nhất là từ nay đến cuối năm.
Với những phân tích về kinh tế vĩ mô trong nước và toàn cầu như trên, dự báo xu hướng chủ đạo của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay là phục hồi bền vững.
TTCK sẽ tiếp tục sôi động trong 6 tháng cuối năm
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM)
Nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ diễn biến tích cực hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm. GDP sẽ tăng trưởng cao hơn nhờ vào một loạt chính sách thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ như: tăng sản lượng khai thác dầu thô và xuất khẩu than đá, đẩy nhanh vốn đầu tư công (nâng mục tiêu từ 32% GDP lên 35% GDP), cung cấp gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ nông nghiệp 100.000 tỷ đồng, giảm 0,25% các loại lãi suất điều hành, nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên trên 18%.
Lạm phát đã hạ nhiệt nhanh chóng trong quý II/2017, giúp rủi ro lạm phát trong năm nay giảm đáng kể, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2017 nhờ nguồn vốn FDI và FII tăng mạnh, cũng như nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào (đạt kỷ lục mới ở mức 42 tỷ USD). Tuy nhiên, tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công cao vẫn là rủi ro đáng lo ngại mặc dù không mới.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô như vậy, dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục sôi động trong 6 tháng cuối năm với thanh khoản cao. Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở từng cổ phiếu riêng biệt vẫn luôn rộng mở, mặc dù có thể VN-Index sẽ không tăng mạnh như 6 tháng đầu năm.
Một số nhân tố mới hỗ trợ cho thị trường chứng khoán sẽ đến từ việc giảm lãi suất giúp cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp và định hướng nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào thị trường; nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đón đầu làn sóng thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; định giá bình quân toàn thị trường vẫn ở mức hợp lý so với các nước Đông Nam Á trong bối cảnh GDP tăng tốc và hoạt động sản xuất - kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục khởi sắc.
TTCK trong 6 tháng đầu năm nay tích cực đã giúp cho giá trị tài sản ròng của tất cả các quỹ do TVAM quản lý đều đạt mức tăng trưởng 30 - 40%, vượt xa mức tăng trưởng của VN-Index. TVAM đang quản lý tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng, được phân chia thành nhiều quỹ khác nhau và chủ yếu đầu tư vào thị trường niêm yết. TVAM đang huy động thêm một quỹ đóng mới có thời hạn hoạt động 3 năm, dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2017 và sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Hứa hẹn tăng trưởng kinh tế ổn định trong nửa cuối năm 2017
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Số liệu quý II/2017 cho thấy bức tranh kinh tế đã cải thiện đáng kể, dù tăng trưởng GDP vẫn còn ở mức thấp. Động lực tăng trưởng đến từ hầu hết các lĩnh vực chủ chốt là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Duy nhất khai thác dầu thô giảm sút đã kéo giảm tăng trưởng chung.
Chúng tôi cho rằng, không nhất thiết phải tăng khai thác dầu thô để đạt tăng trưởng cao trong nửa cuối năm nay, vì cán cân ngân sách đang ở trạng thái tốt, thâm hụt ngân sách 6 tháng qua mới là 19.000 tỷ đồng (gần bằng 1% GDP), nên áp lực phải có nguồn thu để bù đắp thâm hụt không lớn.
Khai thác dầu thô 6 tháng qua đang ở mức trung bình 1,1 triệu tấn/tháng, thấp hơn trung bình năm 2013 (thời điểm trước khi giá dầu lao dốc) 18%.
Nếu sang năm 2018 bắt đầu khai thác dầu thô thêm 5 - 10% thì ngành khai khoáng sẽ tăng trưởng dương với giả định giá dầu ổn định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cao trong 2018.
Tăng trưởng thấp đang tạo áp lực phải tiếp tục cải cách, tái cơ cấu và tìm động lực phát triển mới như nông nghiệp công nghệ cao hay du lịch. Đây là những chủ trương đúng và cần tiếp tục thực hiện để tạo nền tảng cho tăng trưởng cao trong dài hạn.
Về cơ bản, rủi ro lạm phát cũng như nhập siêu là rủi ro thường trực của Việt Nam do nền sản xuất nội địa còn kém phát triển. Nói như vậy không có nghĩa phải cắt giảm tín dụng. Trong bối cảnh hiệu quả đầu tư của nguồn vốn nhà nước thấp, nguồn vốn đầu tư phát triển đến từ khối tư nhân hay FDI sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho tăng trưởng.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã tăng tới 14,9%, hơn gấp đôi tăng trưởng của nguồn vốn nhà nước. Để khối tư nhân có nguồn vốn đầu tư, trước mắt tín dụng là trụ cột. Nhìn về dài hạn, sẽ tốt hơn nếu có một thị trường vốn phát triển, trở thành kênh huy động vốn chính cho doanh nghiệp.
Một lộ trình nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi rõ ràng là một hướng đi tốt để phát triển thị trường vốn, tạo lập niềm tin và thu hút dòng tiền lớn từ nước ngoài cho quá trình phát triển đất nước.
Chúng tôi đã nhận thấy có nhiều tín hiệu tích cực, hứa hẹn tăng trưởng kinh tế ổn định trong nửa cuối năm 2017 và tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo. Điều đó sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.